'Chia sẻ cùng thầy cô': Chương trình tác động đến việc hoạch định chính sách đối với nhà giáo

(CTG) Trao đổi về chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", ông Phạm Tuấn Anh (ảnh), Phó cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), cho rằng chương trình đã tôn vinh những cống hiến, đóng góp to lớn của các thầy cô giáo.

Cổ vũ, động viên thầy cô giáo

Thưa ông, đến nay chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã có hành trình 10 năm đồng hành cùng ngành giáo dục để hỗ trợ và lan tỏa tấm gương thầy cô giáo. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình?

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục là động lực để phát huy nhân tố con người, phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và của xã hội, giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Có được những thành tựu đó là nhờ một phần không nhỏ công sức, sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, không ngại khó khăn gian khổ của tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc - những người đã hết lòng, tận tụy với nghề nghiệp và là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy với học sinh.

'Chia sẻ cùng thầy cô': Chương trình tác động đến việc hoạch định chính sách đối với nhà giáo- Ảnh 1.
 

ẢNH: NVCC

Nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Tập đoàn Thiên Long triển khai Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Sau 10 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 576 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc, với đa dạng các đối tượng. Đây thực sự là một chương trình rất có ý nghĩa.

Bộ GD-ĐT luôn đánh giá cao sáng kiến của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Tập đoàn Thiên Long đã phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình để kịp thời chia sẻ những khó khăn, vất vả, nhằm khuyến khích, cổ vũ, động viên và tôn vinh những cống hiến, đóng góp to lớn của các thầy giáo, cô giáo đối với ngành giáo dục.

Kể từ khi chương trình được triển khai đến nay, theo ông, chương trình đã có những đóng góp như thế nào về việc thay đổi chính sách đối với nhà giáo?

Các thầy giáo, cô giáo được lựa chọn tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" là những người có tư cách đạo đức, lối sống tốt, mặc dù đâu đó, cuộc sống của thầy cô vẫn còn vất vả, gian lao. Các thầy, các cô có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh ở địa phương, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng yêu mến. Những tấm gương điển hình của các thầy giáo, cô giáo được thể hiện trong chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ thông qua những câu chuyện đẹp về thầy giáo, cô giáo - người lái đò thầm lặng, đến toàn xã hội.

Trong những năm qua, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" cũng đóng góp một tiếng nói không nhỏ, tác động đến việc thay đổi trong tư duy và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách đối với nhà giáo. Đó là sự nhận thức đúng đắn hơn vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người; là sự tôn vinh các nhà giáo đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.

Những chính sách đặc thù đối với nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn như: lương, phụ cấp theo lương (phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp lần đầu khi nhận công tác, phụ cấp công tác lâu năm và các loại phụ cấp đặc thù khác…) là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của ngành đối với sự cống hiến của các thầy giáo, cô giáo.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29.11.2023), Bộ GD-ĐT đang triển khai rà soát, nghiên cứu các quy định về chế độ chính sách tiền lương, chế độ làm việc, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, trong đó có đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt - làm tiền đề cho việc nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

'Chia sẻ cùng thầy cô': Chương trình tác động đến việc hoạch định chính sách đối với nhà giáo- Ảnh 2.

Cô Lê Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường Lê Văn Tám, xã Đăk Pơ Pho, H.Kông Chro, Gia Lai, là một trong 60 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2024”

ẢNH: T.L

Mỗi chương trình đều để lại dấu ấn tốt đẹp

Ông đánh giá như thế nào về những chủ đề chương trình đã lựa chọn trong 10 năm qua?

Mỗi năm, chủ đề của chương trình đều có những đối tượng riêng, điểm nhấn riêng, tuy nhiên, xuyên suốt chặng đường 10 năm, đối tượng mà chương trình đã tập trung hướng tới vinh danh là các thầy cô giáo và các cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục công tác ở những vùng miền, điều kiện làm việc vô cùng khó khăn; những tấm gương sáng về sự hy sinh, không ngại khó khăn gian khổ; hết lòng, tận tụy với nghề nghiệp; tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm đối với học sinh.

Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám bản, công tác ở các điểm trường lẻ thuộc các huyện nghèo, huyện đảo, xã đảo; thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số, đang dạy học ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thầy giáo, cô giáo có nhiều sáng kiến trong đổi mới việc dạy và học trong bối cảnh Covid-19; thầy giáo, cô giáo đang công tác ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt dạy các em học sinh khuyết tật; thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh, tham gia dạy học, xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi ở vùng biên giới, địa bàn đóng quân; thầy giáo, cô giáo ở các trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) thuộc Bộ Công an.

Tôi cho rằng mỗi chương trình đều để lại những dấu ấn tốt đẹp, lan tỏa mạnh mẽ về tình thầy trò, những giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội.

Thời gian tới chương trình có tiếp tục được tổ chức và ông có mong muốn như thế nào về chương trình?

Sau 10 năm triển khai chương trình với nhiều ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, tôi hy vọng rằng chương trình sẽ không khép lại tại đây, mà sẽ có những chương trình phối hợp công tác giữa ngành giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Tập đoàn Thiên Long trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục lan tỏa, tôn vinh những tấm gương sáng của ngành giáo dục.

Xin cảm ơn ông! 

Theo TN