Sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình làm nông nghiệp với hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Trần Thị Ngân đã trải qua một tuổi thơ đầy thử thách. Khí hậu miền Trung khắc nghiệt với mùa nắng gay gắt và mùa đông lạnh giá, cuộc sống gia đình cô cũng không dễ dàng. Tuy vậy, cô Ngân may mắn được sinh ra trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt. Mẹ cô luôn khuyến khích cô và các em mình học hành, vượt qua những khó khăn vật chất để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Ước mơ trở thành giáo viên của cô nảy sinh từ khi còn nhỏ, khi cô chứng kiến hình ảnh người cô giáo của mình – cô Sâm, dù nhỏ bé, đã không ngại gian khó, đi bộ nhiều cây số trong mưa bão để dạy dỗ trẻ em ở vùng núi. Chính hình ảnh ấy đã thắp lên trong cô niềm khao khát trở thành giáo viên, mang con chữ tới những bản làng xa xôi, miền núi, nơi mà việc học hành của trẻ em gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, khi cô bày tỏ ước mơ của mình, gia đình không khỏi lo lắng. Mẹ cô bảo: “Con phải cố gắng học hành, đi ra cho biết đó đây, thoát khỏi vùng đất nghèo nàn nắng gió này”. Nhưng cuối cùng, cô vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Sau khi học xong cấp ba, cô quyết định thi vào Trường Đại học Vinh để học sư phạm, mặc dù các thầy cô trong trường đều khuyên cô nên chọn ngành y dược vì năng lực học tập của cô đủ sức theo đuổi ngành này. Dù vậy, tình yêu nghề đã dẫn lối cô, và cô chọn sư phạm với niềm tin mãnh liệt vào ước mơ mang con chữ đến cho những học trò nghèo khó.
Sau khi ra trường, cô Trần Thị Ngân bắt đầu hành trình gian nan của mình khi đi xin việc tại các câu lạc bộ dạy học miền núi, các khu vực khó khăn, hải đảo. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe không đủ để công tác ở những nơi quá xa xôi, cùng với sự hạn chế về nguồn kinh phí của các câu lạc bộ, giấc mơ ấy tạm thời dang dở.
Không nản lòng, cô chuyển vào Nha Trang, tìm kiếm cơ hội mới. Cô may mắn được giảng dạy tại Trường PT Hermann Gmeiner Nha Trang, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi cô có thể thực hiện ước mơ dạy học cho những trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trường là nơi chăm sóc và nuôi dưỡng những em nhỏ không nơi nương tựa, bị bỏ rơi hoặc có gia cảnh đặc biệt. Tại đây, cô đã gặp gỡ và hiểu thêm về cuộc sống của những em học sinh, mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều có những ước mơ và hy vọng.
Trong suốt 6 năm giảng dạy, cô đã có cơ hội đồng hành cùng nhiều học trò đặc biệt. Dương, một học sinh của cô, là một cô bé mồ côi mẹ, sống cùng với gia đình nuôi ở Làng SOS. Dù không có điều kiện học thêm như các bạn đồng trang lứa, nhưng em vẫn kiên trì học hành nhờ sự hỗ trợ tận tình của cô. Cô nhớ những buổi chiều cuối tuần, sau giờ dạy ở trường, cô lại đến Làng SOS để dạy kèm em. Sự nỗ lực của Dương đã giúp cô tin tưởng vào nghề giáo và giúp cô nhận ra rằng, giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình giúp học sinh vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ Dương, cô còn có những học trò khác như Kiều – một em học sinh người dân tộc Rắc-lây, chịu ảnh hưởng tâm lý từ gia đình và hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy, Kiều đã mạnh mẽ hơn, nhờ sự giúp đỡ của cô, em đã tìm thấy sự tự tin trong cuộc sống. Có những lúc Kiều muốn bỏ học, nhưng cô đã luôn bên cạnh, động viên em tiếp tục học và hướng dẫn em tìm kiếm một con đường nghề nghiệp phù hợp. Đến nay, Kiều đã trở thành một người tự lập, có thể chăm lo cho bản thân và gia đình.
Sau 6 năm giảng dạy tại trường Hermann Gmeiner, cô Trần Thị Ngân không chỉ tạo được những mối quan hệ thân thiết với học trò mà còn có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy. Cô áp dụng phương pháp học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em hiểu rằng dù xuất phát điểm của mình không giống những đứa trẻ khác, nhưng nếu có nghị lực và quyết tâm, các em cũng có thể vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ.
Cô chia sẻ, mỗi thành công của học sinh là một thành công của chính mình. Những học trò như Dương, Kiều, hay Minh Anh – dù là những trẻ mồ côi hay có hoàn cảnh đặc biệt – đều là nguồn động lực lớn lao cho cô. Cô luôn nhắc nhở mình rằng, giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn là nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ cho học trò. Chính những câu chuyện của các em đã giúp cô nhận ra rằng, công việc giáo viên không phải là một công việc dễ dàng, nhưng nó luôn mang lại những giá trị vô giá, giúp thay đổi số phận của biết bao thế hệ học sinh.
Đặc biệt, cô Ngân vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội. |