Chuyện hai anh em cứu hàng chục người thoát hiểm

(CTG) “Cả nhà tui la khản cổ. Cứ cầu may thôi chứ chẳng ai nghĩ có người dám ra cứu mình. Vậy mà có thật: Hai anh em nhà nó chèo thúng tới. Cả nhà tui ai cũng khóc mừng”.

Anh Nguyễn Ngọc Xuân, 48 tuổi, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể lại về câu chuyện hai anh em Phạm Văn Chính (35 tuổi) và Phạm Văn Nhân (33 tuổi) trong thôn dám liều mình xông vào lũ cứu cả gia đình anh, sau đó lần lượt cứu hàng chục bà con khác trong thôn đang chới với giữa dòng lũ.

Anh Phạm Văn Nhân (giữa) và gia đình anh Xuân - một trong những gia đình được hai anh em Chính, Nhân cứu thoát. Ảnh: Hàn Nhân

Giữa hiểm nguy

Đó là buổi sáng ngày 29/10, cả xã Bình Mỹ, phía dưới thì ngập chìm trong dòng nước ngầu đục, còn phía trên là bão hoành hành. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ầm ầm của nhà sập, cây đổ. Nước lũ mỗi ngày một lớn. Những ai có nhà tầng thì cả nhà leo lên gác an toàn. Chỉ thương cho những người ở nhà trệt, chẳng biết thoát thân đâu, nên đành đục mái tôn hoặc đạp ngói leo lên mái nhà đứng.

Gia đình anh Xuân cũng không thoát được cảnh này: Cả nhà 7 người đều vắt vẻo trên mái nhà. Khổ một điều, anh Xuân và em trai là Nguyễn Thạch Hải, 35 tuổi lại chẳng biết bơi. Trong khi đó, lại phải lo cho mẹ là bà Võ Thị Dần, 80 tuổi, hai đứa con nhỏ 4 tuổi và 12 tuổi cùng hai bà vợ.

“Mấy bà thì khóc sưng mắt. Còn anh em tui thì đã nghĩ tới cảnh chuyến này chắc... “đi” thiệt rồi. Cả nhà đã lấy dây buộc vào tay nhau, để  nước có cuốn đi thì tìm được xác cả nhà”. “Sao hồi đó hổng la lên cho người ta tới cứu?” – tôi hỏi. Anh Ngô Văn Thảo – công an xã đáp thay lời anh Xuân: Lúc đó bão gió với nước lớn quá trời, nguy hiểm vô cùng. Ai lo người nấy thôi”. Anh Xuân cười tiếp lời: “Anh em nó lỳ thật. Ai chẳng biết nó bơi giỏi, nhưng có giỏi mấy cũng khó cưỡng lại nước lũ đang cuồn cuộn”.

Anh Nhân ao ước có được chiếc thuyền thúng mới thay chiếc này để tiếp tục đi cứu người.

Bỏ nhà đi cứu... xóm !

Cùng anh Thảo công an xã tìm hai anh em Chính, Nhân thật khó. Hàng xóm bảo: Chính thì đi Dung Quất rồi, còn Nhân đi chở vật liệu cho người ta. Anh Thảo phải nhờ người quen gọi, anh Nhân mới bỏ dở công việc chạy xe công nông về.

Mời khách ngồi xuống cái ghế nhựa ọp ẹp, anh lúng túng: “Thông cảm, đồ đạc nhà em bị nước trôi hết rồi. Túp lều này, vợ chồng em dựng lên ở tạm”. Hỏi chuyện, tôi biết ngôi nhà của vợ chồng Nhân có 6 cây cột gỗ lớn, bị bão gió đánh sập, nước lũ cuốn trôi mất hết!

Phía sau ngôi nhà gỗ bị sập, vợ chồng anh Nhân còn một ngôi nhà đang xây hết phần vách cũng bị sập tan tành. “22 bao xi măng chuẩn bị sẵn để xây nhà cũng ướt, hư hết. Coi như mồ hôi bao nhiêu năm của vợ chồng em trôi theo dòng nước rồi” – anh Nhân vuốt mồ hôi chảy trên gương mặt sạm nắng.

“Nhà bị sập vậy sao không lo, mà lại lo đi cứu người ? “ – tôi hỏi. “Nói thiệt với mấy anh, ban đầu chỉ đơn giản là đi ra với ông anh là Phạm Đình Chương ở ngoài đường ấy nhưng thấy nhiều người bị lũ dữ đe dọa, bỏ sao đành...” – Anh Nhân thiệt thà.

 

Ngôi nhà của vợ chồng anh Phạm Văn Nhân đang xây bị bão đánh tan. Ảnh: H.N

Sáng ấy, sau khi nhà bị sập, anh chỉ kịp đưa vợ con sang gò vườn họ Phạm gần đó. Nghe anh Chương gọi, anh em Chính, Nhân chèo thúng đi ra. Từ nhà anh Nhân đến nhà anh Chương chỉ vài trăm mét, nhưng cứ đi được một đoạn, gió và nước lũ lại đẩy lùi thúng trở về nơi cũ.

"Cả nhà tui la khản cổ. Cứ cầu may thôi chứ chẳng ai nghĩ có người dám ra cứu mình. Vậy mà có thật: Hai anh em nhà nó chèo thúng tới. Cả nhà tui ai cũng khóc mừng".

Trên đường đi, cây cối ngã đổ ngổn ngang, ngay cả mấy bụi tre lớn cũng trốc gốc nằm phủ ngang trên mặt nước. Chốc chốc có mấy đoạn cây rừng theo nước từ thượng nguồn về xuôi, trôi vùn vụt, lỡ đụng vào là coi như đi tong. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ, chiếc thúng của hai anh em mới ra đến ngoài đường.

“Khi ấy, tụi em nghe tiếng kêu cứu tùm lum. Mình mệt đứt hơi rồi. Mà cũng hổng biết phải cứu ai trước ai sau hết. Một lúc sau bình tâm lại thì thấy ai khó nhất là hai anh em bơi thúng tới...” - Anh Nhân kể.

Điểm đầu tiên là gia đình anh Xuân. Sau khi đưa gia đình anh Xuân về gò vườn họ Phạm, hai anh em lại tiếp tục bơi thúng ra cứu hai đợt nữa, đợt nào đưa người về cũng đầy thúng. Và, khi hơn chục con người được an toàn nơi khô ráo, trời cũng đã chuyển về chiều, lúc đó mới thấy mệt rã rời. 

Làm sao không kiệt sức cho được, vì suốt 6-7 tiếng đồng hồ chống chèo trong bão lũ, bồng bế hàng chục người xuống thúng lên gò. Anh Nhân bảo: “Có trường hợp thương tâm lắm. Như ba mẹ con chị bé Lớn (Nguyễn Thị Minh Nguyệt), bị nước phủ lên nhà lút đầu, nên không thể mở cửa được. Chị Nguyệt phải dùng đầu máy may đập mái tôn chui ra, tụi em mới đưa lên thúng được”.

“Không phải đây là lần đầu anh em nó giúp người trong bão lũ đâu. Bão lụt lần nào anh em nó cũng cứu người, giữ tài sản cho bà con”. Như năm 1999, thấy anh Lê Thùy Huy rơi xuống giữa dòng nước lũ, Nhân đã bơi thúng ra cứu lên bờ”, anh Thảo cho biết.

“Làm ơn ắt được trả ơn”, vậy mà khi hỏi Nhân, thì anh chỉ ao ước một điều khiến ai nấy ngồi nghe đều xúc động: “Thúng em giờ hư nhiều rồi. Năm sau khó đi cứu bão lụt. Nếu xã mua cho một cái để đi cứu người thì... đỡ biết mấy !”.

Cần khen thưởng xứng đáng

Trong khi viết bài này, anh Nhân đã gọi điện hỏi tôi: “Vì sao em cũng bị sập nhà hoàn toàn như bà con, mà không được nhận tiền hỗ trợ như các trường hợp khác?”. Có lẽ cũng có lý do nào ấy, xã Bình Mỹ chưa cấp tiền hỗ trợ cho gia đình người thanh niên dũng cảm này. Tuy nhiên, với trường hợp của Nhân, nếu được chính quyền đặc cách để xét hỗ trợ sập nhà trong bão lũ, thì cũng là chuyện hợp với tình người...

Ông Chung Quang Bắc - Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho biết cũng chưa kịp làm thành tích khen thưởng cho hai anh em Chính – Nhân, vì xã bị thiệt hại nặng quá, anh em lo toan cho công tác cứu đói, cái ăn và các vấn đề dân sinh khác, nên chuyện khen thưởng chưa kịp thời.

Theo Tien phong Online