Sinh ra và lớn lên tại xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, ngay từ nhỏ, Thầy Hờ A Thành đã chứng kiến cảnh bà con phải từ bỏ ước mơ học hành để lên nương làm rẫy, cuộc sống mưu sinh gắn liền với cái đói, cái nghèo. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, anh được đến trường và hoàn thành con đường học vấn, sau đó trở thành một cán bộ Biên phòng. Nhưng không dừng lại ở đó, trái tim thầy luôn ấp ủ ước mơ trở thành một người Thầy giáo Biên phòng để mang tri thức trở về với bản làng, giúp bà con nơi đây có cơ hội học đọc, học viết, biết tính toán để tự tin xây dựng cuộc sống mới.
Để có được những lớp học xóa mù chữ duy trì đều đặn như ngày hôm nay, thầy Hờ A Thành đã phải đối mặt với vô vàn thử thách, đặc biệt là trong những ngày đầu bắt tay vào công việc. Thầy không chỉ là một người dạy chữ, mà còn là một người bạn, một người truyền động lực cho bà con. Hầu hết các học viên đều không thể đến lớp ban ngày vì phải mưu sinh, làm nương làm rẫy, vậy nên các buổi học của thầy phải tổ chức vào buổi tối, khi mọi người đã xong công việc. Trong màn đêm tĩnh lặng của núi rừng, lớp học của thầy sáng lên ánh đèn, vang lên tiếng đọc ê a của các học viên, tiếng bút viết lên giấy, từng nét chữ nguệch ngoạc nhưng đong đầy quyết tâm.
Không chỉ đối mặt với lịch học bất thường, mà đối tượng học viên của thầy cũng rất đặc biệt: họ là những người dân với độ tuổi khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, và vì thế, thầy phải tìm ra những cách dạy sáng tạo để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu. Để giúp bà con học tính toán, thầy không ngại mang những vật dụng quen thuộc như quả bí, gạo, hoặc cân đong đến lớp để giải thích, giúp bà con học từ những điều gần gũi với cuộc sống thường ngày. Còn khi dạy đọc viết tiếng Việt, thầy sử dụng những hình ảnh, đồ vật quen thuộc trong đời sống bản làng để học viên dễ hình dung và ghi nhớ.
Trong quá trình giảng dạy, thầy Hờ A Thành không ít lần phải cầm tay từng học viên, tập từng nét chữ, sửa từng phép tính. Với thầy, mỗi bước tiến của học viên là một động lực lớn lao. Đêm khuya lắm rồi, nhưng đôi khi thầy vẫn phải đi từng nhà, gặp từng người để động viên, thuyết phục bà con hiểu được tầm quan trọng của việc biết chữ, biết tính toán. Đó là một quá trình đầy gian nan, nhưng thầy chưa bao giờ bỏ cuộc. Lớp học cứ thế dần được duy trì, và những học viên ban đầu có thể ngại ngùng nhưng rồi cũng tự tin đọc viết, tự tin với những phép tính đơn giản mà trước đây họ chưa từng nghĩ mình sẽ học được.
“Trong quá trình giải dạy: Tôi phải cầm tay từng học viên để tập viết; sử dụng đến dụng cụ trực quan như: Cân, quả bí, gạo đến để học viên diễ hiểu, dễ tiếp thu và gần gũi với cuộc sống hàng ngày từ đó áp dụng vào cuộc sống hàng ngày; về tiếng việt ban thân sử dụng những con vật, dụng cụ thiết yếu trong cuộc sống hàng gày để dạy cho học viên”, thầy Thành chia sẻ.
Nhờ sự cố gắng và nỗ lực của thầy, đến nay, đa số các học viên của thầy Hờ A Thành đã có thể đọc thông viết thạo, biết thực hiện các phép tính cơ bản. Họ không chỉ có kiến thức mà còn có sự tự tin để thay đổi cuộc sống, giúp đỡ gia đình và phát triển kinh tế. Những thay đổi nhỏ nhoi ấy đã tạo nên một chuyển biến lớn lao trong bản làng. Giờ đây, bà con đã không còn mù chữ, con trẻ cũng được khuyến khích đi học nhiều hơn, và bản làng đã bắt đầu có sự đổi mới tích cực.
Dịp này, thầy Hờ A Thành vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội.
CTG