“Khi còn nhỏ ngồi trên ghế nhà trường, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của trẻ, tôi đã ước mơ trở thành cô giáo mầm non để được dìu dắt, dạy dỗ các cháu. Và thế rồi tôi đến với nghề giáo viên mầm non như một cái duyên”. Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.
Năm 2006 khi mới về công tác tại trường Mầm non xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, nơi chính bản thân cô được sinh ra và lớn lên nên cũng hiểu được phần nào những khó khăn vất vả của quê hương. Mới đầu cô đã có suy nghĩ có nên tiếp tục với nghề nữa hay không, bởi vì quá thấu hiểu nên khi đứng trước những khó khăn vất vả của nghề cùng với mức phụ cấp ít ỏi mỗi tháng không đủ trang trải cho cuộc sống đã làm cô lung lay. Nhưng nhìn sự thiếu thốn, ánh mắt ngơ ngác của các cháy đồng bào, những học sinh thân yêu như níu giữ chân cô ở lại. Cô đã gắn bó với nghề hơn 17 năm.
Thuở mới ra trường, cô Nhung được phân công dạy tại điểum trường bản Chân Trộng, đây là một điểm trường đường đi lại rất khó khăn, dù đã chuẩn bị trước tinh thần bản thân cô không tránh khỏi ngỡ ngàng. Ngày đầu đến lớp trước mắt cô là một cái nhà nho nhỏ được lợp và xung quanh che bằng che tạm bợ bằng lá cọ, những đứa trẻ nhỏ bé hiển hiện lên sự khắc khổ, … những khó khăn đó đã làm cô có chút dao động. Nhưng khi nghĩ lại những vất vả đó của các em bản thân cô càng cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với trẻ, với cộng đồng, cùng đồng cảm sẻ chia, yêu thương với đồng nghiệp để vượt qua những khó khăn.
Trong công việc, cô luôn chăm chỉ làm tốt công việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường. Ngoài ra còn tìm hiểu và nắm được tâm tư, tình cảm của phụ huynh và đặc biệt cô còn tranh thủ học thêm tiếng Bru Vân Kiều từ những người dân nơi đây để có thể giao tiếp, dạy bảo các em một cách tốt nhất. Vì hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn tạo sân chơi cho các em, trong quá trình giảng dạy cô luôn tìm tòi những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như đá cuội, lá cây, bìa catton, chai nhựa, … để làm đồ dùng đồ chơi phục vụ dạy học một cách có hiệu quả, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học làm cho trẻ tích cực hứng thú hơn khi tham gia vào hoạt động học tập.
Mới đó đã thấm thoát 17 năm gắn bó với trường, với đồng nghiệp, với bà con nơi đây. Đã đóng góp không ít tâm huyết, trí lực của mình để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với tinh thần vượt khó băng rừng lội suối đến những bản xa hơn nữa. Nhờ những nỗ lực đó mà bản thân cô đã được Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh trao tặng giấy khen năm học 2020-2021; đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm học 2021-2022; đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Trưởng Phòng GD&ĐT Quảng Ninh chứng nhận đã có thành tích xuất sắc trong công tác GD&ĐT giai đoạn 2015-2020; …
“Những thành tích trên cũng chính là động lực để bản thân không ngừng phấn đấu rèn luyện đáp ứng với yêu cầu công tác trong giai đoạn mới, xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quy, góp phần đưa phong trào giáo dục vùng cao ngày càng vững bước đi lên” cô Nhung bày tỏ.
Đặc biệt, dịp này, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Ngọc Ánh