{Chia sẻ cùng thầy cô}: Tự hào về việc “trồng cây” cho đời

(CTG) Cô giáo với tấm bằng xuất sắc của lớp chất lượng cao với mong muốn có thể trở về quê hương để được cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người.

Ngay từ khi còn bé ước mơ được trở thành cô giáo đã trở thành mục đích phấn đấu của cô Nguyễn Thị Dung. “Càng phấn đấu càng tiếp xúc với nhiều thầy cô, được học sinh yêu quý thì bản thân cô càng thêm yêu quý cái nghề này hơn”, cô Dung bộc bạch.

Sau những năm tháng mệt nhoài phấn đấu cô đã đạt được ước mơ của mình vào tháng 6/2016 mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ cô Dung đã đăng ký dự thi viên chức và rồi niềm vui như vỡ òa khi cầm trên tay tấm giấy báo trúng tuyển.

Thời gian sau cô được cử lên công tác tại trường THPT Sơn Động 1. “Lần đầu tiên lên nhận công tác cảm xúc bỡ ngỡ giống như các bạn học sinh sắp vào lớp 1 được mẹ dắt vào trường, cô được bố đưa đi bằng con xe máy cũ, ngồi sau xe bố mà lòng bồi hồi có một mỗi buồn man mác từ từ len lỏi mà không thể diễn tả bằng lời”, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Vượt qua quãng thời gian đầu đó sau khi đã làm việc, tiếp xúc với mọi người nơi đây chẳng biết từ khi nào lại thấy yêu quý và gắn bó với con người, mảnh đất này nhiều thư thế, cảm giác nhớ gia đình cũng vơi đi.

Bản thân công tác xa nhà, chồng đi làm xa, con còn nhỏ lại vừa là chủ nhiệm vừa giảng dạy nên áp lực là không hề nhỏ. Với lòng tin “áp lực tạo nên kim cương” mà cô luôn không ngừng phấn đấu sắp xếp ổn thỏa việc gia đình và việc cơ quan. Cô quan niệm người thầy đóng vai trò quyết định vô cùng quan trọng đến chất lượng đào tạo của nền giáo dục. Cho nên trong các tiết học của mình, cô đã áp dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh có thể tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm, trải nghiệm, cảm thấy thích thú hơn với tiết học, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.

Cô Dung chia sẻ: “Vào năm đầu tiên đi dạy có một lần mình đang tổ chức dạy học thảo luận nhóm, có một học sinh đứng lên ý kiến. Cô ơi, cô đọc cho bọn em chép đi, em quen như thế rồi, giờ cô dạy như này em không quen. Lúc ấy mình có chút bất ngờ, chút hụt hẫng. Về nhà bắt đầu mình cũng đắn đo, cũng suy tư… nhưng suy nghĩ lại mình cũng hiểu các em ở đây khó khăn đủ đường, bình thường đi học về còn phải giúp bố mẹ đủ việc nào là làm nương, đi rẫy, thời gian học ở nhà không có nhiều, đi lên lớp đầy đủ, biết được cái chữ đã là tốt lắm rồi. Mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các phương pháp dạy học tích cực, làm sao để học sinh hứng thú với môn học hơn, làm sao để các em thấy nhẹ nhàng, không áp lực khi đi học, làm sao để các em thích tới trường đây?”

Từ những suy nghĩ đó trong khoảng thời gian 7 năm cô đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó có một số biện pháp, sáng kiến được công nhận ảnh hưởng cấp ngành như: Sử dụng trò chơi vào giảng dạy chương III - Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào – Sinh học 10 cho học sinh trường THPT Sơn Động số 1 – huyện Sơn Động – Tỉnh Bắc Giang. Sử dụng Liveworksheets vào dạy học chương I – Cơ chế di truyền và biến dị - Sinh học 12 nhằm nâng cao sự hứng thú và chủ động của học sinh trong học tập, …  Trong năm vừa rồi cô còn mạnh dạn đưa công nghệ số vào trong tiết dạy của mình, đánh giá khả năng học tập của các em từ đó để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Ngoài những giờ học căng thẳng, cô còn tổ chức cho các em một số hoạt động để các em có thể vui chơi, học tập những kỹ năng sống cần cần thiết như: Tổ chức làm thiệp chúc mừng 20/10 gửi tới các bà, các mẹ, các chị,….Thi làm đồ Handmade giữa các tổ từ đồ tái chế nhằm góp phần bảo vệ môi trường; trang trí mâm quả - phá cỗ Tết Trung Thu giúp các em hiểu được ý nghĩa của Tết Đoàn Viên; Hoạt động thấu hiểu cha mẹ - kết nối yêu thương; Đặc biệt cô còn tổ chức cuộc thi “giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên”, cuộc thi tìm hiểu về “tình bạn – tình yêu tuổi học trò”; diễn và đóng phim, làm video chúc mừng năm mới…..

Ngoài ra, giai đoạn cuối cấp lớp 12, cô Dung có tổ chức những buổi chia sẻ: Thấu hiểu bản thân – hướng nghiệp để giúp các em học sinh có những bước đi đúng đắn trong tương lai. Hàng tuần thì mình vẫn cho học sinh tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, tổ chức các trò chơi để bản thân học sinh không cảm thấy sợ.

Từ những cống hiến của bản thân mà cô đã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sơn Động tặng Giấy khen trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen do đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022 - 2023.

Đặc biệt, với những thành tích của mình cô Nguyễn Thị Dung sẽ là một trong 58 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

 Ngọc Ánh