Chàng trai số hóa nông nghiệp nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022

(CTG) Đó là Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam đã ứng dụng những sản phẩm công nghệ vào ruộng đồng góp phần ra bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp. Với những thành tích xuất sắc, anh Vũ nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Sự kiện AgriDrone -AgriDream Huế bay cao cùng nông nghiệp Việt Nam.

Sớm đam mê công nghệ chế tạo nên ngay khi là sinh viên ngành Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh anh Vũ đã ấp ủ ước mơ chế tạo máy bay và bắt đầu nghiên cứu, làm đồ án tốt nghiệp về lĩnh vực này. Khi chứng kiến cảnh nông dân vất vả với đồng ruộng, anh quyết tâm chế tạo máy bay không người lái (Drone) với mục tiêu ứng dụng trong nông nghiệp. Anh đã đi khắp các cánh đồng để tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp.

“Mình nghĩ Việt Nam là nước nông nghiệp, trong khi phần lớn các công đoạn trong quá trình canh tác sản xuất lúa đều được ứng dụng cơ giới hóa. Riêng khâu phun thuốc bảo vệ thực vật thì hầu như vẫn còn sử dụng thủ công là chính. Vì vậy, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc là "mảnh ghép" còn thiếu trong quá trình canh tác lúa hiện nay”, anh Vũ chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ
Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ

Chia sẻ cơ duyên đến với với công nghệ bay không người lái (drone), Thiên Vũ nhớ lại hành trình khởi nghiệp của mình bắt đầu cách đây 10 năm, từ khi còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Vốn say mê công nghệ, Vũ cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp, thành lập công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ máy bay không người lái. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án thất bại.

Không từ bỏ đam mê, năm 2018, Vũ và nhóm bạn tái khởi động dự án, thành lập AgriDrone.

AgriDrone Việt Nam tự hào là doanh nghiệp ứng dụng drone gần gũi với bà con nông dân khi không chỉ cung cấp thiết bị bay không người lái để ứng dụng cho nông nghiệp, mà còn giúp người nông dân dần thay đổi thói quen canh tác từ truyền thống sang công nghệ, phun thuốc, rải phân hay sạ lúa bằng máy bay không người lái. “Năm ấy, nhóm mang máy bay không người lái đến quảng bá với nông dân ở khu vực miền Tây. Nhiều người nói chúng tôi ‘có vấn đề’, ‘trẻ con’, thậm chí chê chúng tôi không biết gì về nông nghiệp… Nhưng tôi hiểu rất rõ sản phẩm của mình, nắm rõ kỹ thuật, nên rất tự tin”, Vũ kể.

Theo Vũ, với những công nghệ mới, cần có thời gian để thuyết phục người dùng. Bởi vậy, dù bị từ chối, Vũ và đội ngũ của mình vẫn kiên trì. Nhóm thuyết phục những hộ nông dân có diện tích canh tác lớn cho làm thử và chỉ dùng drone vào việc phun thuốc trên một mảnh đất 1 ha, cam đoan nếu đạt kết quả thì mới thu tiền, nếu không thành công, thì sẽ đền bù thỏa đáng cho nông dân.

Sau khi thử sử dụng drone để phun thuốc trong 1 - 2 vụ mùa và thấy hiệu quả, hầu hết nông dân đều có niềm tin vào sản phẩm của AgriDrone. Số lượng khách hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang.

Với những hộ nông dân mua drone, AgriDrone sẽ hỗ trợ nhân viên điều khiển, vận hành, hoặc tập huấn cho bà con tự vận hành. Nếu thuê dịch vụ của AgriDrone, nông dân sẽ trả phí theo diện tích phun thuốc. AgriDrone cũng bán sản phẩm cho hợp tác xã, công ty cung ứng dịch vụ để phục vụ bà con. Tùy theo nhu cầu của khách, AgriDrone cung cấp sản phẩm nhập khẩu, lắp ráp, tự sản xuất.

 

“Khi ứng dụng Drone vào nông nghiệp đã thay thế sức người, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, hiệu quả hơn và bảo vệ môi trường. Drone đã được ứng dụng trong việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, gieo hạt và thực hiện vai trò của một “chuyên gia” thăm khám ruộng đồng, giúp người nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng”, anh Vũ chia sẻ.

Theo anh Vũ đây còn là giải pháp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường khi sản xuất nông nghiệp thủ công. Khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng sức người, lượng nước rơi xuống sẽ không đều, ngấm xuống làm ô nhiễm đất. Đó là chưa kể nông sản có thể bị tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc phun bằng máy bay với những hạt sương mù, lá cây sẽ thẩm thấu tốt, tiếp nhận lượng thuốc vừa đủ nên sẽ sinh trưởng tốt.

Ứng dụng máy bay không người lái đã tạo nên bước ngoặt trong nông nghiệp
Ứng dụng máy bay không người lái đã tạo nên bước ngoặt trong nông nghiệp

Sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích nhưng anh Vũ phải mất nhiều thời gian chinh phục người nông dân. Bởi thời điểm đó, việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc nghe có vẻ không đáng tin cậy. Sự chấp nhận của người nông dân đối với công nghệ này lúc đó rất là nhỏ.

Để xua tan những mối lo ngại và thắc mắc của bà con nông dân, anh Vũ đã phun thử nghiệm miễn phí và qua một vụ người nông dân thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Vũ và các cộng sự đã đưa máy bay không người lái đến các vùng nông nghiệp lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các trung tâm đào tạo, bán hàng, dịch vụ và cơ sở thử nghiệm. Đến nay, sản phẩm Drone đã có mặt ở hơn 40 tỉnh.

Từ hoạt động này đở ra việc làm mới đó là phi công nông nghiệp. Hơn 1.500 phi công là thanh niên được tạo việc làm, góp phần đưa lực lượng trẻ về quê lập nghiệp, giúp họ tiếp cận với công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

"Made in Việt Nam"

Song song với kết quả đạt được, anh Vũ vẫn theo đuổi dự án sản xuất được máy bay "made in Việt Nam". "Hiện chúng mình đã chế tạo, thử nghiệm thành công máy bay không người lái và đã được ứng dụng cho một số đơn vị đặt hàng. Chúng mình đã gửi đăng ký bản quyền đến Bộ Khoa học-Công nghệ và mong muốn sẽ sản xuất được Drone hoàn toàn nội địa để phục vụ nông nghiệp Việt Nam", anh Vũ chia sẻ.

Không chỉ đưa Drone vào ứng dụng trong nông nghiệp, anh Vũ còn là người cho ra mắt “Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse”. Anh Vũ cho biết, khi tìm hiểu về nông nghiệp và gắn bó với những người nông dân, anh luôn trăn trở với thực trạng được mùa rớt giá. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn rất có giá trị nhưng lại luôn khó khăn về đầu ra.

Bạn trẻ trải nghiệm “Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse”
Bạn trẻ trải nghiệm “Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse”

Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu sử dụng những nông sản sạch thì khó tiếp cận nguồn cung và không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Vì vậy, anh đã ứng dụng công nghệ Vũ trụ ảo (Metaverse) để cho ra đời Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse.

Đây như là một cái chợ khổng lồ, với rất nhiều mặt hàng được bày bán. Người bán và người mua (chỉ cần đeo kính công nghệ) sẽ tiếp xúc với nhau vượt không gian. Khách hàng sẽ được xem các sản phẩm như trên thực địa để trao đổi mua bán. Khi nông dân đưa hàng hóa lên sàn nông sản này sẽ không phải nghĩ đến mở cửa hàng trực tiếp để phân phối sản phẩm, còn người tiêu dùng không phải đến trực tiếp nơi sản xuất, nhưng sẽ nắm bắt được toàn bộ quy trình và biết rõ chất lượng sản phẩm.

Nguyễn Văn Thiên Vũ, CEO của AgriDrone Việt Nam.

Anh Vũ tiết lộ đây cũng là sản phẩm anh nghĩ ra trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19 để ứng dụng trong chính doanh nghiệp của mình. Khi ứng dụng Vũ trụ ảo, anh có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, công nghệ này sẽ cho phép đưa hàng ngàn "cửa hàng" và vô số sản phẩm lên đó mà không tiêu tốn một xu tiền mặt bằng để trưng bày sản phẩm.

Ứng dụng này rất phù hợp với việc phân phối nông sản, nên anh Vũ đã kết nối với Trung ương Đoàn để triển khai đến các tỉnh, thành trên toàn quốc, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho thanh niên nông thôn. Ứng ng dụng Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse đang được Trung ương Đoàn phối hợp triển khai xây dựng ở 63 tỉnh, thành để hỗ trợ thanh niên nông thôn.

Đến nay, các sàn nông sản này đã được triển khai tại 13 tỉnh, thành gồm: Sơn La, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Long An. Dự kiến đến năm 2025, tối thiểu 400 Sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse được triển khai ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đây được coi là hướng đi mới cho số hóa nông nghiệp Việt Nam, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên.

CTG