CHIA SẺ CÙNG THẦY CÔ 2022: THẦY GIÁO MƯỜNG VỚI ƯỚC MƠ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

(CTG) Với tâm niệm giúp các em học sinh được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh (SN 1991, trường THPT Chuyên Hùng Vương, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) luôn trăn trở về vị trí, vai trò và sự chuyển biến phù hợp của giáo viên trong thời đại 4.0 hiện nay để đảm bảo phát triển toàn diện cho học sinh.

8 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Duy Khánh đã cố gắng để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó thầy cũng luôn trăn trở với những khó khăn, tồn tại, vướng mắc của công việc mình đang làm. Đối với thầy, áp lực của giáo viên ngày một tăng lên khi mà cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra và giáo viên cũng cần phải liên tục cập nhật, học hỏi, đổi mới để có thể mang đến những giá trị tốt đẹp nhất cho học sinh.

(Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh hướng đến hình mẫu một nhà giáo thời đại mới)

Thầy Khánh luôn tâm niệm rằng, giáo dục không chỉ đơn giản là truyền tải tri thức mà phải mang tính toàn diện. “Phát triển toàn diện giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho học sinh về cả tri thức, tinh thần, thể chất, cảm xúc, nhận thức… Giúp các em trở nên tự tin, dám đương đầu với thử thách, sẵn sàng học hỏi, biết cách cư xử sao cho đúng mực và có tinh thần tự lập, tự cường. Mỗi học sinh đều có quyền có được sự khởi đầu tốt nhất để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Phát triển toàn diện là phát triển đồng thời trí tuệ, thể chất, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội lành mạnh” - Thầy Khánh khẳng định đây là tiêu chí giáo dục rất quan trọng trong thời đại mới.

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh cũng đã đưa ra “7 thay đổi giáo dục để phù hợp với thời đại chuyển đổi công nghệ số”:

  • Mục tiêu học tập mở rộng: Kiến thức hàn lâm kết hợp cùng kiến thức kỹ năng hướng đến phát triển tối đa trí thông minh tiềm ẩn, phù hợp khả năng của mỗi người.
  • Giáo viên là người kết nối: Giáo viên sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng chia sẻ những thành công và chấp nhận thất bại.
  • Tự học là yêu cầu bắt buộc: Chủ động định hướng kiến thức cần có, lộ trình học tập phù hợp với cá nhân mỗi người.
  • Độ tuổi người học kéo dài suốt đời: Không ngừng học tập để kiến thức và tri thức đủ đáp ứng cho công việc.
  • Ai cũng có thể dạy: Tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn chính thống trên không gian internet, mạng xã hội, ứng dụng.
  • Thay đổi hình thức tổ chức lớp học: Lớp học trực tuyến kết hợp với tài liệu điện tử sẽ giúp việc học trở nên dễ dàng hơn.
  • Tăng cường kết nối giữa nhà trường và gia đình: Ứng dụng quản lý trực tuyến toàn diện là công cụ đắc lực giúp phụ huynh theo sát, đồng hành cùng con.

Với thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, người giáo viên trong thời đại mới phải là hình mẫu của việc học tập suốt đời. Người thầy cần bước ra khỏi ranh giới của các lớp học, sách giáo khoa và khuôn mẫu nội dung giảng dạy để làm cho học sinh có cơ hội sáng tạo và đổi mới. Là giáo viên toàn cầu để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu. Quan trọng, giáo viên dạy học giúp học sinh hình thành các kỹ năng thế kỷ 21, bao gồm: tư duy phản biện (critical thinking); giao tiếp (communication); hợp tác (collaboration); sáng tạo (creativity); quyền công dân (citizenship) và phát triển nhân cách (character development). Và cuối cùng, giáo viên cần dạy học theo xu hướng của giáo dục STEM, STEAM. Với xu thế phát triển nghề nghiệp trong tương lai, một thế hệ có sự hiểu biết, kỹ năng tổng hòa các kiến thức nhiều môn học sẽ là nguồn nhân lực được mong đợi.

(Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh lao động bằng cả trái tim để nuôi dưỡng trái tim)

Những quan điểm trên của thầy giáo Nguyễn Duy Khánh về hình mẫu người giáo viên trong thời đại mới hướng tới một nhà giáo năng động, có tầm, có tâm, lao động bằng cả trái tim để nuôi dưỡng những trái tim nhỏ bé biết yêu thương, quan tâm, hình thành nhân cách, lối sống, đạo đức tốt.

8 năm công tác giảng dạy, với những cố gắng của mình, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh đã đạt được những thành tích đáng khen như: Giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2020; Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ năm 2020; Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ năm 2021; Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ năm 2022; Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn giáo dục Việt Nam năm 2022.

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

CTG