Chính quyền giữ vai trò chủ động

(CTG) Xả rác, phá rào chắn an toàn tại khu vực cầu Cần Thơ, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nói chung, huỷ hoại tài sản công và cảnh quan ở nơi công cộng là chuyện cứ phải nói nhưng rồi nó cứ diễn ra như một thách thức ngang bướng, lì lợm đối với những ai ấp ủ hoài bão về một xã hội trật tự, văn minh.

Ý thức cộng đồng kém cỏi của “một bộ phận” không nhỏ người dân được chỉ ra là một trong những nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng đáng xấu hổ này. Mà đúng là ý thức của nhiều người kém thật. Cứ xem người đàn ông ăn mặc tề chỉnh dừng xe máy giữa cầu, ăn bắp luộc, ngắm cảnh rồi ném cùi bắp xuống sông một cách thản nhiên và vô tư, trong một phóng sự được phát đi phát lại trên tivi, thì hiểu: người ta đã quen, từ lâu lắm, với việc coi nơi chốn công cộng là thùng rác.

Có nhiều cách để xây dựng ý thức ứng xử xã hội tích cực, áp dụng tuỳ trường hợp. Đặc biệt, một khi đòi hỏi của luật pháp là hợp lý mà công dân không chịu hợp tác, thì chế tài mạnh và đích đáng là cách tốt nhất để công dân có được ý thức tôn trọng pháp luật.

Không thể nói rằng những người xả rác hay gỡ rào chắn không biết hành vi của mình bị luật pháp nghiêm cấm. Đúng hơn, họ biết nhưng không sợ. Bao nhiêu năm vứt rác bừa bãi, họ đâu đã có lần nào bị phạt. Một khi luật không hữu hiệu, thì, trong điều kiện không có chuẩn mực chung để tuân theo, con người ta hành động dưới sự điều khiển của bản năng: thấy tiện thì làm, thấy chướng ngại trên đường đi thì gỡ bỏ,….

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên học và tìm cách vận dụng bài học của Singapore. Ở đó, người ta chế tài vừa nặng, vừa nghiêm minh: xả một cọng rác nhỏ ở nơi công cộng mà bị bắt, thì có thể mất trắng cả tháng lương vì phải trả tiền phạt.

Phạt nặng thì dễ: chỉ cần sửa luật; nhưng muốn làm được như Singapore, thì nhà chức trách phải tỏ ra nhanh nhạy, quán xuyến và hữu hiệu trong việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật: ở một góc nào đó của không gian chung và vào một thời điểm nào đó bất kỳ mà có ai làm bậy, thì bộ máy trấn áp sẽ được thông báo kịp thời và ngay lập tức sẽ chuyển động để can thiệp theo đúng quy định của pháp luật về xử lý các vụ phạm pháp quả tang.

Một khi luật không hữu hiệu, thì, trong điều kiện không có chuẩn mực chung để tuân theo, con người ta hành động dưới sự điều khiển của bản năng: thấy tiện thì làm

Ở nước mình, người nắm công lực dường như vẫn chưa cho thấy thái độ kiên quyết và nghiêm khắc được duy trì một cách nhất quán, thường xuyên và bền bỉ trong việc tổ chức thực thi pháp luật. Có nơi, có lúc, các chiến dịch được phát động rình rang với sự ra quân rầm rộ của các lực lượng trấn áp; xã hội tạm thời thích nghi bằng cách thu vén sinh hoạt trong khuôn khổ và không gian chung trở nên có trật tự, ngăn nắp. Nhưng, ngay sau khi chiến dịch kết thúc và công lực lui trở về cơ quan, thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Mặt khác, việc quản lý xã hội được phân cấp theo kiểu gì đó mà cuối cùng, phổ biến tình trạng việc của cấp nào, thì cấp ấy lo và cấp khác không được chen vào. Ở góc độ trách nhiệm, kiểu phân cấp ấy có thể tạo điều kiện cho sự phổ biến thái độ lẩn tránh, đùn đẩy mỗi khi một vấn đề hơi gai góc được đặt ra.

Chẳng hạn, trong các vụ phá dỡ rào chắn bảo vệ đường dẫn cầu Cần Thơ, có thể có những phần tử xấu, cố ý phá phách; nhưng cũng có thể có những người bức xúc vì thấy Nhà nước cứ lạnh lùng phóng đường mà không quan tâm đến nhu cầu đi lại phục vụ sinh hoạt, làm ăn của mình, nên đã manh động. Ai phải đứng ra lập lại trật tự đồng thời giải toả bức xúc của người dân trong tư thế của người được chính thức giao thẩm quyền? Một cách hợp lý, trong điều kiện công trình công cộng nằm tại địa phương, thì, dù đó có là công trình do quốc gia đầu tư, chính quyền địa phương phải là người giữ vai trò chính trong việc quản lý, coi đó như một phần công tác bảo đảm trật tự xã hội trên phạm vi địa phương thuộc trách nhiệm cai quản của mình.

Theo SGTT