Chàng trai 9X nhà nghèo, mở xưởng gỗ mỹ nghệ tạo việc làm cho thanh niên

(CTG) Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chàng thanh niên đất võ Bình Định giờ là chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ vừa có thu nhập cao cho gia đình, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Bùi Văn Bằng (thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), dù mới 27 tuổi nhưng đã là chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ nơi quê nhà.

Là con thứ 4 trong gia đình 6 chị em, cha mẹ làm nông nên hoàn cảnh rất khó khăn. Bởi vậy, học hết lớp 9 anh Bằng phải tạm gác lại giấc mơ tiếp tục đến trường.

Sau khi nghỉ học, anh Bằng xin học nghề tại một xưởng tiện gỗ ở địa phương. Học được 2 năm, anh Bằng lại lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Kết thúc 2 năm nghĩa vụ, anh Bằng về quê tiếp tục theo đuổi đam mê nghề mộc.

Anh Bùi Văn Bằng khởi nghiệp từ gian khó.

"Tuổi trẻ ai cũng có những ước mơ, hoài bão nhưng nghĩ điều kiện gia đình nên tôi chọn học nghề. Thời gian trong quân đội đã rèn luyện cho tôi nhiều thứ. Tôi thấy mình trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn", Bằng chia sẻ.

Xuất ngũ về địa phương, anh Bằng xin việc và được làm tổ trưởng ở một xưởng mộc ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn). Thời gian này, ở xưởng có rất nhiều người gốc ở Nam Định vào làm mộc nên anh Bằng cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

"Có ông thầy cũng rất tận tình chỉ dạy cho tôi, nhưng tự mình mày mò học hỏi là chính, có khi học lỏm nghề", anh Bằng bộc bạch.

Cơ sở gỗ mỹ nghệ của anh Bằng tạo việc làm cho 4-6 lao động thu nhập từ hơn 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Khi tay nghề vững, anh Bằng nghỉ việc mở xưởng sản xuất gỗ Văn Bằng tại nhà. Tuy nhiên, ban đầu nguồn vốn không có nên công việc chỉ giúp anh thoát cảnh làm công ăn lương. Còn thu nhập vẫn bấp bênh vì thị trường chưa có, sản phẩm nghèo nàn.

"Thanh niên mới khởi nghiệp, ban đầu nguồn vốn không có, phần tay nghề còn yếu nên rất khó khăn. Song, nghề nào cũng vậy phải kiên trì, chịu khó học hỏi, đúc kết lại những kinh nghiệm mà nên", anh Bằng nói.

Ở làng nghề tiện gỗ Nhơn Hậu, trước đây chủ yếu đục trên lục bình hoặc hàng tròn không còn thịnh hành nên chuyển qua đục tượng nhưng rất ít.

Anh chia sẻ thêm: "Khi chuyển qua đục tượng, tôi cũng tự học, tự mày mò, rút kinh nghiệm qua từng sản phẩm. Thậm chí, chính khách hàng góp ý kiến và tôi tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh sản phẩm".

Vợ anh Bằng ngoài nuôi heo, còn phụ chồng làm tại cơ sở gỗ mỹ nghệ.

Khi có chỗ đứng trên thị trường, anh Bằng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, nhờ thời gian gần 5 năm làm Bí thư Chi đoàn thôn Tân Kiều, tham gia nhiều hoạt động đoàn, tiếp xúc nhiều chương trình khởi nghiệp nên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ Tỉnh đoàn Bình Định.

Năm 2018, từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng của "Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp", anh Bằng đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng và cho ra đời những sản phẩm mang đậm phong cách làng nghề với bản sắc riêng của mình.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở gỗ mỹ nghệ mang lại cho anh Bằng thu nhập hàng chục triệu đồng và tạo việc làm cho 4 thanh niên địa phương với thu nhập từ trên 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Bằng bên tác phẩm: "Nhất Long vờn ngọc" được anh thực hiện trong 1 tuần.

Thâm niên 9 năm làm việc tại cơ sở gỗ mỹ nghệ của anh Bằng, chị Hồ Thị Bích Vân (25 tuổi, thôn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), chia sẻ: "Công việc này cũng không có gì khó khăn, vất vả cả. Phụ nữ như tôi vẫn làm tốt, quan trọng là kiên trì học hỏi. Ở đây, ngày làm 8 tiếng tôi là nữ lương 6 triệu đồng/tháng, so với mức thu nhập ở thôn quê như vậy là khá ổn".

Để mở rộng cơ sở, anh Bằng mua đất thêm đất, đặc biệt anh đang triển khai áp dụng công nghệ vào đục tượng. Việc đục tượng sẽ lập trình trên máy tính, có thể tự tạo mẫu độc quyền rồi máy móc tự làm.

"Riêng tôi kết hợp giữa công nghệ và thủ công. Tuy nhiên, máy chạy có những đoạn cua vòng tròn sẽ không đều nên tôi làm thêm thủ công thì sản phẩm sẽ đảm bảo sắc sảo hơn nhiều", anh Bằng nói.

Dự kiến, trong thời gian tới anh Bằng sẽ thành lập công ty để mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

"Khi thành lập công ty thì nhu cầu nguồn vốn khi nào cũng cần. Hiện, nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, nhất là nguồn gỗ quý, giá cao. Thậm chí, có những hàng gỗ quý hiện không có để mua, hoặc mua giá rất cao", anh Bằng cho hay.

Nguồn: DT