Cô Xuân bắt đầu công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn từ tháng 1 năm 2012. Với hơn 90% học sinh là dân tộc Mông và tỷ lệ hộ nghèo cao, môi trường giảng dạy của cô đầy thử thách. “Mỗi năm học mới, chúng tôi đều phải đi vận động học sinh đến lớp. Nhiều em phải nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn,” cô chia sẻ.
Cô cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với học sinh do bất đồng ngôn ngữ, điều này làm hạn chế khả năng truyền đạt kiến thức. Với vai trò Phó Hiệu trưởng, cô không chỉ quản lý các hoạt động giáo dục mà còn phải chăm sóc, hướng dẫn các em trong những công việc hàng ngày như tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Cô nhận thức rằng, mỗi em học sinh không chỉ cần kiến thức mà còn cần sự chăm sóc và tình yêu thương.
Nhà trường còn thiếu thốn cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp, điều này càng làm cho việc giảng dạy trở nên khó khăn hơn. “Chúng tôi hiện có 54 lớp học với 1489 học sinh, nhưng cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn chế. Mỗi ngày trôi qua, tôi luôn cảm thấy nỗi lo về điều kiện học tập của các em,” cô Xuân trăn trở.
Dù đối diện với nhiều thử thách, cô Xuân luôn giữ vững niềm tin và quyết tâm. “Mỗi khi nhìn thấy học sinh của mình phấn đấu, tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Dù công việc có khó khăn đến đâu, tôi vẫn thấy tự hào vì mình là người giáo viên,” cô nói.
Trong suốt quá trình công tác, cô đã không ngừng sáng tạo và áp dụng nhiều sáng kiến vào giảng dạy. Hai trong số những mô hình tiêu biểu là “Giải pháp nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập thông qua việc tổ chức hoạt động khởi động, kết nối trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 5” và “Giải pháp luyện đọc đúng phân môn tập đọc cho học sinh lớp 5”. Những sáng kiến này đã được Hội đồng công nhận và đánh giá cao về tính hiệu quả.
“Chúng tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em cách sống, cách làm người. Đó là sứ mệnh cao cả mà tôi luôn tâm niệm,” cô Xuân chia sẻ.
Cô Quàng Thị Xuân không chỉ là một người quản lý, mà còn là một người bạn đồng hành với học sinh. Cô luôn nỗ lực để tạo ra môi trường học tập tích cực, nơi mà các em có thể phát triển toàn diện. Cô cho biết: “Tôi muốn các em tham gia vào các hoạt động ngoài giờ như văn nghệ, thể dục thể thao để mỗi em đều có cơ hội thể hiện bản thân và phát triển kỹ năng.”
Cô cũng dành thời gian gần gũi với học sinh bán trú, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động chăm sóc vườn hoa và rau xanh, từ đó giúp các em giao lưu, học hỏi và tự tin hơn. “Mỗi nụ cười của học sinh là động lực lớn lao để tôi tiếp tục cống hiến,” cô nhấn mạnh.
Nhìn về tương lai, cô Xuân mong muốn thực hiện nhiều giải pháp mới và sáng tạo hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Cô đã đề ra kế hoạch quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đồng thời chú trọng đến việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn. “Tôi tin rằng, dù đứng ở vị trí nào, trong hoàn cảnh nào, nếu chúng ta có sự nhiệt huyết và cái tâm của người thầy, chúng ta sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho học sinh,” cô chia sẻ.
Năm 2024, cô được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Những nỗ lực của cô không chỉ làm cho mái trường Mường Lạn trở nên tươi sáng hơn mà còn lan tỏa cảm hứng cho tất cả những giáo viên và học sinh trong khu vực.
Chương trình “Chia Sẻ Cùng Thầy Cô” năm 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức suốt 10 năm qua. |