CTG - Trong căn phòng trọ nhỏ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, chàng trai Thạch Ngọc Phúc Yên (26 tuổi), đã dành hàng chục tiếng đồng hồ để tạo ra những bức tranh thêu sống động.
Năm 2020, Phúc Yên đã mua bộ dụng cụ cơ bản để thêu bức tranh tặng cho một người bạn. Từ đó, chàng trai này bắt đầu cảm thấy yêu thích và xem thêu như một bộ môn nghệ thuật để giải trí. Khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021, Phúc Yên có nhiều thời gian ở nhà và bắt đầu tập luyện thêm kỹ thuật thêu khó.
“Khi mới bắt đầu mình thường tham khảo các mẫu tranh trên mạng xã hội Pinterest, sau đó tự sáng tạo theo sở thích. Thêu thùa giúp mình điềm tĩnh, kiên nhẫn và tin tưởng vào bản thân hơn. Mình có đăng tải những tác phẩm lên mạng xã hội và may mắn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Mỗi khi làm ra một sản phẩm mới và được sự đón nhận thì đó là niềm tự hào, nhựa sống, động lực để mình có thể tiếp tục làm việc”, Phúc Yên nói.
Phúc Yên đang theo đuổi kỹ thuật hiện đại như: mũi thêu lướt vặn, đột thưa, sa hạt, lazy daisy, đâm xô, bó bạt, fishbone... Mỗi tác phẩm ra đời đều được Phúc Yên chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lên ý tưởng, phối màu, sử dụng các phương pháp thêu khác nhau để tả vật, lồng ghép vào từng sản phẩm. Đối với Phúc Yên, mỗi lần được thêu là đang sống với đam mê.