Cô Bá và thầy Kiệt là 2 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp lễ 20/11 năm nay.
33 năm với bảng đen, phấn trắng
Gần 33 năm gắn bó với nghề giáo, dù trải qua bao thăng trầm, cô Nguyễn Thị Bá (sinh năm 1969) - giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường THCS Lê Quốc Việt thuộc ấp Bờ Kinh (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn say sưa cùng bảng đen, phấn trắng dìu dắt nhiều thế hệ học trò trưởng thành.
Cô Nguyễn Thị Bá nặng lòng với học sinh. Ảnh: Tiền phong |
Ánh mắt tràn đầy niềm vui khi cô Bá trải lòng: “Từ khi bắt đầu bước chân vào nghề cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn bỏ cuộc, dù cho có rất nhiều khó khăn. Khi được đứng lớp, tiếp xúc các em học sinh và dạy cho bọn trẻ, tôi càng cảm thấy yêu quý và đam mê với nghề hơn. Tôi rất tự hào khi mình được làm giáo viên”
Ít ai biết rằng, để đến với nghề dạy học, cô Bá đã phải trải qua một hành trình đầy vất vả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà có 5 anh chị em, cô Bá là người con thứ hai. Người anh lớn của cô do sức khỏe không tốt, ba mẹ thường xuyên phải chở anh đến bệnh viện để chữa trị. Chuyện trong nhà một mình cô đứng ra quán xuyến. Vì điều kiện kinh tế, rất nhiều lần cha mẹ muốn cô Bá thôi học để phụ giúp gia đình, lo cho các em. Tuy nhiên, bằng tình yêu dành cho con chữ và tinh thần ham học, cô năn nỉ cha mẹ để được đến trường.
Tốt nghiệp lớp 12, cô thi đậu Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhưng do gia đình không đủ điều kiện nên cô không thể tiếp tục bước chân vào giảng đường đại học. Không vì thế mà chùn bước, cô Bá xin cha mẹ cho học ở Trường Cao đẳng Tiền Giang phần vì gần nhà, phần vì muốn tiết kiệm chi phí cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp, cô được trường cử đi học liên thông đại học để trở về giảng dạy cho trường nhưng cô lại quyết định xin về công tác tại địa phương. Cô Bá muốn giúp các em vùng quê có cơ hội tiếp xúc “chữ nghĩa nước ngoài” để không bị bỡ ngỡ, thua xa bạn bè ở những nơi có điều kiện học tập tốt hơn.
Cống hiến và tận tụy với nghề giáo, cô Bá là một trong những giáo viên thâm niên của Trường THCS Lê Quốc Việt. Dù thuộc thế hệ trước, lại đảm nhận dạy học môn tiếng Anh- một trong những môn học khó nhất là đối với các em vùng quê do việc tiếp cận không dễ dàng, thiết bị dạy học còn khá hạn chế, cô Bá luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi nhiều phương pháp dạy học mới lạ, tạo hứng thú cho các em học sinh.
“Cô không dạy thuần trong sách giáo khoa mà lồng ghép các trò chơi, hoạt động nhóm. Ngoài ra, cô cũng tạo cho lớp một không khí học rất thoải mái. Bạn nào không hiểu vấn đề gì, cô đều kiên nhẫn giảng lại phần đó”, em Nguyễn Thị Thúy Vy, học sinh lớp 8/1 trường THCS Lê Quốc Việt chia sẻ.
Ngoài công việc giảng dạy và quản lý tổ chuyên môn, cô Nguyễn Thị Bá còn đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Cô Võ Ngọc Đan Hà - Hiệu trưởng trường THCS Lê Quốc Việt, cho biết: “Cô Bá là một giáo viên có năng lực, cô không chỉ thể hiện tâm huyết, nhiệt tình của mình ở vai trò của một giáo viên đứng lớp mà còn cống hiến to lớn trong vai trò của một Chủ tịch Công đoàn”.
Cô Bá là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Trong hình là đoàn công tác của Trung ương Hội LHTN Việt Nam công tác đến giao lưu cùng cô Bá và Trường Tiểu học Lê Quốc Việt ngày 19/10 |
Bằng tình yêu và sự đam mê, cô Nguyễn Thị Bá luôn dốc hết lòng vì công việc và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Cô từng vinh dự được tặng Huân chương Lao động Hạng ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. “Niềm vui nhất của tôi là chính từ những nụ cười hồn nhiên, những đôi mắt tròn xinh long lanh của các học sinh thân yêu. Nhìn các em lớn khôn từng ngày, hiểu chuyện và thành đạt, không vui sao được! Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý quá đỗi của nghề dạy học”- cô Bá bộc bạch.
Thầy giáo Khmer dạy học sinh làm người
Cũng nặng lòng với con chữ, thầy giáo Lý Thường Kiệt (sinh năm 1986) đã có 12 năm “gõ đầu trẻ” ở trường THPT Hòa Tú thuộc ấp Hòa Phuông (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Thầy Kiệt có nước da ngăm đen, vóc dáng cao to, bước đi nhanh nhẹn và luôn cười khi nói đến công việc dạy học của mình. Đối với thầy, nghề giáo là nghề cao quý và là một nghề giúp đời. Thầy bộc bạch: “Được đứng trên bục giảng, trở thành một giáo viên là ước mơ từ thời tôi còn học THCS”.
Thầy giáo Lý Thường Kiệt ngoài giảng dạy còn là Bí thư Đoàn trường, luôn quan tâm học sinh. Ảnh: Tiền phong |
Xuất thân trong một gia đình nghèo, ba mẹ đều làm nông nên với thầy Kiệt, chỉ có con chữ mới giúp thầy được đến gần hơn với ước mơ được thay đổi số phận. Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2010, thầy cũng tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ chuyên ngành Sư phạm Giáo dục công dân (GDCD) và được phân công giảng dạy tại trường THPT Hòa Tú đến nay.
Hằng ngày, người thầy giáo dân tộc Khmer vượt qua quãng đường 60 km cả đi lẫn về để đến trường “gieo chữ”. Đường xa, vậy mà mỗi sáng, thầy đều có mặt tại trường từ rất sớm. “Tôi thích làm nghề giáo và việc tôi chọn môn GDCD vì muốn giáo dục con người, giúp những “mầm non tương lai” của đất nước vững vàng về mặt đạo đức, phải có hiểu biết về nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội”, thầy Kiệt bộc bạch.
Không chỉ là giáo viên đứng lớp, thầy Lý Thường Kiệt còn là Bí thư Đoàn trường. Nhiều năm liền, thầy Kiệt nhận được giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, BCH Tỉnh Đoàn về thành tích giảng dạy và hoạt động Đoàn.
Thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện, thầy thấu hiểu và trải lòng hơn với học sinh và chính điều đó khiến các em luôn yêu quý và vâng lời thầy. “Ở trường có những cô, cậu học trò thường xuyên vi phạm nội quy, cúp tiết hay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh các em phải đi làm ăn xa, vì vậy các em thường xuyên nghỉ học, chơi game, sao nhãng việc học tập... Với vai trò là Bí thư Đoàn, giáo viên dạy môn GDCD, tôi phải là người khuyên răn, thường xuyên thăm hỏi và phối hợp giáo viên chủ nhiệm kịp thời giáo dục, uốn nắn cho các em”, thầy Kiệt chia sẻ.
Hòa Tú là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Sóc Trăng. Hầu hết người dân làm nghề nông. Nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Theo TP