Chàng Việt kiều Mỹ: Phở tiệm ở Mỹ phần lớn lại không ngon bằng ở Việt Nam

(CTG) Hiếm hoi lắm mới có một tiệm phở tôi đánh giá ngon hơn ở Việt Nam. Phần lớn chỉ ở mức ăn được và sạch sẽ.

Tô phở ở tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ

Tô phở Mỹ đầy đủ thịt thà, rau giá

Sau ý kiến của nhà nghiên cứu Trịnh Bách về câu chuyện phở Việt kiều Mỹ nấu là ngon nhất, ngon hơn cả phở danh tiếng Hà Nội, để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện phở Việt trên khắp thế giới, Thanh Niên đã kết nối với một Việt kiều Mỹ có 19 năm sinh sống ở đây để nghe anh trải lòng về phở nơi xứ cờ hoa.

Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của anh Hữu Tài, một người Việt có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam và đã đặt chân đến nhiều nước trên thế giới.

Tôi nghĩ phở ở Mỹ ngon hơn châu Âu, Nam Mỹ, hay một số nước châu Á khác là điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Phở Mỹ được trang trí đẹp và có “chuẩn” riêng hơn Việt Nam là điều tôi có thể thừa nhận.

Nhưng từ vùng đông bắc Boston, New York, D.C. tuyết trắng, tới miền nam Houston, Orlando, Atlanta nắng cháy, qua vùng trung tây (Midwest) hoang dã, cỏ tươi lồng lộng gió Denver, Kansas, Wichita hay miền tây đông đảo người Việt San Jose, Garden Grove, Seattle, Portland… hiếm hoi lắm mới có một tiệm phở được tôi đánh giá ngon hơn ở Việt Nam. Phần lớn chỉ ở mức ăn được và sạch sẽ.

Mỗi vùng miền, tiểu bang và nhà hàng đều có công thức và cách chế biến riêng. Ngoài phở gà, phở chay, đuôi bò, tôi cũng có thể rút ra tô phở đúng chuẩn ở Mỹ (trong nhà hàng) gồm năm thứ: nước lèo (tất nhiên), rau giá, bánh phở, thịt, tương đen với tương ớt.

Tô phở ở Wichita, tiểu bang Kansas

Giá bên này không phải loại giá gieo bằng cát ốm tong teo ở quê, mà được ủ trong lu, mập ú ù bán đầy chợ. Rau đơn giản chỉ có hai thứ, é quế và ngò gai. Đặc biệt, không thể nào thiếu miếng chanh và một ít ớt jalapeno cay xè (đặc sản của dân Mễ- Mexico), kèm hành ta, hành tây với ngò thơm lựng. Ở mấy bang nóng, đông người Việt, rau giá tươi rói ăn phủ phê. Chứ tới mấy bang hẻo lánh đồng hương, vào mùa đông, lèo tèo mấy cọng giá thấy thương và đúng một cọng quế làm cảnh.

Người Việt ở Mỹ hiếm ăn bánh phở tươi, mềm đặc trưng của miền Bắc, mà thay bằng cọng phở dài, dẻo, dai, làm bằng bột gạo như cọng hủ tiếu ở miền Nam. Hiếm hoi lắm mới có nhà hàng bán phở Bắc. Bánh phở khá tươi, bỏ tủ lạnh, chia bao nhỏ hút chân không, hay mua bao to hơn chục kí cũng có ngoài siêu thị Việt. Tôi ít thấy người ta ăn bánh phở sấy khô, dù vẫn bán.

Cọng phở tươi ở Mỹ nhỏ như cọng hủ tiếu miền Nam

Tương đen, tương ớt đỏ con gà là hai thứ không thể thiếu trên bàn phở rồi. Nhiều nhà hàng chơi sang để hai chai nguyên gốc. Có chỗ thì pha trộn tùm lum, xịt một cái lỏng le là đủ hiểu. Ngoài ra, trên bàn còn có hũ mắm lẫn muối với đường dành cho ai ăn mặn hoặc ngọt.

Phải nói thịt bên này đa dạng và trưng bày trong tô rất đẹp. Nhà hàng nào cũng có hai tô cỡ lớn và nhỏ. Tô đặc biệt (hay tô số 1) tổng hợp nhiều loại tái (sống hoặc chín), nạm, gầu, gân, sách được xắt mỏng một cách cẩn thận, đều như máy và đặc biệt không thể thiếu bò viên (xắt làm hai hay bốn, có chỗ lại xắt… lát mỏng tanh). Tiếp đến là tô số 2, số 3, số 4, số 5 hay tên gọi gì khác gồm hai, ba loại thịt kể trên kiểu nạm với gầu, nạm với gân, gân với tái…

Tô phở đúng chuẩn ở Mỹ (trong nhà hàng) gồm 5 thứ: nước lèo (tất nhiên), rau giá, bánh phở, thịt, tương đen với tương ớt.

Còn không thích tô sẵn, cứ gọi bất cứ loại thịt nào mình muốn hoặc gọi thêm chén nhỏ (side) kèm theo. Muốn ăn thêm hành giấm, nước béo, hành chần gì cũng có. Quan trọng là có tiền, chứ thịt thì chẳng bao giờ thiếu. Tô yêu thích của tôi là tái sống, gân với bò viên. Lần nào đi ăn cũng chỉ nhiêu đó hoài không ngán.

Theo TN