Chàng kỹ sư bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công từ nho Hạ đen

(CTG) Đó là chàng kỹ sư Hoàng Văn Cương, 27 tuổi, là người thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Tp. Hà Nội với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Hành trình khởi nghiệp

Chàng trai Hoàng Văn Cương, 27 tuổi, là người thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Thời còn là sinh viên trường Nông lâm Bắc Giang anh được chọn giúp việc cho dự án trồng nho Hạ đen, giống nho sinh trưởng khỏe, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt, do Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) chuyển giao tại Việt Nam.

Tuy nhiên lúc đó anh Cương không có ý định bán mặt cho đất sau khi ra trường và cũng không hứng thú với loại cây này. Anh nuôi mơ ước làm việc văn phòng trong những công ty lớn ở thành phố. “Cho con trai làm nông không bao giờ nằm trong kế hoạch của mẹ tôi. Cả đời bà vất vả chỉ mong con mình thoát khỏi cảnh cơ cực của ruộng đồng”, anh Cương chia sẻ.

Kỹ sư 9x bỏ phố về quê khởi nghiệp, “gặt

Anh Cương bên vườn nho của mình.

Ra trường, anh vào làm tại công ty phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật ở Bắc Giang những tưởng cuộc đời anh sẽ đi theo đúng lộ trình đã vạch ra. Tuy nhiên trong một lần mua chùm nho Hạ đen về ăn thử thấy quả chua, vỏ dày, ăn xong ngứa cổ, lại không có màu tím đẹp, những kiến thức hồi làm giúp việc cho chuyên gia Trung Quốc bỗng nhiên trỗi dậy một nghi vấn đó là “Tại sao họ làm được mà người Việt lại không”.

Thời điểm đó là khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, công việc tại công ty phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật ở Bắc Giang cũng dần bấp bênh. Những khao khát từ thời sinh viên đã thôi thúc Cương nhen nhóm ý định trồng thử loại nho này vì anh đã có chút ít kinh nghiệm.

Nghĩ là làm, anh Cương về bàn với gia đình và được vợ ủng hộ, anh vay thêm 20 triệu đồng cùng 10 triệu tiền vốn mua 140 cây giống và mượn một sào đất của bố vợ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn để trồng thử nghiệm. Cứ cuối tuần sau khi xong việc ở Công ty anh lại từ Bắc Giang về Lạng Sơn chăm sóc vườn.

 

Kỹ sư 9x bỏ phố về quê khởi nghiệp, “gặt

Vườn nho Hạ đen đem lại năng suất và thu nhập cao cho anh Hoàng Văn Cương.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Cứ nghĩ với kinh nghiệm đã có khi hỗ trợ chuyên gia, cùng với kiến thức của mình. Nhưng thực tế, hành trình khởi nghiệp của chàng kỹ sư gắn với chuỗi thất bại liên tiếp. Do bón phân chuồng chưa hoai mục, tất cả cây anh trồng từ một tháng trước đồng loạt thối rễ.

Anh xin nghỉ cả tuần, một mình đào hết số phân đã được chôn xuống đất, quyết cứu cây. Sau khi phân được làm sạch, rễ dần hồi phục lại xuất hiện bọ trĩ. Từ kiến thức lượm lặt trên mạng, anh phun thuốc trị bệnh nhưng vài tiếng sau lá nho xoăn hết lại, rồi làm sao để cây phát triển, ra hoa, đậu quả…

“Tôi gần như không ngủ nổi vì cứ nằm xuống lại nghĩ đến chuyện nho chết”, anh Cương kể lại. Nửa đêm tỉnh dậy, anh lại lên mạng, lùng sục cách khắc phục nho xoăn lá. Khi tìm ra phương pháp phun nước kèm rong biển, 90% số nho hồi phục.

Và cuối cùng, những nỗ lực của anh cũng đã được đền đáp. Hơn 200 kg nho đã được thu hoạch từ lứa quả đầu tiên bán được 30 triệu đồng giúp Cương trang trải nguồn vốn vay ban đầu và tiếp cho anh thêm quyết tâm động lực để khởi nghiệp với giống nho hạ đen. “Nho chết đi sống lại mà vẫn không lỗ nên nếu chuyên tâm làm việc thì chắc chắn thành công. Và anh quyết định nghỉ việc và chính thức khởi nghiệp từ đó”, anh Cương cho biết.

Đầu năm 2021, anh Cương đánh liều sang xã bên (thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) thuê hơn 1ha đất trồng nho. Không có tiền thuê đất anh thuyết phục chủ đất cho thuê cuối năm sẽ trả. Còn tiền mua cây giống, làm giàn và trả nhân công, anh nhờ bố mẹ vợ vay giúp. Vì vốn không nhiều, anh chỉ dám trồng một phần trên diện tích đất thuê, còn lại anh trồng dưa lê Hàn Quốc cùng một số rau củ khác để lấy ngắn nuôi dài.

Nhưng khó khăn lại tiếp tục thử thách Cương, hơn 100 gốc nho bị đánh trộm, tiếp đó vì anh chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc diệt cỏ gấu xong thì lại gặp mưa nên thuốc ngấm xuống đất khiến số cây còn cũng gần như chết hết.

Dù lứa nho trồng lại cuối năm cho thu hoạch hơn 3 tạ quả, nhưng vẫn không đủ để trang trải tiền thuê đất. Anh lại xin khất nợ. Lần trồng tiếp theo những tưởng thành công thì anh lại gặp phải sự cố do đường thoát nước trong vườn vô tình bị một công trình xây dựng gần đó chặn lại khiến nho ngập nước quả rụng hàng loạt và thiệt hại nặng nề.

Với quy trình chăm sóc được đúc rút sau nhiều lần thất bại, 900 gốc nho trồng mới từ giữa năm 2022 cho thu hoạch vụ đầu được 1,4 tấn giúp anh trang trải bớt tiền thuê đất, tiền vốn vay. Tự tin với kỹ thuật chăm sóc cây, anh Cương mở rộng thêm diện tích trồng nho trong vườn lên hai phần diện tích đất thuê. Bên cạnh đó anh còn góp vốn bằng việc hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật cho một số chủ vườn tại nhiều địa phương như: Quốc Oai, Đan Phượng, Phú Xuyên (Hà Nội); thị xã Duy Tiên (Hà Nam); Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Nghệ An.

Chia sẻ về sản lượng các vườn, anh Cương nhận định: “Nếu không có “sự cố” thì trung bình mỗi 1ha cho thu hoạch khoảng 10 tấn nho/năm. Với giá 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác”, Cương tiết lộ.

Về quê hương bằng đôi bàn tay trắng, bằng tinh thần ham học hỏi và nỗ lực vươn lên, anh Hoàng Văn Cương đã có được những thành công bước đầu. Thành công ấy cho anh cơ hội để tạo việc làm cho người dân địa phương; giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định, làm giàu ngay trên quê hương mình và đặc biệt đã giúp anh lấy được niềm tin từ gia đình, người thân.

Đăng Hải