Là giám đốc một công ty du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, anh Trần Hoàng Chiến (32 tuổi) cũng từng là một người trẻ gồng mình lên để “phản kháng” cha mình.
Hành trình khởi nghiệp giúp anh Chiến nhận ra gia đình là điều quan trọng nhất. Hiện tại, cha của anh Chiến mắc bạo bệnh, không thể trò chuyện được với con trai. Anh Chiến chỉ có thể ngồi kể những câu chuyện của mình bên giường bệnh của cha.
Không hài lòng cha vẽ sẵn đường cho tương lai
Những năm 2010, khi còn đi học, Chiến muốn theo nghề truyền thông. Tuy nhiên, cha của Chiến mặc định cậu phải về để tiếp nối cơ nghiệp của gia đình. Điều này làm cậu bức bối và khó chịu, muốn tìm mọi cách để "thoát" khỏi gia đình.
“Lúc đó bị cha đóng khung tương lai, mình rất uất ức. Sự khắt khe của cha làm mình càng muốn khẳng định bản thân. Dù còn sinh viên, nhưng mình đã tìm nhiều công việc khác nhau, bị cuốn theo chuyện kiếm tiền”, anh Chiến nói.
Một hôm, Chiến phải dốc sức để sản xuất podcast cho kịp giờ đăng. Trước đó, cha mẹ đã dặn chiến về ăn cơm vì có vị khách đặc biệt quan trọng tới dùng bữa. Chiến đã không về, đặt cao công việc của mình hơn bữa cơm tối. Sự thiếu quan tâm gia đình khiến hai cha con xảy ra mâu thuẫn lớn, thậm chí Chiến phải bị đòn.
Ngay sau đó Chiến bị quản chế, khiến cái tôi của cậu bùng lên, càng nghĩ đến chuyện đi kiếm tiền để thoát khỏi gia đình. Trước mặt gia đình, Chiến trở nên ngoan ngoãn nghe lời, nhưng sau đó, Chiến tìm mọi cách để kiếm tiền nhanh nhất, từ bán máy tính xách tay đến làm website thuê, rồi xây dựng nội dung cho các kênh radio…
Ra trường năm 2013, anh Chiến làm trong ngành quảng cáo với vai trò chuyên viên hoạch định chiến lược, nhất quyết không về nối nghiệp công ty của cha. Dù không bằng lòng, cha của anh Chiến cũng không quá cấm cản.
Lúc đó, vị trí này có ít nhân sự ở Việt Nam, lương của anh Chiến được xếp ở mức rất cao, có tiền để đi du lịch và cơ hội đi nước ngoài. Tuy nhiên, sau 5 năm, anh Chiến cảm thấy không yêu thích công việc nữa nên quyết định nghỉ việc. Một lần nữa, anh lại khiến cha mất niềm tin.
Niềm vui không nằm ở tiền bạc
Có lần đi Singapore tham gia trại hè, anh Chiến được tham gia trải nghiệm văn hoá địa phương. Từ việc đi hành hương trên những ngôi chùa trên núi, đến việc tiếp xúc văn hoá của người dân đều khiến anh cảm thấy bồi hồi cảm xúc. Anh nhận ra rằng, mình cần phải chia sẻ, trò chuyện và hiểu sâu cuộc sống của người xung quanh hơn.
"Khi còn đi làm nhân viên văn phòng, mình cực kỳ stress vì khối lượng công việc nhiều, lại suốt ngày chỉ đi vào các toà nhà. Đó là một vòng lặp và sự an toàn. Đối với mình, việc đi du lịch mạo hiểm, tương tác với các cộng đồng mới sẽ giúp mình bước ra khỏi vùng an toàn", anh Chiến bày tỏ.
Anh Chiến nghĩ ngay đến việc làm du lịch cộng đồng và đi khảo sát thị trường. Anh nhận thấy Việt Nam có rất nhiều người muốn đi đến vùng cao, nơi hoang sơ khám phá văn hóa, cảnh vật nhưng vẫn còn e dè.
Năm 2019, anh Chiến quyết định thành lập công ty du lịch mạo hiểm tại Việt Nam, kèm theo đó là bán tour để du khách có thể đi du lịch mạo hiểm khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu của công ty là chia sẻ giá trị văn hoá của các địa phương Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế.
Sau khi xin phép chính quyền các địa phương, các cung đường núi để trekking (đi bộ leo núi) như quãng đường 20km tại Tà Giang (Khánh Hòa), hay 28km tại Tà Năng - Phan Dũng (tỉnh Lâm Đồng) được anh Chiến mở ra, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.