Chia sẻ cùng thầy cô: Tạo động lực để thầy cô sẵn sàng cống hiến

(CTG) Nhân kỷ niệm 10 năm triển khai chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", anh Nguyễn Kim Quy (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, đã chia sẻ với Thanh Niên về giá trị của chương trình.

Chương trình được đánh giá cao

Xin anh cho biết vì sao T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN đã có sáng kiến và cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô"?

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và luôn được toàn xã hội tôn vinh. Vì vậy, ngày Nhà giáo VN được tổ chức hằng năm vào 20.11 không chỉ là dịp để ngành giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện tấm lòng "tôn sư trọng đạo", mà còn là dịp để toàn xã hội tri ân những người đã và đang gắn bó với nghề dạy học. Tuy nhiên, trong những ngày này với giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa sẽ rất thiệt thòi vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Chia sẻ cùng thầy cô: Tạo động lực để thầy cô sẵn sàng cống hiến- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Kim Quy

ẢNH: ĐĂNG HẢI

 

Xuất phát từ suy nghĩ đó, bắt đầu từ năm 2015, vào dịp kỷ niệm 20.11, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long và các đơn vị triển khai chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đây cũng là chương trình nhằm triển khai phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" của Hội Liên hiệp thanh niên VN nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niên.

Trong thời gian qua, chương trình đã được triển khai như thế nào và có kết quả ra sao, thưa anh?

Sau 9 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 516 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc. Đó là các thầy cô giáo đang ngày đêm "bám bản" dạy học tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh; các thầy cô giáo dục đặc biệt dạy các học sinh khuyết tật; thầy cô là người dân tộc thiểu số đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Các thầy cô giáo tuyên dương đã được gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được tham gia các hoạt động tham quan, tọa đàm… Bên cạnh đó, mỗi thầy cô giáo tham gia chương trình được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, Kỷ niệm chương của Ủy ban Dân tộc, biểu trưng của chương trình và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng ban, bộ, ngành và dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt là từ nguyện vọng của các thầy cô, có nhiều chương trình, sáng kiến đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên VN thực hiện, mang lại hiệu quả rất thiết thực như: chương trình "Điều ước cho em", "Trường đẹp cho em", "Nhà bán trú cho em", "Tiếp sức đến trường"...

Chia sẻ cùng thầy cô: Tạo động lực để thầy cô sẵn sàng cống hiến- Ảnh 2.

Cô giáo Quãng Thị Thu Cúc (trái), Trường mầm non xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ (TP.HCM), là một trong 60 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2024”

ẢNH: T.L

Động lực để những thầy cô sẵn sàng cống hiến

Thưa anh, chương trình có sáng kiến là đến tận nơi giáo viên giảng dạy để gặp gỡ, tìm hiểu, chia sẻ khó khăn với thầy cô. Anh có thể đánh giá sâu hơn về hoạt động này?

Trong 10 năm qua, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều chuyến đi đến tận địa bàn các thầy cô giảng dạy để tìm hiểu khó khăn, sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo. Thông qua chương trình đã lan tỏa những tấm gương sáng trong nghề trồng người. Mỗi chuyến đi là mỗi tình cảm, sự ghi nhận và chia sẻ của ban tổ chức chương trình đối với sự đóng góp của thầy cô. Khi chúng ta đi, chúng ta mới thấu hiểu được những sự khó khăn, vất vả của thầy cô, thấu hiểu những tình cảm các thầy cô dành cho học trò, đặc biệt là tâm huyết của thầy cô dành cho sự nghiệp giáo dục.

Mỗi chuyến đi thì mới thấy được sự hy sinh của các thầy cô giáo là rất lớn, mà không đi thì chúng ta không hiểu được. Cũng từ những chuyến đi thực tế, chúng tôi phát hiện ra nhiều hoàn cảnh khó khăn và đã vận động nguồn lực xã hội giúp đỡ để thầy cô yên tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đó chính là mong muốn của ban tổ chức, đúng với tên gọi của chương trình là "Chia sẻ cùng thầy cô".

Xin anh cho biết những dấu ấn của mình với chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô"?

Năm đầu tiên triển khai chương trình, có 64 thầy cô giáo đầu tiên được tuyên dương là những người đã bám bản để dạy học. Đó là một chương trình thực sự ấn tượng và rất xúc động. Khi họ được tuyên dương, nhiều thầy cô đã xúc động rơi nước mắt vì chưa bao giờ họ được đặt chân tới thủ đô, thăm lăng Bác Hồ và tham gia những hoạt động ý nghĩa của chương trình. Đặc biệt, họ chưa bao giờ nghĩ rằng những công việc thầm lặng của mình đã được cả cộng đồng biết đến, chia sẻ. Đó là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn không chỉ với riêng thầy cô giáo mà với cả thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần xung kích, dấn thân của thanh niên. Cũng từ chương trình lần đầu tiên đó đã thôi thúc chúng tôi cùng với các đơn vị đồng hành quyết tâm phải thực hiện hằng năm và đến nay chương trình đã đến năm thứ 10.

Chương trình đã giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Các thầy cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người, và hơn nữa còn là những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống. Qua tấm gương của thầy cô giáo sẽ là một động lực để những người trẻ sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Anh NGUYỄN KIM QUY, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN

Tôi cũng ấn tượng với các cuộc gặp gỡ của thầy cô giáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay các bộ, ngành. Dù hoàn cảnh của họ rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ thầy cô đòi hỏi gì cho mình, mà chỉ mong muốn xã hội, ngành giáo dục quan tâm đến học trò, học sinh của mình để các em đỡ vất vả, các em được đến trường, được học tập.

Theo anh, chương trình đã mang lại ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ trẻ?

Tôi cho rằng ý nghĩa đầu tiên mà chương trình mang lại là giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Bên cạnh đó phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của thế hệ trẻ. Các thầy cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người, và hơn nữa còn là những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống. Qua tấm gương của thầy cô giáo sẽ là một động lực để những người trẻ sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Chúng tôi hy vọng chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy cô giáo, giúp thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước, tạo nên thế hệ tương lai, những người VN sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường!

Xin cảm ơn anh!

Theo TN