Cho vay qua app bủa vây giới trẻ - Bài cuối: Đừng im lặng!

(CTG) Các chuyên gia cho rằng, khi bị khủng bố tinh thần bởi tín dụng đen, sinh viên cần bình tĩnh thu thập bằng chứng để tố cáo đến cơ quan công an. Đồng thời, nên mạnh dạn trao đổi với người thân, thầy cô giáo để được hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần.

Bình tĩnh thu thập bằng chứng

Dưới góc độ pháp lý, TS. Nguyễn Thị Phượng (Trưởng khoa Chính trị và Luật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), đánh giá các app cho vay tiêu dùng không yêu cầu tài sản bảo đảm nhưng lại áp mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần mà pháp luật cho phép. Cụ thể, cho vay với lãi suất vượt quá 20%/năm có thể bị coi là bất hợp pháp; lãi suất vượt quá 100%/năm (gấp 5 lần mức tối đa), có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc sẽ cao hơn nếu hoạt động có tổ chức và số tiền thu lợi bất chính lớn. Hành vi khủng bố tinh thần người khác như gọi điện, nhắn tin đe dọa, bôi nhọ danh dự, sử dụng thông tin cá nhân trái phép của các tổ chức tín dụng đen có thể bị xử lý theo cả luật dân sự, hình sự hay hành chính.

Cho vay qua app bủa vây giới trẻ - Bài cuối: Đừng im lặng! ảnh 1

Đoàn thanh niên Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong đợt ra quân xóa gỡ bảng quảng cáo tín dụng đen trái quy định. Ảnh: Nhà trường cung cấp

TS. Phượng khuyến cáo sinh viên khi bị khủng bố tinh thần, không nên để nỗi sợ chi phối, vì càng hoảng loạn, các em càng dễ rơi vào bẫy. “Khủng bố tinh thần là chiêu trò phổ biến của tín dụng đen nhằm gây áp lực để người vay hoảng sợ và trả tiền. Do vậy, các em không nên trả lời điện thoại, nhắn tin tranh cãi hay thương lượng trực tiếp với bên đòi nợ mà cần thu thập bằng chứng để bảo vệ mình”, TS. Phượng khuyên.

 

Không giải quyết một mình

TS. Nguyễn Thị Phượng nhận định, việc rơi vào bẫy vay nặng lãi có thể khiến sinh viên rơi vào khủng hoảng tâm lý. Áp lực nợ nần, đe dọa từ các đối tượng cho vay dễ dẫn đến trạng thái hoảng loạn, lo âu, thậm chí lựa chọn hành vi tiêu cực như sử dụng chất kích thích hoặc tự cô lập bản thân. “Trong tình huống này, điều quan trọng là các em không nên im lặng. Hãy xem đây là một bài học kinh nghiệm, không phải thất bại. Nên tìm đến người thân hoặc nhà trường để được hỗ trợ về tinh thần, tài chính và pháp lý”, TS. Phượng nhấn mạnh.

Theo TS. Phượng, việc sớm chia sẻ giúp sinh viên được bảo vệ trước các hình thức quấy rối, đe dọa hoặc lan truyền thông tin cá nhân. Ngoài ra, nhà trường có thể kết nối sinh viên với các đơn vị chức năng để can thiệp kịp thời và hỗ trợ tư vấn tâm lý giúp các em sớm ổn định tinh thần.

Bên cạnh đó, sinh viên lưu giữ ghi âm cuộc gọi, tin nhắn, bài đăng bôi nhọ trên mạng xã hội, số điện thoại liên lạc của bên đòi nợ rồi mang toàn bộ chứng cứ đến công an địa phương nơi học tập hoặc sinh sống để tố cáo. “Nếu ứng dụng không có giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước và lãi suất vượt quá 20%/năm thì khoản vay có thể bị coi là bất hợp pháp nên các em có quyền từ chối trả phần lãi suất vượt mức”, TS. Phượng thông tin.

Cẩn trọng khi vay ngắn hạn

Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, TS. Nguyễn Minh Nhật (Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM), khuyến cáo sinh viên cần thận trọng trước khi sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiêu dùng qua các ứng dụng.

Ông lưu ý, trước khi vay tiền, sinh viên cần kiểm tra mức độ minh bạch, uy tín và khả năng bảo mật thông tin cá nhân của nền tảng. Chỉ nên vay tín dụng khi thật sự cần thiết và có kế hoạch tài chính rõ ràng để hoàn trả. “Việc lạm dụng các khoản vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí có thể khiến sinh viên rơi vào tình trạng nợ nần, mất kiểm soát tài chính. Không ít sinh viên hiện nay chi tiêu theo trào lưu, đổ tiền vào các món đồ “hot trend” mà không cân nhắc đến khả năng chi trả. Khi tài chính cạn kiệt, các em dễ sa vào các hình thức vay rủi ro, dẫn đến hậu quả lâu dài”, ông Nhật nhìn nhận.

Để kiểm soát chi tiêu, ông Nhật khuyên sinh viên nên lập kế hoạch tài chính cá nhân, phân bổ cụ thể cho học phí, ăn uống, đi lại và giới hạn khoản chi cho nhu cầu phụ. Quan trọng hơn, cần học cách phân biệt giữa “nhu cầu thực sự” và “mong muốn nhất thời”, tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) trên mạng xã hội. Cùng với đó, ông Nhật khuyến khích sinh viên hình thành thói quen tiết kiệm, dù chỉ là một khoản nhỏ từ tiền làm thêm hoặc hỗ trợ gia đình. Kỹ năng quản lý chi tiêu sẽ là nền tảng giúp sinh viên tự chủ tài chính và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống sau khi ra trường.

Ths. Nguyễn Minh Ngọc (Bí thư Đoàn Trường ĐH Công Thương TPHCM), cho biết trường từng có một số sinh viên tìm đến tín dụng đen, song nguyên nhân không xuất phát từ việc nợ học phí hay học lại. Phần lớn rơi vào các tình huống bị lừa đảo đa cấp, đầu tư không minh bạch,… Do tâm lý sợ hãi, ngại chia sẻ với gia đình, các em chọn cách tự xoay xở bằng cách vay nóng, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Theo Ths. Ngọc, các trường đại học hiện nay đều có chính sách cấp học bổng vượt khó, trợ cấp cho sinh viên mồ côi, thuộc diện hộ nghèo - cận nghèo, miễn giảm học phí cho các trường hợp đặc biệt. Do đó, khi gặp khó khăn tài chính, sinh viên nên chủ động liên hệ Đoàn khoa, Đoàn trường hoặc phòng Công tác sinh viên để được hỗ trợ.

“Sinh viên cần cảnh giác trước những lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” hoặc “lợi nhuận nhanh chóng”. Ngoài ra, các em nên tham gia các hoạt động của Đoàn - Hội để rèn luyện kỹ năng, tìm hiểu thêm các quy định pháp luật, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng để không rơi vào bẫy tín dụng đen”, anh Ngọc nói thêm.

Cảnh giác “việc nhẹ lương cao”

Theo anh Lê Nguyễn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, hiện nay không ít sinh viên vì khó khăn tài chính đã rơi vào bẫy tín dụng đen qua các ứng dụng cho vay trực tuyến. Để tránh những rủi ro này, anh Nam khuyên sinh viên cần trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, biết cách cân đối chi tiêu phù hợp với khả năng chu cấp của gia đình và thu nhập từ công việc làm thêm. Ngoài ra, sinh viên có thể tận dụng năng lực cá nhân để tìm kiếm các học bổng, giải thưởng thông qua cuộc thi học thuật, chương trình kỹ năng do trường, tổ chức Đoàn - Hội triển khai.

Anh Nam đặc biệt lưu ý, sinh viên nên cảnh giác với các công việc được quảng cáo là “việc nhẹ lương cao”, tránh xa các mô hình bán hàng đa cấp trá hình hoặc các ứng dụng vay tiền nhanh. Thay vào đó, nếu cần vay vốn, nên tìm đến các ngân hàng uy tín hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội - nơi có chính sách hỗ trợ vay dành riêng cho sinh viên với lãi suất thấp, đảm bảo an toàn và minh bạch. “Hiện Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều học bổng và khóa học thiết thực, hỗ trợ sinh viên vượt khó. Trung tâm hiện tổ chức các chuyên đề cảnh báo lừa đảo việc làm và phối hợp tổ chức ngày hội việc làm tại các trường, giúp sinh viên tiếp cận thông tin tuyển dụng uy tín”, anh Nam cho hay.

Theo TP