Chia sẻ cùng thầy cô 2019: Cô giáo Khmer “nặng lòng” với tiếng mẹ đẻ

(CTG) Được truyền ngọn lửa đam mê đứng trên bục giảng từ người Cha, cô Đào Thị Sa Rôn đã nuôi dưỡng ước mơ được dạy ngôn ngữ và chữ viết cho các em học sinh, mong muốn các em được biết đọc, biết viết chính tiếng mẹ đẻ của mình.

 

“Nặng lòng” với tiếng nói dân tộc

Với dáng người cao, gượng mặt phúc hậu, cùng nét đẹp cổ điển của người con gái Khmer là đôi mắt sâu đen láy, cô Sa Rôn luôn được các học trò quý mến và luôn say sưa tiếp thu bài trong những tiết dạy của cô bởi chất giọng từ tốn điềm đạm.

Cô mong muôn tất cả con em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình.

Cô tâm sự: “Cha tôi từng là một nhà sư dạy tiếng Khmer trong chùa, từ nhỏ, tôi đã được Cha đưa vào chùa để học chữ Khmer. Lúc bấy giờ, Cha đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê được đứng trên bục giảng, và khơi gợi trong tâm hồn tôi một tình yêu mãnh liệt với tiếng Khmer – tiếng nói của đồng bào mình. Sau này khi trưởng thành hơn, tôi bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được dạy ngôn ngữ và chữ viết cho con em dân tộc mình, mong muốn tất cả con em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc...”

Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô mong muốn trở thành cô giáo để mang kiến thức đến cho các em học sinh dân tộc mình. Để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12, cô thi vào trường Cao đẳng Sóc Trăng chuyên ngành Sư Phạm Song Ngữ. Sau 03 năm trao dồi chuyên môn và kiến tập, cô chính thức được nhận vào công tác tại trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Cần Thơ, và cũng chính là mái trường đầu tiên và duy nhất đến nay chất chứa biết bao kỷ niệm của cô và các thế hệ học trò Khmer trong suốt 20 năm qua.

“Nặng nợ” với đồng nghiệp và học trò

Mong muốn ấp ủ trong lòng là thế, song, trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tưởng chừng đôi lúc cô Sa Rôn không còn muốn gắn bó với nghề nữa, nhưng những lúc ấy, sợi dây liên kết bền chặt giữa cô, học trò, và các đồng nghiệp dưới mái trường mến yêu khiến cô không thể nào buông xuôi mọi thứ một cách dễ dàng.

Thời gian đầu tiếp nhận công việc tại trường, lúc ấy, nhà cô cách trường 10 cây số. Hằng ngày, với chiếc xe đạp thô sơ, cô giáo Sa Rôn vừa mới ra trường mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, không quản khó khăn nhọc nhằn, gồng mình đạp xe đi đi về về, cứ thế đều đặn mỗi ngày… Những hôm trời mưa to gió lớn, cô phải dẫn bộ khoản 5 cây số. Cô bộc bạch rằng đã có không ít 2 lần cô đã nghĩ đến việc xin ngừng công tác vì quá vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, tất cả khó khăn ấy cũng trôi qua, nhường chỗ cho những tiết học “ê, a” tiếng Khmer, những nụ cười dễ thương của các em học sinh thơ dại.

Nổ lực, ý chí của các em học sinh đồng bào tiếp thêm động lực cho cô vượt qua những khó khăn, chông chênh trong cuộc sống.

Phần về cuộc sống cá nhân, cô chia sẻ: “Tôi theo đạo Phật nên tôi rất tin vào câu nói “Sống kiếp này là để trả nợ và duyên của kiếp trước”. Có lẽ, kiếp trước tôi mắc nợ với một người đàn ông nên kiếp này chúng tôi có dịp quen biết và nên duyên vợ chồng với anh ta vào năm 2006”. Thời gian hạnh phúc không kéo dài được bao lâu, người chồng cô bỏ rơi cô, gia đình lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn, vì quá áp lực, cô cũng không thể giữ được đứa con đầu lòng. Lúc ấy, nỗi buồn tủi, xấu hổ bủa vây lấy cô, khiến cô không còn chút động lực và can đảm nào có thể đến lớp, cô sợ sệt và trở nên mặc cảm với trường lớp, đồng nghiệp. “Thời điểm ấy, cô hiệu trưởng và tất cả các thầy cô đồng nghiệp rất san sẻ với tôi, động viên tôi, mỗi người còn đóng góp một chút tiền để giúp cô vượt qua được hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Tôi luôn cảm thấy mình nặng nợ với các thầy cô ở đây. Cái tình cái nghĩa trong môi trường sư phạm này không thể nào đong đo được hết! Từ đó, tôi dặn lòng dù có khó khăn đến mấy, tôi cũng không được bỏ cuộc, không được từ bỏ bục giảng, viên phấn, và hơn hết là không được bỏ rơi các em học sinh đồng bào của mình…”.

Tiên phong dạy tiếng Khmer bằng phương pháp mới

Lúc mới tiếp quản, cô cảm thấy lo lắng vì trình độ tiếng Khmer của các em trong một lớp rất khác nhau, cùng với thời đó Bộ vẫn chưa ban hành sách nên “tôi không biết phải dạy theo chương trình nào và phương pháp gì cho phù hợp”. Thêm phần, học tiếng Khmer là để các em không quên gốc, quên nguồn, nhưng cũng vì không kiểm tra, không lấy điểm, nên các em vẫn còn mang tư tưởng lo ra, không thèm học. “Sau nhiều hôm suy nghĩ, nếu dùng biện pháp cưỡng chế, liệu việc học có bị phản tác dụng? Vì vậy tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy tiếng Khmer của mình.”

Cô chọn phương pháp “Vui để học”. Hằng ngày, cô đều thiết kế bài giảng thật sinh động, cô Sa Rôn hướng dẫn các em học tiếng Khmer qua các trò chơi, đố vui, cho các em thi đua giữa các nhóm, các tổ với nhau. Tiết học của cô luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, các em được tự do trao đổi cùng các bạn, hăng say trao đổi, từ đó kiến thức mới dễ dàng dung nạp vào trí nhớ của các em.

Em Văn Sĩ Hên (học sinh dân tộc Khmer) chia sẻ: “Tiếng Khmer nhiều khi cũng rất khó, đôi lúc em học mà cũng không thể nào nhớ hết. Cô Sa Rôn là cô phó hiệu trưởng nên ít khi tụi em được cô dạy, nhưng mà học với cô Sa Rôn thì rất là vui, và nhớ bài rất mau vì cô hay cho tự suy nghĩ xong phát biểu, cho bạn bè nhắc bài giúp đỡ mình, học tiết của cô thấy rất thoải mái!”

Cô còn là giáo viên tiên phong của trường, mạnh dạn vay mượn hơn 20 triệu đồng để mua một chiếc máy tính cho trường, lặn lội xuống tỉnh Sóc Trăng để nhờ người am hiểu cài đặt font chữ Khmer vào máy tính. Bằng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cô bắt đầu làm quen, soạn giáo án điện tử, thiết kế bài giảng bằng máy tính. Các đồng nghiệp từ đó bắt đầu hiểu hơn về giá trị của công nghệ, và biết ứng dụng nhiều vào trong công tác giảng dạy.

Cô Sa Rôn sẽ luôn hướng về tiếng nói thiêng liêng của dân tộc mình.

Với tình yêu thương học sinh vô bờ bến, cùng với khối óc sáng tạo, nhạy bén, cô Sa Rôn nhận thấy có rất nhiều cuộc thi hùng biện cho các ngôn ngữ đa quốc gia như tiếng Trung, Anh, Pháp, Tiếng Khmer của dân tộc cô cũng đẹp biết bao, sao lại chưa có một cuộc thi nào hay như thế? Và vì thế, năm 2015, Cuộc thi hùng biện tiếng Khmer khu vực ĐBSCL do cô lên kế hoạch và đề xuất chính thức được triển khai, với hai mục đích là tạo cho các em môi trường để luyện tập, tranh tài, và xa hơn là giao lưu với các trường dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Kết quả, các em học sinh dân tộc Khmer từ các trường ở khắp các tỉnh, huyển đều đăng ký tham gia rất tích cực, các huyện cũng đề nghị để được luân phiên đăng cai tổ chức cuộc thi này để làm rạng ngời tiếng nói của dân tộc mình.

Vẫn mãi là tiếng Khmer…

Với cương vị là phó hiệu trưởng sau hơn 20 năm công tác và gắn bó, cô đã từng chứng kiến rất nhiều giáo viên mới ra trường từ nơi khác về thấy khó khăn quá nên đành xin nghỉ, còn học trò có hoàn cảnh cực khổ quá cũng bỏ học theo gia đình mưu sinh. Những lúc ấy, bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, cô đã bộc bạch, tâm sự, động viên các đồng nghiệp và các em học sinh tiếp tục theo đuổi con chữ, sách vở và ở lại với trường lớp.

“Với sự quan tâm và tin tưởng của các cấp lãnh đạo đã giao phó cho tôi, tôi sẽ cố gắng và nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng kì vọng của Ban lãnh đạo, đặc biệt là với niềm tin tưởng của phụ huynh, các em học sinh thân yêu, các đồng nghiệp thân mến, tôi sẽ luôn bám trụ với nghề giáo mà tôi ấp ủ từ lúc còn bé thơ, dù đi đâu, làm gì, tôi cũng hướng về tiếng nói Khmer – tiếng nói thiêng liêng của dân tộc.”

 

Anh Hoàng Tuấn Việt, Ủy Viên ủy ban Trung ương Hội LHTN Vệt Nam, Trưởng ban Biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng (áo xanh) và Ông Bùi Văn Huống, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (áo trắng, đứng giữa), đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” 2019 đến thăm và tặng quà chúc mừng cô Sa Rôn.

Cô giáo Đào Thị Sa Rôn là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” năm 2019 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50% trên tổng số học sinh trong lớp.

Mỗi thầy, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bước sang năm thứ 5 thực hiện, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mỗi năm tuyên dương các giáo viên có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường và xã hội ghi nhận. Trong đó ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ lên vùng sâu, vùng xa dạy học, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục.

 

CTG