Cô Sâm sinh ra và lớn lên tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn của cô đã được nhen nhóm từ năm học lớp 6. Nhưng không phải lúc đó cô đã hiểu được ý nghĩa cao cả của nghề “trồng người” mà chỉ vì thích lắm hình ảnh cô giáo dạy Ngữ văn của cô năm đó - một cô giáo luôn vẻ với bộ đồ tây, đầu đội mũ vành trên chiếc xe đạp mini. Trong mắt cô, hình ảnh ấy giản dị và đẹp vô cùng! Chính cô đã nhóm lên ngọn lửa ước mơ được làm một cô giáo dạy văn trong cô. Sau nhiều năm cố gắng phấn đấu, ước mơ đó đã trở thành hiện thực – Cô đã là một giáo viên dạy Ngữ văn được hơn mười hai năm rồi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Sâm hướng dẫn học sinh học bài trên lớp
Ngày ra trường, cô được phân công công tác ở huyện Tu Mơ Rông (cách nhà khoảng 70km), một huyện mà xã nào cũng thuộc vùng khó khăn ngay cả ở trung tâm huyện. Nhưng với cô nơi này không hề xa lạ mà rất thân quen. Bởi lẽ, trước đó, cô đã là con của buôn làng trong đợt “tình nguyện mùa hè xanh ” năm 2006 (ở thôn Đăk Neng, xã Tu Mơ Rông). Hơn một tháng trải nghiệm với con đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt (không đi được bằng xe máy) xung quanh cây cối um tùm, hoang vu, thời tiết mưa, lạnh khắc nghiệt cùng với đời sống khó khăn của bà con cô đã hiểu được phần nào nơi này. Tưởng chừng với thời gian ấy cô đã trải nghiệm đủ và không gì làm bản thân bỡ ngỡ, sợ hãi hay hoang mang nữa. Nhưng không, vài tháng sau khi cô nhận công tác tại xã Tê Xăng, một xã cách trung tâm huyện khoảng hơn 25km, năm đó, cơn bão số 9 (năm 2009) đã ập đến. Sau nhiều ngày mưa gió tầm tã, cô và các đồng nghiệp vẫn miệt mài cùng học sinh lên lớp mỗi ngày tại trường vì ở tập thể, cho đến khi không thấy những chiếc xe máy chở thức ăn vào trường - nơi vẫn hay được gọi đùa là “công ty hai sọt”. “Lúc bấy giờ tôi và các anh chị đồng nghiệp mới đi ra ngoài trường để tìm đến những quán xá nhỏ lẻ trong xã để mua thức ăn. Bước chân ra khỏi khuôn viên trường nhưng trời ơi! Con đường đâu mất rồi, con đường mà chúng tôi đi về hàng tuần đã không còn nữa. Nó đã được lấp đầy bởi bùn, đất có cả đá tảng lớn; những bụi tre và những cây cổ thụ. Nhìn xung quanh làng, nhiều ngôi nhà đã không còn nóc. Cơn bão ấy đã làm cả huyện Tu Mơ Rông bị cô lập, và đặc biệt xã của chúng tôi không một phương tiện nào di chuyển được… Hình ảnh ấy thật tan hoang, đau xót và nó đã in đậm trong tâm trí tôi mỗi khi mùa mưa bão lại về. Và cũng rất may ở xã tôi công tác không có thiệt hại về người” - cô Sâm xúc động hồi tưởng lại.
Khó khăn chung ấy không thể nào ngăn được nhiệt huyết của mỗi thầy cô mang cái chữ đến đến với bản làng. Bởi phía sau là cả một nguồn động lực mạnh mẽ giúp các thầy cô vượt qua tất cả. Đó không chỉ là tình yêu đối với nghề, mà còn cả gia đình. Riêng với cô, đó chính là con gái yêu nhỏ bé của mình và cha mẹ. Hạnh phúc gia đình của cô không được trọn vẹn như các đồng nghiệp khác kể từ sau hơn hai năm kết hôn. Vì đường quá xa nên không thể đưa con lên ở cùng. Con phải ở nhà với ông bà ngoại và mẹ con chỉ gặp nhau vào cuối tuần, lúc ấy bé được hai tuổi. Ban ngày, dạy học bận rộn nhưng đêm về bên cạnh không có con thấy nhớ vô cùng, mặc dầu vẫn được nghe tiếng nói bi bô của con qua điện thoại. Năm con gái học lớp ba, cô đang ngồi bấm móng chân cho bé, bỗng nhiên cháu hỏi: “Sao mẹ không làm nghề bấm móng chân như cô Nơ (cô làm nghề uốn tóc gần nhà)?”. Đứng trước thắc mắc của cô con gái nhỏ, cô tò mò hỏi lại: “Sao con lại hỏi thế, con không thích mẹ làm giáo viên à?”. “Lúc đó cháu đã nói rằng: “Thì con thấy mẹ bấm móng chân đẹp với lại để con luôn được gần mẹ!” khiến tôi phải quay mặt vội đi giấu giọt nước mắt đang chuẩn bị trào ra. Tôi thấy mình có lỗi với con, cả tình thương và trách nhiệm của người mẹ, tôi đã không thể làm tròn. Tự trách mình thế nhưng nhìn con lớn lên từng ngày, mạnh khỏe và bình an, tôi không gì vui bằng và chỉ hi vọng rằng: sau này lớn lên con sẽ hiểu cho hoàn cảnh và công việc của mẹ. Con là chính là hạnh phúc và động lực để mẹ có thể hoàn thành tốt công việc” - cô Sâm xúc động chia sẻ.
Động lực của cô không chỉ con gái mà còn đứa học trò yêu quý đầy nghị lực. Nhìn các em mới thấy, cái khó của mình có thấm vào đâu. Mỗi ngày ở thôn xa (Tu Thó, xã Tê Xăng), các em phải đi học từ lúc hơn 5 giờ sáng bằng lối mòn nhỏ bên sườn đồi. Vài năm trước thôn còn chưa đường, điện. Mỗi khi đi vận động phải chọn những giáo viên phải thật sự đủ sức khỏe (vì phải leo dốc) và phải đi vào những đêm trăng sáng. Đến nơi mới thấm thía hết được cuộc sống, thiếu thốn khó khăn và nghị lực sống phi thường của các em.
Trong thời gian công tác, cô đã rất tích cực tham gia tất cả các hoạt động do nhà trường, phòng GD&ĐT huyện phát động nhưng nổi trội nhất từ năm 2012. Năm ấy, cô bắt đầu tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; tham gia thi giáo viên giỏi toàn diện cấp huyện. Mới tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm nên hiệu quả đạt được chưa cao. Được sự tin tưởng của Nhà trường, Phòng giáo dục, cô đã được cử tham gia các lớp tập huấn, làm báo cáo viên các chuyên đề tại huyện. Lúc ấy cô như trưởng thành hơn trong hoạt động dạy học của mình. Năm 2016, cô đã thực hiện viết báo cáo khoa học Sư phạm ứng dụng với tên đề tài: Nâng cao kết quả học tập các văn bản phần "truyện trung đại Việt Nam" trong chương trình Ngữ văn của HS lớp 9 trường THCS BT DTTS Tu Mơ Rông thông qua việc hướng dẫn HS chuẩn bị bài mới ở nhà bằng phiếu học tập. Và cô đã vui rất khi được hiệu trưởng thông báo, đề tài đã đạt cấp tỉnh. Từ đó cô như được tiếp thêm năng lượng để tìm tòi đổi mới phương pháp trong dạy học và tham gia các hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả cao như tham gia và đạt giải ba hội thi E-learning cấp huyện năm 2016; bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp tỉnh trong hai năm liên tục năm 2017, 2018; đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2017;...
Xã Ngọc Lây (xã giáp tỉnh Quảng Nam) là nơi hiện tại cô đang dừng chân trong hơn 12 năm công tác. Cô Sâm nhớ lại ngày đầu khi đến nơi này nhận công tác: “Lúc mới xuống xe bước vào trường, cô bé văn phòng đã chào tôi bằng giọng hóm hỉnh: “Chào đón chị đến với nơi lạnh nhất của huyện Tu Mơ Rông”. Tôi cười và nói: “Thế thì chị sẽ mang đến nơi này một hòn than-trái tim đang cháy lửa đây này!””. Qua gần hai năm công tác, cô thấy quanh năm toàn mưa phùn và gió lạnh. Nhưng mọi người ở đây từ Hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên ai cũng thân thiện, cởi mở nên cô cũng thấy ấm lòng. Để đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh ở những bản xa, nhà trường đã tổ chức ăn ở nội trú (mặc dù học sinh chỉ có chế độ bán trú): Học sinh được ăn ba bữa/ngày; đêm đến các thầy cô còn sinh hoạt cùng, hướng dẫn học sinh học bài cũ và chuẩn bị bài mới. Học sinh rất thích nên luôn đi học đầy đủ. Đó là lúc dịch Covid-19 còn chưa ảnh hưởng nhiều.
Hiện nay, xã Ngọc Lây là một trong hai xã của huyện thuộc nhóm nguy cơ cao, vì là nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, người dân đi lại nhiều bằng nhiều phương tiện khác nhau. Thích ứng với khó khăn mới, Phòng Giáo dục, Nhà trường đã có những hướng dẫn chỉ đạo kịp thời. Để vừa phòng dịch vừa đảm bảo kiến thức cho các em, mỗi giáo viên là một tuyên truyền viên xuống tận nhà ở thôn bản hướng dẫn thông điệp 5K của Bộ y tế; đặc biệt hướng dẫn để các em dự Lễ khai giảng trực tuyến qua truyền hình. Có lẽ, đây là năm học đặc biệt nhất với cả cô lẫn trò: khai giảng tại nhà (đối với học sinh có tivi, điện thoại thông minh) và khai giảng tại nhà rông (đối học sinh không có tivi, điện thoại thông minh). Trong tình hình dịch bệnh, ở những vùng thuận lợi các em bắt đầu và duy trì việc học của mình qua hình thức học trực tuyến nhưng với học sinh huyện Tu Mơ Rông nói chung và xã Ngọc Lây nói riêng thì điều đó là không thể thực hiện được vì 90% học sinh không có điện thoại thông minh.
Không để khó khăn khuất phục, ngay sau Lễ Khai giảng, dưới sự chỉ đạo của nhà trường, các thầy cô đã thực hiện dạy học theo cụm mỗi làng là một cụm; lấy nhà rông làm lớp. Mỗi cụm được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm không quá 10 học sinh. Dù phải vất vả đi đến từng thôn làng giảng dạy nhưng điều cô và các đồng nghiệp vẫn không đáng để kể đến nếu so với các các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm phòng, chống dịch; với các y bác sĩ đang gồng mình giành giật sự sống cho mỗi người dân mắc bệnh. “Cái mệt của chúng tôi là cái mệt của sự may mắn và hạnh phúc” - cô Sâm rạng rỡ nói.
Cô rất thích câu nói: “Nghịch cảnh sinh ra là để chúng ta vượt qua”. Thật vậy, cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ không bao giờ bớt những khó khăn thách thức dù là thời tiết khắc nghiệt hay sự hiểm trở của đường sá đi lại hay sự tàn nhẫn vô tình của dịch Covid-19 hay những khó khăn khác sẽ xuất hiện trong tương lai. Nhưng nếu mỗi chúng ta có đủ lòng tin, nghị lực, đủ tình yêu thương, đoàn kết, tinh thần lạc quan thì chúng ta sẽ chiến thắng tất cả.
“Cô giáo dạy văn của tôi đã nhen lên ước mơ và truyền ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi. Tôi hi vọng rằng mình tiếp tục là người “nhóm lửa”, “giữ lửa” và “truyền lửa” đến con gái, đến những thế hệ học sinh mà tôi đã, đang và sẽ dạy dỗ sau này” - cô Tâm kiên định nói.
Với những nỗ lực đóng góp cho công tác giáo dục, cô Sâm vinh dự đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” nhiều năm liền. Đặc biệt, cô Sâm vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |