Chia sẻ cùng thầy cô 2024: Thương lắm các vầng trăng khuyết

CTG - "Thương lắm các vầng trăng khuyết" – câu nói của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc đã thể hiện một cách sâu sắc lòng yêu thương và sự hy sinh cao cả trong nghề giáo.

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc – người đã gắn bó gần 10 năm với công tác giảng dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa. Cô không chỉ là người giáo viên tận tâm mà còn là biểu tượng của nghị lực phi thường và lòng yêu thương vô bờ bến.

Kể từ khi bắt đầu công tác tại Trung tâm, cô Trúc đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Công việc giảng dạy trẻ khuyết tật không đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo và đặc biệt là lòng kiên trì không mệt mỏi. Là một giáo viên tại phòng dạy thực hành, cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải dạy cho các em kỹ năng sống, giúp các em hòa nhập với xã hội, phát triển bản thân và tự lập trong cuộc sống.

Công tác giảng dạy tại Trung tâm không chỉ đụng phải những khó khăn về cơ sở vật chất hạn chế, mà còn về tâm lý học sinh, những em học sinh khuyết tật trí tuệ thường có đặc điểm chung là “khó nhớ, mau quên”. Một kiến thức đơn giản cũng có thể cần vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tháng để các em có thể tiếp thu. Hơn thế nữa, các em thường gặp phải những hành vi gây hấn hoặc phản ứng xâm hại bản thân và người khác. Chính vì vậy, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc đã phải nỗ lực không ngừng để tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp, vừa đảm bảo sự tiến bộ của các em, vừa giúp các em giữ được sự tự tin và niềm vui trong học tập.

Mỗi ngày trôi qua, cô đều phải đối mặt với những khó khăn và thử thách không thể lường trước. Có những lúc cô cảm thấy bất lực khi không thể điều chỉnh hành vi của học trò. Nhưng với tình yêu thương vô điều kiện, cô luôn tìm cách động viên mình và khơi dậy nghị lực để tiếp tục công việc của mình. Cảm giác “bỡ ngỡ” khi mới nhận lớp những ngày đầu, cảm giác lo lắng khi học trò xuất hiện cơn động kinh trong giờ ra chơi… tất cả những điều đó vẫn không làm cô Trúc nản lòng. Chính những khoảnh khắc như vậy đã giúp cô nhận ra rằng con đường đi của một người giáo viên dạy trẻ khuyết tật không bao giờ dễ dàng, nhưng chính những khó khăn đó lại tạo nên giá trị và ý nghĩa lớn lao trong công việc của mình.

Mười năm là một chặng đường dài đối với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc. Nhìn lại hành trình ấy, cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành cùng các em trên con đường trưởng thành. Cô chia sẻ: "Mỗi ngày trôi qua là một ngày tôi học được những bài học quý giá từ các con. Các em dạy cho tôi biết yêu thương, kiên nhẫn và luôn giữ niềm tin vào cuộc sống." Đặc biệt, câu chuyện về H – học trò đầu tiên của cô, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cô giáo Trúc.

H là một học sinh khuyết tật trí tuệ, mắc hội chứng Treacher Collins, với gương mặt bị dị tật do các phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. Dù sức khỏe thể chất hạn chế, nhưng H lại là một đứa trẻ ngoan, ham học hỏi, và có nghị lực phi thường. Chứng kiến sự vươn lên của H, cô Trúc càng thêm tin tưởng vào công việc của mình và cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của nghề giáo viên dạy trẻ khuyết tật. H là minh chứng sống động cho câu nói: “Giáo dục là con đường mở ra cánh cửa tương lai cho tất cả mọi trẻ em, bất kể chúng có khuyết tật hay không.”

Ngoài niềm vui từ những tiến bộ của học sinh, cô Trúc còn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy các học trò của mình có thể tự lập, có thể hòa nhập vào xã hội và tìm được công việc để tự nuôi sống bản thân sau khi ra trường. Chính vì vậy, với cô, mỗi tiến bộ dù nhỏ bé cũng đều là niềm động viên lớn lao, giúp cô tiếp tục cống hiến hết mình cho công việc.

Dù chỉ là một hạt nước nhỏ trong đại dương bao la của nền giáo dục Việt Nam, nhưng cô Trúc tin rằng nếu mỗi hạt nước ấy cùng chung tay, sẽ tạo thành những con sóng mạnh mẽ, mang đến sự thay đổi tích cực cho xã hội, đặc biệt là trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật. Mỗi thành công của các em học sinh là niềm động viên lớn lao đối với cô giáo, và đối với cô, thành công của một học sinh chính là thành công của cả một cộng đồng giáo viên, đồng nghiệp và các tổ chức xã hội.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc là một trong những tấm gương sáng trong sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật. Với lòng kiên trì, sự nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ bến dành cho học trò, cô đã và đang cống hiến hết mình để giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù con đường phía trước vẫn còn rất nhiều thử thách, nhưng với những gì cô đã đạt được trong suốt 10 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng cô sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng, là người dẫn dắt cho những thế hệ học trò tiếp theo vươn lên và khẳng định giá trị bản thân.