Xuất thân trong một gia đình trí thức, bố là giáo viên đã tiếp cho cô Duyên truyền thống hiếu học của gia đình. Năm 2006, ước mơ thành hiện thực khi cô được tuyển dụng vào ngành giáo dục.
Thời gian mới ra trường, cô giáo Trần Thị Duyên được phân công giảng dạy tại trường THCS Nghĩa Minh. Để nâng cao chất lượng bộ môn mình giảng dạy, cô giáo Duyên đã phân hoá học sinh thành 3 nhóm đối tượng: khá giỏi, trung bình và yếu kém. Điều này khiến thời gian nghỉ ngơi của cô được rút ngắn nhưng khi thấy kết quả thu cấp 3 xếp vào Top đầu của toàn huyện nhà, cô Duyên cảm thấy đây là điều rất cần thiết. Phương pháp này sẽ giúp người giáo viên đánh giá đúng năng lực và phẩm chất học sinh, kể từ đó có kế hoạch bài giảng cho phù hợp với từng đối tượng.
Năm 2012, cô Duyên được điều chuyển công tác đến trường THCS Nghĩa Hưng - nơi cô đang làm việc hiện nay. Sau khi sử dụng thành công phương pháp phân hoá và mang lại kết quả tốt, cô giáo Trần Thị Duyên được giao nhiệm vụ ôn luyện Học sinh giỏi môn Lịch sử 9 cấp tỉnh. Kết quả xếp 9/10 huyện, thành phố khiến cô Duyên hoang mang lo lắng.
Khó khăn vẫn đó nhưng bỏ cuộc thì không, cô Duyên mạnh dạn đề nghị với BGH nhà trường một số hạn chế cần thay đổi, phương pháp và nguyên nhân chủ quan từ phía cô. Năm thứ hai cô tiếp tục ôn luyện và thành công đã mỉm cười với người biết cố gắng, thành tích vượt bậc xếp hạng 2/10 huyện, thành phố. “Tôi như cái cây tươi mát sau những ngày hè ngắn hạn” - Cô Duyên vỡ oà trong hạnh phúc.
(Cô giáo Trần Thị Duyên không ngừng phát huy những sáng kiến đạt hiệu quả)
Nhưng cuộc sống có thật sự đơn giản như thế không khi mà đằng sau bộ môn Lịch sử, vẫn là những định kiến về “môn học phụ”, “học không có lợi ích gì”. Thật tủi thân và thất vọng cho một bộ môn vốn cần đến những phân tích chuyên sâu mới có thể hiểu hết được những cái hay, cái đẹp, cái tài ba mà ông cha ta đã gây dựng.
“Trong quá trình dạy đội tuyển, cũng có lúc tôi rơi lệ. Rơi lệ không phải vì mình thất bại. Rơi lệ vì tủi thân. Bởi vì, do nhu cầu của xã hội cũng như gia đình và bản thân học sinh đều không muốn học môn Lịch sử. Tôi phải vận động mãi các em mới vào đội tuyển Lịch sử. Nhưng khi vào, các em cũng vẫn còn có ý định xin ra khỏi đội tuyển. Lý do, bố mẹ học sinh không muốn con mình học đội tuyển sử. Họ coi môn học này như môn phụ, không có lợi ích gì. Tôi rất buồn, tủi thân và bất lực khi chấp nhận cho một số học sinh ra khỏi đội tuyển. Không chỉ thế, có những lúc đối diện với sự à ơi của học sinh khi học” - Cô giáo Trần Thị Duyên đã rất cố gắng vận động cả học sinh lẫn phụ huynh có cái nhìn tích cực hơn về bộ môn này.
Những năm gần đây, cô Duyên được phân công thêm công tác chủ nhiệm lớp. Quan sát thực tiễn tồn tại vấn đề làm ban cán sự quá vất vả, công tác quản lý không hiệu quả mà còn mất đi quyền lĩnh hội kiến thức khi cứ phải nhắc nhở các bạn xung quanh. Sự sáng tạo lại gõ cửa, cô giáo Trần Thị Duyên đã cho ra Sáng kiến “Thiết kế sơ đồ tổ chức bộ máy lớp học cùng sổ theo dõi thi đua cho đội ngũ cán bộ lớp”. Không chỉ được đánh giá cao, cô còn nhận được Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt được đề nghị sang Sở Khoa học và Công nghệ.
Ngoài công việc bộn bề trên trường học, ngoài giờ hành chính, cô giáo Duyên tranh thủ làm nghề tay trái như bán hàng, shipper để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Khó khăn trăm bề, nhưng cô Duyên vẫn cố gắng hoàn thiện tốt những công việc mình được giao phó.
Sau những nỗ lực hết mình, cô giáo Trần Thị Duyên cũng đã nhận được những thành quả xứng đáng:
- Giấy khen của Giám đốc Sở giáo dục đào tạo tỉnh Nam Định năm 2020.
- Bằng khen của của Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo năm 2021.
- Giấy khen của Giám đốc sở giáo dục đào tạo tỉnh Nam Định năm 2021.
- Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022
Cô giáo Trần Thị Duyên là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
CTG