Chia sẻ cùng thầy cô 2022: Hành trình giáo dục kiến thức về ATGT cho học sinh của cô giáo Phạm Thị Nữ

(CTG) Trường THPT Trần Kỳ Phong nằm ở phía bắc của huyện Bình Sơn, học sinh của trường phần lớn ở các xã bãi ngang ven biển, nơi có khu kinh tế Dung Quất. Hằng ngày, các em phải vượt từ 5 đến 15 km để đến trường và bằng phương tiện chủ yếu là xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông là rất lớn.

 

Những suy nghĩ, trăn trở…

Trường THPT Trần Kỳ Phong nằm ở phía bắc của huyện Bình Sơn, học sinh của trường phần lớn ở các xã bãi ngang ven biển, nơi có khu kinh tế Dung Quất, một điểm nóng về giao thông của tỉnh Quảng Ngãi. Hằng ngày, các em phải vượt từ 5 đến 15 km để đến trường và bằng phương tiện chủ yếu là xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông là rất lớn.

Chính những điều đó đã thôi thúc cô Phạm Thị Nữ, giáo viên trường Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nảy ra một suy nghĩ “Làm thế nào để giảm thiểu những tai nạn ngoài ý muốn đó?”. Cô Nữ đã ý thức được trách nhiệm to lớn của bản thân trong việc giáo dục An toàn giao thông (ATGT) cho học sinh.

Cô và trò say sưa, hăng hái trong tiết học giáo dục ATGT.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn xây dựng kế hoạch giáo dục An toàn giao thông cho từng khối lớp, trong từng tháng với từng chủ đề, nội dung, hình thức cụ thể và luôn thực hiện đúng theo đúng kế hoạch đã đề ra. Mỗi nội dung giáo dục ATGT được tôi triển khai giảng dạy theo 4 bước: Hình thành kiến thức; Vận dụng, thực hành; Rèn luyện kĩ năng; Theo dõi, giám sát thực tế. Trong mỗi bước, tôi thường lựa chọn hình thức phù hợp để học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng nhất như thông qua hình ảnh, video, tình huống thực tế, tiểu phẩm, tổ chức trò chơi…”, cô Nữ chia sẻ.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra, tưởng chừng như những tiết học sẽ bị ngắt quãng, gián đoạn nhưng người nhà giáo tâm huyết ấy đã không vì thế mà từ bỏ. Cô đã xây dựng một vài chủ đề quan trọng thành bài giảng elearning để học sinh tự học khi không có điều kiện học tập trực tiếp. Phương pháp này đã thu về nhiều kết quả đáng mong đợi. Các em học sinh không vì học online mà bớt hứng thú với tiết học, qua đó còn chủ động tương tác nhiệt tình hơn.

Ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học Bộ GDĐT và Kazuya Maruyama – Trợ lý Giám đốc Honda Việt Nam trao giải cho giáo viên xuất sắc nhất.

Thu về những thành tựu

Nhờ những kinh nghiệm trong công tác giáo dục ATGT đã giúp cô Nữ có được những thành tích cao trong các cuộc thi về ATGT. Cụ thể, cô đã đạt giải Xuất sắc Cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" dành cho giáo viên năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo-Ủy ban ATGTQG-Công ty Honda VN tổ chức.

Bên cạnh đó, cô còn đạt giải Khuyến khích "Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021" do Ủy ban ATGTQG tổ chức với clip "Giáo dục kỹ năng dự đoán và phòng tránh nguy hiểm khi tham gia giao thông ở học sinh THPT" và rất nhiều danh hiệu khác.

Cô Phạm Thị Nữ nhận giải trong Lễ trao giải Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021.

17 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nữ luôn xác định: Giáo dục An toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông học đường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của những người làm công tác giáo dục.

Với những thành tích của mình cô Phạm Thị Nữ là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp lễ 20/11 năm nay.

CTG