Sinh viên ngày nay cần làm chủ những phương tiện học tập mới để trở thành “chủ nhân” của cuộc cách mạng công nghệ số |
Nâng cao tinh thần tự học
Trong vài tuần gần đây, bạn Khuất Hải Yến (SN 2001, sinh viên chuyên ngành Marketing, Đại học Thương Mại, Hà Nội) đã ít đặt câu hỏi với giảng viên của mình ở mức độ thông tin cơ bản. Thay vào đó, cô bạn đã lên kế hoạch tự học cùng ChatGPT trong thời gian ngắn như sau:
Đầu tiên, Yến xác định mục tiêu học với "người máy" về một chủ đề để tập trung hơn trong quá trình sử dụng ChatGPT. Khi nhận câu trả lời, nếu không đáp ứng được nhu cầu thông tin, nữ sinh đã hỏi lại hoặc tìm kiếm thêm thông tin từ nguồn khác.
Khi trò chuyện về chủ đề ChatGPT ứng dụng thế nào cho việc học, Hải Yến thừa nhận, sinh viên có thể sử dụng công cụ này để tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức so với việc tìm kiếm thông tin qua các nguồn khác. Nó cũng giúp bản thân em giải quyết các vấn đề về học tập và đưa ra lời khuyên cho những thắc mắc xoay quanh đến vấn đề việc làm, tương lai… Đặc biệt, ChatGPT cung cấp cho sinh viên cơ hội để giao tiếp với một hệ thống AI, giúp họ cải thiện kỹ năng giao tiếp với "người máy" từ đó nâng cao kỹ năng giao tiếp với các hệ thống công nghệ khác trong tương lai.
“Để kích thích sự sáng tạo của sinh viên trong bối cảnh các công cụ trí tuệ nhân tạo “đột phá” rần rần ra mắt, tôi cho rằng, giảng viên cần ra đề bài có tính thử thách và yêu cầu vận dụng cao thay vì chỉ dừng ở mức độ kiến thức cơ bản”.
PTS.TS Nguyễn Thanh Bình
Không “dựa dẫm” vào ChatGPT
Một trong những nguyên tắc cố hữu của cô bạn Chu Diệu Linh (sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) trong việc học đó là không biến mình lười đi trước những biến đổi của công nghệ mới. Nữ sinh cho rằng, hãy học từ AI (trí tuệ nhân tạo) để trở thành người “lãnh đạo” nó thay vì trở thành “nô lệ” của bất kỳ công cụ nào.
Chính vì vậy, khi ChatGPT ra mắt, Linh không ngần ngại sử dụng công cụ này mặc dù đã có nhiều khuyến cáo sinh viên sẽ “gian lận” trong thi cử hoặc viết khóa luận.
Cùng lúc đang thực hiện một đề tài nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành đang học, Diệu Linh đã thử tổng thuật những định nghĩa cũ và định nghĩa mới về các cụm từ khoa học trên ChatGPT để làm sáng tỏ vấn đề, đối tượng nghiên cứu của mình. Đó là nhiệm vụ duy nhất mà công cụ này có cơ hội hỗ trợ nữ sinh năm cuối trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Linh lý giải: “Khi xác định nghiên cứu, tức là phải tìm ra một đề tài mới, giải pháp mới chứ không “diễn lại” những vấn đề cũ. Trong khi, ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ người dùng trong quá trình tìm kiếm thông tin nhanh để dễ tổng hợp và dữ liệu cập nhật chưa đầy đủ đến thời điểm hiện tại”.
Thay đổi tiêu chí đánh giá sinh viên
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) nhận định, năng lực của sinh viên nên được đánh giá thường xuyên trong suốt tiến trình học tập thông qua việc làm việc nhóm, làm bài tập ở lớp, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, hay làm đồ án môn học. Vì vậy, việc giáo dục và hướng dẫn sinh viên sử dụng công cụ công nghệ nói chung và ChatGPT nói riêng sao cho hiệu quả, đúng cách, có “đạo đức học thuật” là rất cần thiết.
PGS.TS Bình không phủ nhận, ChatGPT sẽ giúp cho sinh viên khám phá tri thức dễ dàng hơn và các kết quả tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi hay một bài toán thường rất chính xác. Tuy nhiên, các bạn sinh viên khi sử dụng các công cụ này cần đảm bảo phù hợp với quy định nhà trường về các vấn đề liêm chính trong quá trình học tập hay nghiên cứu khoa học. Theo đó, nhà trường và các đơn vị liên quan cần có thêm các quy định mới chặt chẽ hơn trong việc sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT để tránh trường hợp sử dụng không đúng mục đích và vi phạm liêm chính, đạo đức.
theo TPO