Phùng Quang Trung cho biết mình vốn làm nghề phục chế ảnh nhiều năm. Trung tham gia rất nhiều hoạt động phục chế ảnh miễn phí cho người dân mất người thân trong mùa dịch Covid-19, hay các anh hùng liệt sĩ… “Khi đọc tin tức về Làng Nủ, mình rưng rưng nước mắt, thật quá đau lòng với những mất mát của bà con. Vì vậy, mình quyết định làm dự án phục chế ảnh miễn phí, rồi mang đến tận nơi cho bà con Làng Nủ”, Trung nói.
Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là làm ảnh cho hai cậu bé bị mất cha mẹ tại Làng Nủ. “Khi thấy mình đưa thông tin dự án lên mạng, dì của Phúc (15 tuổi) ngay lập tức nhắn cháu gọi cho mình. Hai chú cháu gọi video trao đổi rất lâu. Phúc tâm sự cháu hiện đang ở Làng Nủ, còn cậu em 7 tuổi vẫn đang nằm ở bệnh viện tại Hà Nội. Cháu buồn vì mất đi cha mẹ nên muốn có tấm ảnh cho cả gia đình đoàn tụ với nhau”, Trung kể.
Nghe câu chuyện của cháu bé, Trung thao thức cả đêm. 5 giờ sáng hôm sau, chàng trai bật dậy làm tới mấy tiếng đồng hồ mới chịu ngừng. Vừa làm, Trung vừa nghe các bài hát về gia đình, trong lòng bồi hồi, khó tả.
“Khi đăng lên, nhiều người nói rằng họ đã khóc vì quá xúc động. Tấm ảnh này rất khó làm vì có tận 4 người. Mình phải nhặt từng chi tiết, khiến các hình ảnh trở nên chân thật”, Trung nói tiếp.
Hai cậu bé mồ côi được gặp lại cha mẹ mình trong bức ảnh rất xúc động. Em Phúc nhắn tin liền cho Trung bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc. Trung cảm thấy vui vì đã giúp các bé như được trở về bên vòng tay yêu thương của ba mẹ.
Nhiều năm nay, Trung đã lan tỏa được rất nhiều câu chuyện đẹp cho mọi người. “Dù vậy, nhưng không thể bù đắp được với những mất mát, đau thương của bà con. Tuy nhiên, những tấm ảnh kỷ niệm này sẽ giúp những người qua đời được thanh thản và giúp người ở lại có thêm chút an ủi, như một sự kết nối tinh thần giữa quá khứ và hiện tại”, Trung chia sẻ.
Dự án khôi phục ảnh cũ của Trung rất nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trung cho biết đã nhận rất nhiều cuộc gọi từ bà con Làng Nủ “đặt hàng” mình làm ảnh giúp. Nhiều người còn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới chàng trai này vì đã mang đến niềm hy vọng và động lực sống cho những người chịu nhiều mất mát.
Trung cho rằng công việc này không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao mà còn cần sự tỉ mỉ. Trung thường phải làm đi, làm lại nhiều lần để đảm bảo hình ảnh cuối cùng không chỉ chân thực mà còn mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp cho người xem.
“Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, cảm xúc rất riêng. Mình luôn cố gắng hết sức để tái hiện điều đó”, Trung tâm sự.
Gần đây, Trung còn làm ảnh cho một học sinh lớp 12 mất đi người thân tại Làng Nủ. “Khi tỉnh dậy, em ấy biết mình đã mất mẹ. Trong những tấm ảnh em ấy gửi, mình thấy tấm nào em ấy cũng đều rất buồn. Qua tấm ảnh tái hiện này, mình mong rằng sẽ là chút tinh thần cho em ấy cố gắng bước tiếp mạnh mẽ. Đây cũng là kỷ niệm của em ấy khi có một tấm ảnh trọn vẹn có cả bố và mẹ ở bên cạnh", Trung kể.
Hoàng Xuân Phúc (15 tuổi), ngụ tại thôn Làng Nủ, tỉnh Lào Cai, cho biết lũ quét kinh khủng đã khiến cho bố mẹ em là Hoàng Văn Tuân và Hoàng Thị Quyến bị vùi lấp, thiệt mạng. “Nhà em cũng có ảnh chụp cả gia đình nhưng sau cơn lũ ảnh cũng mất đi. Bức ảnh mà anh Trung làm tặng đẹp lắm. Khi xem ảnh, hai anh em của em có thể nhìn thấy bố mẹ đang tươi cười, để vơi bớt nỗi nhớ”, Phúc nói.
Còn Nguyễn Văn Hành (18 tuổi), ngụ cùng thôn, chia sẻ trong đợt lũ quét ngày 10.9 vừa qua, nhà của Hành chỉ có hai mẹ con ở với nhau. Bố Hành mất vào năm ngoái. Không ngờ, khi tỉnh dậy sau khi cơn lũ, Hành trở thành mồ côi. “Mình muốn nhờ anh Trung làm giúp một tấm ảnh có cả mình và bố mẹ để làm kỷ niệm. Và rồi khi nhận được tấm ảnh, mình xúc động lắm. Mình cám ơn anh Trung rất nhiều”, Hành nói.
Theo TN