Năm 2009 sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Giáo dục Tiểu học, cô Thuyết xin hợp đồng giảng dạy tại trường Tiểu Học và THCS Húc Nghì. Cô vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên đến với ngôi trường năm ấy.
Một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết vượt 90km đến nhận công tác và được phân công tại một điểm trường lẻ cách trường chính 7km. Hiện thực thì không màu hồng, cô gái ấy phải đối mặt với không nước sạch, không sóng điện thoại và người đồng bào dân tộc Pa Kô sống thưa thớt. Khó khăn chồng chất khi cô giáo trẻ còn chưa kịp thích ứng với cuộc sống mới thì cơn bão ập đến.
“Hợp đồng chưa tròn 1 tháng, lại hứng chịu trận lũ lịch sử cuốn trôi tất cả, không còn sót lại bất cứ thứ gì… mọi thứ như vỡ tan. Sau 1 tuần đói khát, đi bộ 1 ngày dài cuối cùng cũng về đến nhà trong nước mắt, và thầm nghĩ sẽ ko bao giờ quay lại trường. Nhưng rồi với tấm lòng yêu nghề của một người làm giáo viên, sau nửa tháng ở nhà vì trường đang trong thời gian tu sửa do lũ gây ra, lòng lại không yên, cứ suy nghĩ, trăn trở không biết học sinh, người dân bản sau trận lũ sẻ như thế nào? Thế là bản thân rời bỏ nơi ồn ào tấp nập để lại khăn gói quay trở lại với trường, lớp và thôn bản cùng với bạn bè đồng nghiệp bắt tay vào dọn dẹp để chào đón học sinh trở lại trường” - Những ngày đầu tiên ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của cô giáo Nguyễn Thị Thuyết nhưng đó cũng chính là lúc cô biết mình cần trao yêu thương để bù đắp phần nào sự thiếu thốn cho các em.
(Cô giáo Nguyễn Thị Thuyết “bám” bản trao yêu thương)
Tính đến nay đã hơn 13 năm cô “bám” bản, gắn bó với các em học sinh vùng núi xã Húc Nghì, huyện ĐaKrông. Nhiều khó khăn không diễn tả được bằng lời, nhưng cùng theo đó là những niềm vui, niềm hạnh phúc mà chỉ có giáo viên vùng bản mới cảm nhận được, đó là hình ảnh những đứa trẻ người, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm vẫn hồn nhiên, chăm chỉ băng rừng, lội suối đến lớp. Từ một bản làng cách biệt không ồn ào, lại rộn vang tiếng đọc bài ngân nga của các bạn nhỏ, đó cũng là động lực thôi thúc tôi cần phải cố gắng hơn nữa, vượt khó hơn nữa vì tương lai các em.
Có đôi khi hình ảnh những đứa trẻ lại khiến cô giáo Thuyết nhớ về đứa con của mình. “Cả thanh xuân, tuổi trẻ gắn bó với miền núi cao, chưa một lần bản thân được đưa con đi khai giảng hoặc đưa đón con đi học mỗi ngày như bao người khác, cũng không được hằng đêm ngồi bên bày con học bài… Nhưng chứng kiến những khó khăn mà những đứa trẻ bằng tuổi con mình nơi vùng cao đang gặp phải, tôi lại muốn cống hiến sức mình vì các em, tôi nghĩ: “Trao yêu thương sẽ nhận lại hạnh phúc” tôi xem các em như những đứa con của mình, có những bạn nhịn đói đến trường cô lấy đồ ăn, không có áo quần mặc cô đi xin, nhà ở xa cô đến chở, gia đình gặp khó khăn cô chia sẻ…chính vì vậy các em luôn yêu quý cô giáo, phụ huynh yêu mến, quý trọng. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người làm nghề giáo.”
(Cô giáo Nguyễn Thị Thuyết và những người đồng nghiệp của mình nuôi heo hạnh phúc để giúp đỡ các em học sinh)
Từ một bản làng cách biệt không ồn ào, giờ đây rộn ràng những tiếng hát, tiếng đọc bài ngân nga của các bạn nhỏ. Hình ảnh hạnh phúc ấy khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi hân hoan.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuyết là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
CTG