Chung sức bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy

(CTG) Trong cuộc hội thảo khoa học “Nghìn năm môi trường Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội” vừa được tổ chức tại Ninh Bình, vấn đề ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy lại được xới lên. Đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về lĩnh vực môi trường bàn cách “cứu” các dòng sông này.


Những dòng sông “chết”

Vùng đất Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội ngày nay có hàng loạt dòng sông đã “chết” như sông Bùi, sông Con, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Hoàng Long… chủ yếu vì đầu nguồn bị cắt do quai đê từ lâu. Đây là một dạng tác động tiêu cực do quai đê mà ngày trước chưa thể lường tính được. Trước đây, dân cư vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa đông. Đất rộng, người thưa với hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo ra thói quen xả thải tự do xuống các thủy vực tự nhiên. Với chiều dày cả ngàn năm lịch sử của hệ thống hàng nghìn làng nghề truyền thống ở Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình, hệ thống các thủy vực tự nhiên ngày càng bị ô nhiễm nặng.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích tự nhiên 7.665km2, chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, môi trường, chất lượng nước lưu vực hai con sông này đang ngày càng suy thoái do chịu sự tác động mạnh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong lưu vực. Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, hiện trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có hơn 4.000 doanh nghiệp nằm trong 8 khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN-CCN), 266 cơ sở ngoài KCN-CCN, hơn 450 làng nghề. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này đang phát sinh nhiều chất thải. Ước tính lượng nước thải sinh hoạt được đưa vào môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy khoảng 15.000 tấn/ngày. Trong khi đó, nước thải sinh hoạt (chiếm 56% tổng lượng nước thải) của hơn 10 triệu cư dân không được xử lý đều đổ thẳng vào các sông hồ trong lưu vực. Đây là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng ô nhiễm.

Cứu sông Nhuệ - Đáy,cách nào?

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho hay, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu của “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020″ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2009 là phải điều tra bổ sung, đánh giá đầy đủ hiện trạng và làm rõ các nguyên nhân, các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó, chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đổ rác thải, phế liệu bừa bãi, lấn chiếm dòng sông nhằm ổn định dòng chảy phù hợp với quy luật tự nhiên và hệ thống công trình thủy lợi dọc hai bờ sông. Cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, thân thiện với môi trường, các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến vào hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực hai dòng sông này.      

Ông Nguyễn Hoài Đức (Tổng cục Môi trường) quan ngại về năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại các tỉnh, thành phố trên các lưu vực sông còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về sự gia tăng ô nhiễm. Các địa phương chưa thống kê, kiểm soát được đầy đủ các nguồn thải thuộc địa bàn, vì vậy chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giám sát, quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa quyết liệt, triệt để. Công cuộc bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cộng đồng dân cư trong lưu vực hai con sông trong việc thực hiện Đề án.

Để môi trường 1000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội mãi tươi đẹp đòi hỏi nhiều nguồn lực, nhiều sáng kiến, nhiều hợp tác và rất nhiều cố gắng cũng như sự xả thân của cả cộng đồng. Tất cả đều cần chung tay góp phần bảo vệ bền vững thiên nhiên và môi trường vùng đất “địa linh nhân kiệt” Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội.


Theo Kinh tế&Đô thị