{Chia sẻ cùng thầy cô 2023}: Vượt gian khó tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông

(CTG) từ khó đi lên cô giáo Đặng Thị Hương với ước mơ trở thành cô giáo “gieo cái chữ” trên bản làng quê hương

Sinh ra trong một gia đình nghèo có bố mất sớm, cô giáo Đặng Thị Hương (sinh năm 1979) ở Thường Xuân – Thanh Hóa được mẹ tần tảo nuôi ăn học. Không phụ công lao trời biển của mẹ, vượt qua tất cả cô duy trì, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông. Vào thời điểm chuyện học chữ còn "xa lạ" với nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Cô Hương đã sớm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo để "gieo cái chữ" trên những bản làng quê hương.

Sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm, cô đã xin công tác tại trường tiểu học Bát Mọt 1: nơi đây thuộc vùng đặc biệt khó khăn vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh của huyện. Những ngày mới vào nghề cũng là giai đoạn đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất lớp học còn nhà tranh vách nứa, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu thốn, học sinh là dân tộc thiểu số, 100 % là các con em hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Với lòng yêu nghề của mình, thấu hiểu khó khăn của các em cô đã nỗ lực để dạy chữ, động viên học sinh đến lớp chuyên cần. Bên cạnh đó trong mỗi giờ lên lớp cô đều tìm những phương pháp hay, gần gũi với tập quán sinh hoạt, đời sống văn hóa người dân tộc thiểu số để học sinh dễ tiếp thu bài. Học sinh đến lớp phần lớn giao tiếp bằng tiếng dân tộc tạo "rào cản" về ngôn ngữ.

Để khắc phục những khó khăn đó, trong quá trình giảng dạy cô đã tự học tiếng dân tộc để hỗ trợ học sinh khi giảng bài, đôi khi trong bài giảng cô còn sử dụng song ngữ để học sinh dễ hiểu hơn. Bản thân cũng là người từ khó đi lên nắm được những tâm lý hiện tại của học trò, trong mỗi giờ lên lớp, cô chú trọng việc mở rộng vốn từ, rèn luyện kĩ năng giao tiếp của học sinh, tổ chức các buổi ngoại khóa về tiếng Việt, tăng cường các hoạt động để các em được bộc lộ những suy nghĩ của mình, giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp... Từ đó, học sinh giảm hẳn lỗi trong học bài, mạnh dạn phát biểu, tiếp thu bài tốt, đạt kết quả cao.

Giờ dạy chính khóa trên lớp học

Giờ giải lao, cô và trò chăm sóc vườn cây cảnh trong khuôn viên nhà trường

Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ học sinh khó khăn, tìm tòi phương pháp dạy hiệu quả, tôi còn tích cực đến các bản làng, vận động học sinh đi học chuyên cần. Ở xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, học sinh phải đi bộ gần chục cây số để đến lớp. Hơn nữa học sinh hay nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Vậy là tôi lại lặn lội hàng chục cây số, đến nhà học sinh nhiều lần để động viên các em đi học.

Vận động học sinh bỏ học giữa chừng đến lớp

Không phụ lòng cô Hương các em học sinh đều có những tiến bộ rõ rệt trong học tập, chất lượng nâng lên rõ rệt. Với tất cả sự say mê, yêu nghề, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, trong quá trình giảng dạy, cô được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh có năng khiếu nhiều năm và đã đạt được những thành tích rất khả quan. Từ đối tượng học sinh chưa nói thạo tiếng phổ thông, năm học vừa qua có em đã đạt giải nhì môn Tiếng Việt trong đợt giao lưu câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt cấp huyện.

Nhận giấy khen của UBND huyện Thường Xuân

Trong công việc cô Hương không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn. Tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, các cuộc thi do nhà trường và ngành tổ chức. Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào ở lứa tuổi đôi mươi, lần đầu đặt chân tới bản làng biên giới để công tác đến nay đã hơn hai mươi năm vì sự ngiệp trồng người trên mảnh đất xa xôi. Với nhiệt huyết muốn ‘‘mang cái chữ lên non’’ nên bản thân cô không nỡ rời xa mảnh đất này. Qua từng ấy năm cống hiến và nỗ lực cô Hương đã đạt được một số thành công nhất định.

Đặc biệt, dịp này, cô Đặng Thị Hương vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

 Ngọc Ánh