Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng

(CTG) - Chàng trai 9X ở Vĩnh Long khởi nghiệp bằng ống hút tre sạch đạt chuẩn OCOP 4 sao và thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Từ thanh chocolate đến ống hút tre “made in” Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành tài chính ngân hàng, năm 2016 anh Phạm Lê Đạt (30 tuổi, ngụ ấp 6B, xã Long Phú, H.Tam Bình, Vĩnh Long) đã tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Sau 3 năm làm việc, anh Đạt về nước với một ấp ủ muốn quê hương có một sản phẩm cũng được “bay” ra nước ngoài. Tuy nhiên anh Đạt muốn tìm một sản phẩm nào đó thân thiện với môi trường nên đã bắt đầu khởi nghiệp với ống hút tre và sau một năm hoạt động, ống hút tre đã mang về cho gia đình anh Đạt lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 1
 

Anh Đạt mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm thân thiện với môi trường và bước đầu thành công

XUÂN PHÚC

 
 “Hồi làm việc ở đất nước mặt trời mọc, tôi thường đi siêu thị bên đó, tôi thấy những thanh kẹo chocolate made in Việt Nam, tuy nhiên so sánh về bao bì, mẫu mã, chất lượng và độ tiện dụng thì tôi thấy chưa bằng sản phẩm nội địa của Nhật Bản. Từ đó, tôi đã ấp ủ một ước mơ là quê hương mình cũng có một sản phẩm được xuất khẩu không chỉ riêng qua Nhật Bản mà còn ra nhiều nước khác và phải nổi bật hơn các sản phẩm bản địa. Nhưng khi về nước với số tiền tích lũy gần 800 triệu đồng, tôi thấy ước mơ đó hơi xa vời nên đã nghĩ đến một sản phẩm nào đó thân thiện với môi trường và đó ống hút tre Eco Eco ra đời”, anh Đạt nhớ lại.
Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 2

Những cây tre, trúc, nứa đủ tuổi sẽ được phơi khô trước khi được sản xuất ống hút

XUÂN PHÚC

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 3

Chỉ những cây có da đẹp mới được chọn làm ống hút

XUÂN PHÚC

Anh Đạt cho biết ban đầu chỉ đăng ký hộ kinh doanh và tự mình tìm tòi, mò mẫm cưa từng ống trúc, mài, dũa, lau chùi, hấp trong lò điện để diệt khuẩn và giúp ống trúc khô, không bị mốc. Qua quá trình tìm tòi và học hỏi thêm thông tin trên internet, anh Đạt đã bắt đầu cho ra lô ống hút tre đầu tiên vào năm 2020 với giá 30.000 đồng/10 ống.

Sản phẩm được sản xuất thủ công, trải qua nhiều công đoạn làm sạch bằng tia nước áp suất cao, đánh bóng, mài hai đầu, luộc nóng, sấy nóng… đặc biệt hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất, nên ống hút tre của anh Đạt rất thân thiện với môi trường và an toàn.

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 4

Cây được cắt theo kích thước quy định

XUÂN PHÚC

Vượt qua Covid-19 cho thu nhập chục triệu đồng

Theo anh Đạt mặc dù biết trước bước đầu khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên anh Đạt lại gặp khó khăn nhân đôi với đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, khiến hoạt động của cơ sở tạm ngừng hoạt động.

“Sau khi sản xuất được ống hút tre thành phẩm giai đoạn khó khăn là đi chào hàng, tìm đầu mối tiêu thụ, vấn đề giá thành là rào cản lớn nhất của sản phẩm này, bởi mỗi ống hút tre của tôi, người ta có thể mua được vài chục ống hút nhựa. Tôi đã vượt khó khăn lớn nhất này và đã có những đơn hàng đầu tiên. Bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động đều dừng lại. Phải đợi đến lúc dịch bệnh được kiểm soát cơ sở mới hoạt động lại được”, anh Đạt chia sẻ về giai đoạn khó khăn.

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 5

Sau khi đánh bóng bằng máy, ống hút sẽ được mài nhẵn hai đầu

XUÂN PHÚC

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 6

Máy mài đầu ống do anh Đạt tự chế

XUÂN PHÚC

Các cây tre, trúc được thu mua phải đạt kích thước đường kính từ 6 - 15 mm và độ tuổi từ 2 - 3 năm. Giá thu mua tùy loại cây đạt tuổi và phải có da đẹp sẽ có giá cao hơn. Để sản phẩm ống hút của mình được vào các chuỗi bán lẻ, anh Đạt đã mạnh dạn đưa sản phẩm đi kiểm định, kết quả đạt chuẩn ISO/IEC 17025 2017.Nguồn nguyên liệu cũng là một khó khăn nữa, vì người dân hiện nay chuyển dần qua sử dụng đồ dùng bằng nhựa nhiều nên số lượng hộ dân trồng tre, trúc rất ít. Anh Đạt phải lặn lội lên các tỉnh Tây nguyên tìm mua tre, trúc, nứa để đem về làm ống hút. Nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đạt 20%.

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 7

Sau khi hoàn thiện phần thô, ống hút sẽ được luộc nóng và sấy khô để diệt khuẩn và chống mốc tự nhiên

XUÂN PHÚC

Tháng 5.2021 anh Đạt bắt đầu thành lập công ty TNHH thương mại ECO ECO. Hiện tại, công suất tối đa của công ty có thể cho ra thị trường khoảng 250.000 ống/tháng. Tuy nhiên, hiện nay đơn hàng vẫn còn nhỏ lẻ, bởi giá thành việc tiếp nhận sản phẩm của các nơi bán thức uống. Hiện tại, giá bán lẻ ống hút tre của công ty là 3.600 đồng/ống (dài 20cm, đường kính từ 6 - 12 cm). Tùy vào đơn hàng, công ty sẽ sản xuất các kích cỡ khác nhau, và giá sẽ thấp hơn với đơn hàng sỉ. Đến tháng 12.2021 sản phẩm ống hút tre của anh Đạt đã được UBND tỉnh Vĩnh Long chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Chàng trai 9X làm ống hút bằng tre bán thu trăm triệu đồng mỗi tháng - ảnh 8

Anh Đạt bên những ống hút tre thành phẩm chuẩn bị đến tay khách hàng

XUÂN PHÚC

“Hiện tại sản phẩm của công ty làm ra đều thực hiện theo đơn đặt hàng của các chuỗi bán nước giải khát, trà sữa…. Thời gian tới, nếu nguồn nguyên liệu ổn định, tôi dự định sẽ mở rộng cơ sở, tăng số lượng sản phẩm và thuê thêm nhân công vì hiện tại cơ sở chỉ có 3 người, trong đó là 2 người nhà. Sau khi ống hút tre ECO ECO có “tên tuổi” trên thị trường tôi sẽ hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài như mong ước bấy lâu của mình”, Anh Đạt nói về dự định tương lai.

Ngày 18.4 Trao đổi với PV Thanh Niên về mô hình khởi nghiệp của anh Đạt. Ông Đặng Hoàng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Long Phú (H.Tam Bình), cho biết, mô hình ống hút tre của Đạt đã giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ, mô hình này rất khả thi để nhân rộng, tuy nhiên nếu nhân rộng sẽ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu vì hiện rất ít hộ còn trồng loại tre, trúc này. “Đầu năm tôi đã vận động nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng tre, trúc để tạo nguồn nguyên liệu, hiện đã trồng thêm được 2-3 ha rồi. Sau khi có nguồn nguyên liệu sẽ triển khai nhân rộng mô hình này, để nhân rộng được sản phẩm thân thiện với môi trường, giải quyết được việc làm cho người dân và sau đó mới hướng đến xuất khẩu”, ông Hiệu nói thêm.

Theo : TN