Chia sẻ cùng thầy cô 2024: Ánh sáng trong đời sống học sinh khuyết tật

CTG -  Với 29 năm gắn bó với nghề, cô Bùi Thị Thúy đã vượt qua nhiều khó khăn để mang lại tri thức và niềm vui cho các em học sinh khuyết tật tại Trường trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Cô Bùi Thị Thúy sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, với hai thế hệ là nhà giáo. Từ nhỏ, cô đã bị cuốn hút bởi hình ảnh ông ngoại và mẹ đứng trên bục giảng. Ngay từ khi còn là học sinh, cô đã quyết tâm theo học sư phạm để tiếp nối sự nghiệp cha ông. Sau khi tốt nghiệp năm 1994, cô bắt đầu công tác tại Trường Tiểu học xã Giao Hà và từ năm 1995, cô đã dành trọn tâm huyết cho Trường trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy.

Cô đã lập gia đình và hiện có ba người con, trong đó hai cháu gái đã học đại học và một cháu trai đang học trung học cơ sở. Cả hai vợ chồng cô đều là viên chức, cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc và đầy yêu thương.

Trong suốt 29 năm giảng dạy, cô Thúy đã gặp phải không ít khó khăn. Học sinh khuyết tật tại trường có nhiều dạng khuyết tật khác nhau, từ khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ đến khó khăn vận động. Đặc biệt, 65% học sinh khuyết tật tại trường gặp khó khăn về nghe nói. Điều này đòi hỏi cô phải điều chỉnh nội dung bài dạy sao cho phù hợp với từng mức độ nhận thức của học sinh.

Hơn nữa, độ tuổi trong một lớp học không đồng đều, do phụ huynh cho con nhập học chưa đúng độ tuổi và sức khỏe khác nhau của các em. Nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải chạy chữa cho các con, dẫn đến việc học tập gặp nhiều trở ngại. Cô Thúy đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng dạy phù hợp, đồng thời sử dụng nhiều đồ dùng trực quan để thu hút sự chú ý và ghi nhớ của các em.

Cô Thúy luôn tìm cách phát huy thế mạnh của học sinh khuyết tật, như khả năng quan sát tốt và tư duy trực quan hình tượng. Trong quá trình giảng dạy, cô đã kết hợp nhiều phương pháp như dùng lời nói, cử chỉ, điệu bộ và ngôn ngữ ký hiệu. Đặc biệt, việc tạo ra môi trường học tập thân thiện, gần gũi và dễ tiếp cận đã giúp các em dần dần hòa nhập và phát triển.

Cô hiểu rằng, việc dạy học sinh khuyết tật không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình xây dựng kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân, giao tiếp và phòng tránh xâm hại. Cô thường xuyên cập nhật các phương pháp giảng dạy mới và tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cô Thúy vẫn luôn giữ vững niềm tin và tình yêu với nghề. Cô cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy sự tiến bộ của từng học sinh, khi các em có thể nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Niềm vui ấy là động lực để cô cố gắng từng ngày, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các em. 

Đặc biệt, cô Bùi Thị Thúy vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội.