Nguyễn Đức Thành chia sẻ cách trồng các loại cây ăn trái |
Khởi nghiệp năm 14 tuổi
Giữa vườn cây xanh um, trái trĩu cành, Thành đứng sát một gốc ổi tỉ mẩn vặt lá. Thân hình mảnh khảnh, nước da ngăm đen, anh cười hóm hỉnh: “Nhiều người nói tôi trẻ người, non dạ, làm những điều gàn dở”.
Những ngày đầu làm nông nghiệp sạch, thiếu kinh nghiệm, Thành nếm trải không ít thất bại. Nhưng với quyết tâm, kiên trì, bền chí, giờ đây, anh đã làm nên một miệt vườn trên Tây Nguyên khiến bao người ngỡ ngàng.
Thành là con út trong gia đình nông dân có hai chị em. Khác với bạn bè cùng trang lứa, 14 tuổi, Thành nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc gia đình và bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp. “Khi ấy, bố mất, gia đình tôi càng thêm khốn khó. Trước, đi học bạn bè chê bai học dốt, cảm giác tủi thân. Thương mẹ, tôi quyết tâm thay đổi hoàn cảnh”, Thành bộc bạch.
Với 1,1ha đất cà phê của gia đình, Thành mày mò trồng thêm tiêu. Nhưng tiêu chết dần chết mòn, cà phê sinh trưởng kém. May thay, gia đình còn có ao cá. Năm 2015, từ tiền bán cá được 100 triệu đồng, Thành xây chuồng, mua 6 con bò về nuôi nhưng khi bán bị lỗ. Sau thất bại. Thành quyết tâm chuyển đổi diện tích cà phê cằn cỗi sang cây trồng phù hợp mang lại thu nhập kinh tế.
Chàng trai trẻ kỳ công lặn lội xuống các tỉnh miền Tây, chấp nhận làm thuê 3 tháng không công để tìm hiểu về nông nghiệp. Được nhà vườn tận tình chỉ dẫn, năm 2016, Thành về lại Đắk Lắk đầu tư trồng 100 cây ổi, 150 cây dừa và 50 cây vú sữa bơ hồng.
Năm đầu bắt tay làm nông nghiệp, Thành dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu. Anh luôn hứng thú với những mẩu tin, bài báo hay, các chương trình liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp cứ thế lớn dần lên trong suy nghĩ của chàng trai cao nguyên. Anh chắt lọc kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng lên mô hình của gia đình.
Thấy thị trường quan tâm đến thực phẩm an toàn, Thành chọn cách làm nông nghiệp sạch, quyết tâm chỉ dùng chế phẩm sinh học khi trồng trọt, chăn nuôi mặc dù chi phí đầu vào gấp đôi cách trồng bình thường. Sau 8 tháng trồng ổi, Thành hoàn vốn, thị trường đón nhận sản phẩm. Từ những mối quan hệ thân thiết với các chủ vườn miền Tây, Thành nhập thêm 60 loại cây giống về bán. Nhờ vừa bán vừa hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, anh có thêm nguồn thu đáng kể. Từ hơn 1ha ban đầu, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành đã mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình lên khoảng 3ha.
Hướng đến du lịch miệt vườn
Nhiều người tìm đến nông trại của Thành mua cây giống, học hỏi kinh nghiệm. Họ thấy thú vị khi được lạc vào một miệt vườn như miền Tây. Chị Nguyễn Thị Huyền (du khách Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Có nhiều giống cây trồng ở đây khá lạ đối với vùng đất Tây Nguyên, tôi nghĩ chỉ phù hợp ở miền Tây, không ngờ đất ở đây trồng năng suất thế”.
Ngoài nông nghiệp sạch, năm 2017, trong một lần về lại miền Tây, thấy mô hình nuôi tôm càng xanh, Thành thích thú, chi 12 triệu tiền giống về nuôi. Ba năm đầu, anh liên tiếp thất bại khi tôm sốc nhiệt chết hết hoặc chỉ sống vài con.
Quyết không bỏ cuộc, anh dày công mày mò, tìm hiểu sâu về nguyên nhân và cách nuôi. Nhờ đó, năm 2020, Thành thu được 6 tạ tôm càng xanh đầu tiên, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, anh còn nuôi các loại cá, chỉ dùng men sinh học và đậu nành, bắp trong quá trình nuôi. Hiện mỗi năm Thành thu khoảng 7 tấn cá.
Mô hình làm kinh tế của Thành được chính quyền, sở, ngành và Đoàn Thanh niên các cấp giới thiệu rộng rãi để nhân dân tham quan, học hỏi.
Năm 2020, Thành làm 3 nhà chòi từ nguyên liệu gỗ và lá dừa nước, trồng hoa mẫu đơn và hoa tường vi để thử làm du lịch. Thành còn nghiên cứu dùng pin năng lượng mặt trời để vận hành mô hình tưới tự động trên vườn cây ăn trái. Thắng không kiêu, bại không nản, chàng trai trẻ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ cho mọi người, trở thành điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, thanh niên sống đẹp của huyện Cư M’gar.
Theo anh Nguyễn Minh Quý, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Cư M’gar, Nguyễn Đức Thành là gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu của huyện. Mô hình “Nuôi tôm càng xanh trên đất Tây Nguyên” của Thành là mô hình mới trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế. |
Nguồn: TPO