Trong những lần đến thăm trường Giáo dưỡng số 2 nơi các anh chị của cô công tác, cô được nghe kể về những mảnh đời “đặc biệt” - các em học sinh từng có hành vi vi phạm pháp luật. Đối với cô, mỗi câu chuyện là một sự đồng cảm sâu sắc và thôi thúc cô mong muốn trở thành một “cô giáo Công an” để có thể giúp các em học sinh ấy tìm lại lẽ sống. Với cô, dạy học tại trường giáo dưỡng không đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là một hành trình cảm hóa, dìu dắt các em quay về với nẻo thiện.
Cơ duyên đã dẫn dắt cô đến với nghề khi tốt nghiệp Đại học sư phạm vào năm 2012 và được tuyển dụng vào Đội Giáo viên văn hóa - Trường Giáo dưỡng số 2. Với chuyên môn chính là giảng dạy văn hóa, cô đã cống hiến cả thanh xuân của mình để đồng hành với những học sinh từng đi lạc lối, những đứa trẻ còn chông chênh trên đường đời.
Trải qua hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Hồng Lụa đã trở thành người bạn, người mẹ thứ hai của các em học sinh. Đặc thù của những học sinh tại trường giáo dưỡng khiến công tác giảng dạy gặp không ít khó khăn. Đa số các em đều đã bỏ học từ lâu, kiến thức cơ bản không vững, không có động lực học tập và thiếu kỹ năng sống. Không ít em từng có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, từ trộm cắp, cướp, gây rối trật tự công cộng đến các hành vi bạo lực. Cô biết rõ rằng, với những học sinh như vậy, nhiệm vụ không chỉ là dạy kiến thức mà còn là giáo dục nhân cách, định hướng và giúp các em xây dựng lại giá trị cuộc sống, tránh xa tệ nạn và những lối mòn của quá khứ.
Bằng lòng yêu nghề và khát khao mãnh liệt giúp các em thay đổi, cô Lụa không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô luôn sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và thiết kế những bài giảng trực quan, sinh động để khơi gợi niềm hứng thú học tập của các em. Nhờ những phương pháp ấy, cô đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn và có động lực thay đổi bản thân. Từng bài học không chỉ mang giá trị kiến thức mà còn ẩn chứa những bài học cuộc sống, cách ứng xử và đối mặt với khó khăn, giúp các em biết tự tin và nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai.
Trong những năm tháng công tác, cô Lụa đã gặp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khác nhau. Có những em tự tin, nhiệt tình thể hiện khả năng, nhưng cũng có em nhút nhát, sống khép kín và mang trong mình nỗi mặc cảm lớn. Nhiều học sinh đến với cô khi đã không còn cha mẹ, lặng lẽ và u buồn. Những em đã từng bỏ học từ lâu, không quen với môi trường học đường, lười học, hay thậm chí có em đã 16 tuổi nhưng vẫn chưa biết đọc, viết. Trước những hoàn cảnh ấy, cô Lụa không hề nản lòng mà ngược lại, càng cảm thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Với cô, mỗi em học sinh đều có khả năng thay đổi, và cô chính là người phải đồng hành cùng các em trên hành trình đó.
Cô không chỉ là người thầy truyền thụ kiến thức mà còn là một người mẹ đầy bao dung, luôn lắng nghe, đồng cảm và giúp đỡ học sinh. Những giờ giảng của cô không chỉ có lý thuyết mà còn đầy ắp những câu chuyện đời thường, những bài học về đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống. Cô luôn khuyến khích các em rèn luyện kỷ luật bản thân, quý trọng giá trị thời gian và lao động. Những điều này không chỉ giúp các em tiến bộ trong học tập mà còn giúp các em dần hình thành lối sống lành mạnh, tích cực, biết yêu thương và trách nhiệm với chính mình và với xã hội.
Chính những lúc nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với cô. Đó là khi các em nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dưỡng, bước ra xã hội với một khởi đầu mới. Niềm vui của cô Lụa không gì sánh được khi nghe các em chia sẻ: “Em đã có việc làm, em trở thành người con ngoan, công dân có ích, sống một cuộc sống bình yên và hạnh phúc”, cô kể lại.
Những khoảnh khắc đó chính là minh chứng cho những nỗ lực thầm lặng của cô và là niềm tự hào lớn nhất của một nhà giáo làm việc tại ngôi trường đặc biệt.
Trải qua gần nửa chặng đường trong sự nghiệp giáo dục, cô Lụa đã đạt được những thành tích đáng tự hào như giải Nhất cá nhân và toàn đoàn tại Hội thi giáo viên dạy giỏi các trường giáo dưỡng năm 2019. Những thành tích ấy không chỉ là kết quả của sự cống hiến không ngừng nghỉ mà còn là động lực để cô tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh. Cô luôn tâm niệm rằng, dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nhưng để cảm hóa và giáo dục một đứa trẻ từng đi lầm đường, lại càng cần sự kiên trì và yêu thương gấp bội.
Dịp này, cô Lê Thị Hồng Lụa vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội.
CTG