Chàng trai xứ Nghệ áp dụng công nghệ tiên tiến phát triển nông nghiệp xanh

(CTG) Với những kiến thức và sự trải nghiệm, Lê Lưu Thắng đã đưa thương hiệu phân hữu cơ vi sinh và bí đao ruột xanh Đá Hàn đến với thị trường. Anh hiện là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản xanh Đá Hàn.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Lưu Thắng được chọn theo chương trình đưa sinh viên sang đất nước Israel để học tập, nghiên cứu của nhà trường. Qua đó, anh tìm hiểu thấy đất nước bạn có nền nông nghiệp tiên tiến, trong khi đất đai cằn cỗi. Thắng tự đặt câu hỏi, tại sao đất nước Việt Nam mình lại không làm được như họ.

Trở về Việt Nam, Thắng tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức nông nghiệp. Anh đã làm việc tại một công ty ở Hà Nội về nông nghiệp sạch. Từ cơ duyên đó, sau hai năm, Thắng tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm và về quê thành lập hợp tác xã, xây dựng mô hình đưa sản phẩm của quê hương ra các tỉnh, thành.

Lê Lưu Thắng
Anh Lê Lưu Thắng

Anh Lê Lưu Thắng sinh năm 1994 và lớn lên tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 8/2020, anh bắt tay vào thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản xanh Đá Hàn. Hợp tác xã hiện tại hoạt động trên hai lĩnh vực là trồng bí xanh và sản xuất phân vi sinh hữu cơ.

Ông chủ trẻ đã triển khai xây dựng thành công hệ thống ủ phân hữu cơ vi sinh và trồng gần 2ha bí xanh tại xã Nam Thanh, hằng năm xuất ra thị trường hơn 60 tấn phân bón cùng 70 tấn rau, củ, quả sạch và an toàn các loại phục vụ người tiêu dùng, thị trường Nghệ An, Hà Nội.

Năm 2021, diện tích gần 2ha đất trồng bí xanh theo hướng hữu cơ vi sinh và sử dụng màng phủ ni lông chống cỏ cùng với kĩ thuật canh tác hợp lý, sản xuất được hai mùa vụ trong năm, mang lại tổng doanh thu gần 350 triệu đồng.

Anh Thắng và hợp tác xã đã tiến hành thực hiện các quy trình, nhà xưởng sản xuất và ủ phân hữu cơ vi sinh theo công thức, tiêu chuẩn của Trung tâm Ứng dụng khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An. Với nguyên liệu sẵn có từ các trang trại chăn nuôi của địa phương cùng với ứng dụng các vi sinh vật bản địa vào trong quá trình sản xuất, đến cuối năm 2021 thì phân bón hữu cơ vi sinh bắt đầu tiếp cận vào thị trường, mang về tổng doanh thu gần 100 triệu đồng.

Mô hình nông nghiệp xanh của chàng trai 9X
Mô hình nông nghiệp xanh của chàng trai 9X

Bằng kinh nghiệm vốn có, sự kiên trì, chịu khó, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chàng trai 9X một lần nữa đạt hiệu quả năng suất cao với mô hình phân bón đã được các đơn vị nhà màng trong toàn huyện tin dùng và cũng chuyển dịch sang nhiều loai cây trồng khác nhau…

Ngoài ra, để vừa cung ứng đầu ra sản phẩm, vừa nâng cao chất lượng thực phẩm an toàn, anh Thắng mạnh dạn liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện xây dựng các mô hình trồng rau, củ, quả theo hướng an toàn đồng thời kết nối với các công ty, đơn vị thực phẩm sạch để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm trong và ngoài huyện.

Đồng thời, hợp tác xã còn xây dựng mô hình cung ứng hạt giống và các giống cây trồng, giống cây ăn quả... với tổng doanh thu hàng năm khoảng hơn 1.5 tỷ đồng; Giải quyết việc làm thường xuyên cho bảy đoàn viên thanh niên có mức thu nhập 5.1 triệu đồng/người/tháng và bốn lao động thời vụ với thu nhập 170 nghìn đồng/ngày.

Tháng 11/2022 anh Lê Lưu Thắng vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVII do Trung ương Đoàn trao tặng. Chàng trai trẻ dự kiến sẽ mở rộng hợp tác xã và làm thêm một số sản phẩm để mang thương hiệu của quê hương tới nhiều vùng miền Tổ quốc.

Anh gửi thông điệp đến các bạn trẻ rằng: “Chúng ta nên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, cùng nhau đưa nền nông nghiệp của quê hương, đất nước phát triển hơn”.

Theo TTTĐ