Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini

(CTG) Đam mê tàu ngầm, bạn Phan Trần Phú (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) đã tạo được 10 mô hình mô phỏng y như thật.

Đam mê tàu ngầm, bạn Phan Trần Phú (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) đã tạo được 10 mô hình mô phỏng y như thật.

 
Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini - Ảnh 1.
 

Phan Trần Phú bắt đầu chế tạo tàu ngầm đến nay đã được 2 năm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từ mê đồ chơi tới tàu ngầm

Vốn có đam mê từ khi học cấp 1, Phú từng chơi qua máy bay điều khiển, xe tăng, tàu, thuyền. Dần dần, Phú tự tìm tòi, học hỏi và chế tạo các món đồ chơi đó. 

Khi bắt đầu chặng đường sinh viên, Phan Trần Phú (sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) tình cờ thấy được những video về tàu ngầm trên mạng xã hội. 

Phú nhận ra đây không chỉ là món đồ chơi giải trí mà còn là niềm đam mê riêng của bản thân, thôi thúc cậu sinh viên năm 2 dám bứt phá vào con đường chế tạo. 

Sau 2 năm nghiên cứu và sáng chế, hiện tại Phú đã có hơn 10 mô hình tàu ngầm lớn nhỏ khác nhau. Những mô hình này chủ yếu dùng để chơi và trưng bày trong nhà. 

Hiện tại Phú chế tạo 2 mẫu mô hình: tàu ngầm Kilo 636 mô phỏng lại tàu ngầm quân sự, có thể bắn 2 ngư lôi và phóng tên lửa; tàu thám hiểm không người lái ROV, có thể truyền camera những hình ảnh trực tiếp cho người điều khiển.

Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini - Ảnh 3.

Hiện tại Phan Trần Phú có hơn 10 mô hình tàu lớn nhỏ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khó khăn về tài liệu và nguyên vật liệu

Bộ môn này ở Việt Nam còn mới và chưa có bất kỳ hội nhóm nào, Phan Trần Phú đã tự tìm hiểu tài liệu nước ngoài, xem các video và mô phỏng lại theo trí tưởng tượng của bản thân.

"Về linh kiện, đa số tôi biến tấu từ máy bay điều khiển, xe tăng đồ chơi để chế tạo lại cho phù hợp. Tôi nghiên cứu và tạo ra sóng điều khiển từ không khí vào trong nước làm sao cho có độ xuyên thủng tốt thì tàu mới có thể chìm được dưới nước", Phú nói thêm.  

Tâm đắc ở mô hình tàu ngầm quân sự Kilo 636, Phan Trần Phú cho biết có nhiều kích cỡ khác nhau: chiếc dài 1m nặng 5kg; chiếc nhỏ hơn, 60cm nặng khoảng 3kg. 

Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini - Ảnh 4.

Phan Trần Phú nói đam mê tàu ngầm thôi thúc bạn sáng tạo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Bộ phận quan trọng nhất của tàu ngầm Kilo 636 là bộ phóng tên lửa thẳng đứng. Chính sách của Việt Nam không cho sử dụng thuốc phóng nên tôi đã nghiên cứu chế tạo cho tàu sử dụng khí nén để có thể phóng tên lửa từ dưới nước lên không trung. Cần điều khiển tàu trong nơi có nước sạch, thấy được tàu di chuyển thì mới có thể điều khiển được", Phú chia sẻ.

TS Nguyễn Ngọc Phúc (giảng viên khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ: "Các sản phẩm đồ chơi công nghệ của Phú chế tạo đã được giới chơi công nghệ đánh giá rất tốt. Các tính năng của sản phẩm khá đầy đủ so với tàu ngầm thật. Trong tương lai các sản phẩm đồ chơi công nghệ của Phú có khả năng phát triển ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và có tính thương mại hóa cao nếu được đầu tư chỉn chu".

Bạn Phạm Thành Dương (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết: "Tôi đã được lái thử và thấy rất hứng thú, không chỉ để thư giãn sau giờ học mà còn tạo được sự sáng tạo. Tôi nghĩ việc các bạn trẻ tìm hiểu và sáng tạo có thể xây dựng được ý thức cũng như bứt phá bản thân". 

"Trong tương lai tôi mong muốn bộ môn này phổ biến ở Việt Nam hơn và có nhiều hội nhóm để có thể giao lưu với nhau. Ngoài ra, tôi còn dự tính mang tàu đi tham dự các ngày hội sáng tạo, triển lãm", Phú bộc bạch.

Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini - Ảnh 5.

Ngoài chế tạo tàu ngầm, Phú còn chế lại phần thân của những chiếc máy bay với kích thước nhỏ hay những con chim robot có thể điều khiển để bay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chàng sinh viên mê chế tạo tàu ngầm mini - Ảnh 6.

Một chiếc máy bay được Phú phục chế lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo TT