Chuyện người thầy 5 năm mang lập trình, STEM đến với học sinh dân tộc thiểu số

(CTG) Sau hơn 5 năm gắn bó với huyện miền núi khó khăn Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, thầy Bùi Minh Đức (SN 1990, trường tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương) đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để góp phần mang những môn học thời đại công nghệ 4.0 như lập trình, STEM đến với học sinh dân tộc thiểu số được ghi nhận bởi nhiều tổ chức, quỹ giáo dục quốc tế.

Thầy Đức được phân công công tác tại trường Trung học cơ sở Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2019. Ngày đầu tiên về trường nhận công tác còn lạ lẫm với đồng nghiệp, bỡ ngỡ khi đứng trên bục giảng, nhưng rồi chỉ trong buổi làm việc đầu tiên được các anh, chị đồng nghiệp giúp đỡ thầy đã có được sự tự tin đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức với các em học sinh. Trong những buổi học đầu tiên trên lớp, thầy đã dành nhiều thời gian làm quen và tiếp cận học sinh, từ đó đánh giá về mức độ nhận thức cũng như trình độ của các em.

Thầy Bùi Minh Đức tận tình hướng dẫn các em học sinh khối tiểu học tiếp cận lập trình Microbit 

Về môn Tin học, các em còn yếu, nhiều em còn nhút nhát chưa tự tin khi ngồi trước máy vi tính và tiếp nhận kiến thức. Nhận thấy rằng nếu giảng bài theo cách truyền thống sẽ làm cho học sinh khó tiếp thu bài mới và không hiệu quả trong hoạt động học tập, từ đó thầy đã nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng bài mới, khoa học, logic để gây sự hứng thú và kích thích tư duy ở mỗi học sinh. 

Trong năm học 2016-2017, thầy Đức được tiếp cận dự án YouthSpark Digital Inclusion, dự án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin và khoa học máy tính cho trẻ em Việt Nam. Sau khi được tập huấn, tiếp thu và lĩnh hội được kiến thức, thầy trở về trường xây dựng kế hoạch và chia sẻ tới học sinh. Một trong những nội dung hay nhất thầy triển khai đó là lập trình Scratch. Ban đầu thầy dạy cho một nhóm học sinh rồi đến từng lớp, từng khối và có chọn lọc những học sinh có khả năng tư duy logic, có kỹ năng lập trình để thành lập câu lạc bộ Tin học của trường. Chỉ với những khối lệnh đơn giản, kéo thả thì học sinh đã có thể tạo ra một chương trình của riêng mình, vừa để học tập vừa để giải trí. Đặc biệt trong thời gian dự án phát động Cuộc thi giao lưu sản phẩm Công nghệ thông tin thì trường Trung học cơ sở Thượng Cốc luôn đạt giải cao.

Hầu hết học sinh dân tộc thiểu số đều không có nhiều điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin nên thầy Đức luôn tâm niệm nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội, tranh thủ mọi nguồn lực để giúp các em có thể làm quen, khơi gợi hứng thú và phát triển năng lực bản thân ở môn lập trình, STEM.

Ngoài lập trình Scratch, thầy còn linh hoạt lồng ghép các ứng dụng khoa học máy tính vào giảng dạy nhằm thu hút và gây hứng thú đến học sinh trong mỗi tiết học như: Kahoot, bài giảng bằng Powerpoint, dạy học bằng các hình ảnh ví dụ trực quan. Trong năm học vừa qua, thầy đã xây dựng một sáng kiến kinh nghiệm “Một số phương pháp gây hứng thú cho học sinh lớp 8 khi học Pascal”. Sáng kiến có vận dụng phần mềm lập trình Scratch để mô phỏng 1 vài ví dụ hoặc một đoạn chương trình nhỏ của Pascal, làm cho bài giảng sinh động, dễ hiểu hơn cho học sinh.

Ngoài các giờ học chính khóa trên lớp, vào các buổi chiều, buổi học ngoại khóa thầy dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cùng các em học sinh trong câu lạc bộ Tin học, bởi vì các em học sinh trong câu lạc bộ là những học sinh có kỹ năng tin học tốt, tư duy logic và có năng khiếu kỹ năng lập trình. Thầy xây dựng các bài giảng và các chủ đề phù hợp để các em thực hiện và trao đổi cùng nhau giải quyết. Từ đây nhiều em đã có những chia sẻ về đam mê lập trình, đặc biệt là lập trình kéo thả Scratch. 

Các thành viên câu lạc bộ Microbit Xanh do thầy Đức thành lập để tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm với khoa học máy tính, với lập trình

Cuối tháng 9 năm 2019, thầy Đức được luân chuyển công tác về trường Tiểu học Phú Lương, nay là trường Tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương. Tại môi trường mới, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng giảng dạy ở trường cũ, thầy tiếp tục chia sẻ và giảng dạy đến học sinh ở trường mới này. Trường Tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương nằm trên địa bàn xã vùng đặc biệt khó khăn, giao thông, cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đam mê, nhiệt huyết, tận lực thầy đã luôn cố gắng đến trường mỗi ngày để được giảng dạy cho các em học sinh. Do địa bàn xã khó khăn nên hầu hết các em học sinh ở nhà chưa có máy tính, chưa được tiếp cận với máy tính với tin học. Các em chỉ thực sự được học tin học ở trường. Với mỗi kiến thức của mỗi khối học thầy cũng linh hoạt lồng ghép các bài giảng điện tử Powerpoint và các công cụ hỗ trợ giảng dạy như Wheelofnames để nhằm truyền đạt tốt nhất những nội dung của bài học đến từng đối tượng học sinh. Thầy cũng mạnh dạn sử dụng các ứng dụng Kahoot và Google form để kiểm tra đánh giá học sinh thông qua những câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức nội dung của từng chủ đề, từng bài học. 

Năm học 2020-2021, thầy may mắn có sự đồng hành của quỹ Dariu, một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ thiết bị dạy học, kỹ năng khoa học máy tính nhất là các kỹ năng về công nghệ. Sau khi được quỹ Dariu tập huấn và phát các thiết bị dạy học đặc biệt là Microbit, thầy cũng đã triển khai đến các em học sinh ở các khối lớp. Ban đầu các em học sinh chưa biết mạch cầm trên tay là gì và sử dụng như thế nào, thầy đã có những hướng dẫn tỉ mỉ và xây dựng các kế hoạch nội dung, chủ đề khác nhau để phù hợp với lứa tuổi và kỹ năng của các em. Với mạch Microbit được cấp, thầy cùng học sinh có những tiết học về STEM rất thú vị, các em được lập trình hiển thị nhiệt độ môi trường, mức sáng hiện tại, đo độ ẩm của đất, làm một số dự án về cảnh báo chống trộm, cảnh bảo an toàn giao thông, cảnh báo an toàn khí gas, mũ thông minh cảnh báo ngủ gật ….vv. Hầu hết các em học sinh rất hứng thú và vui vẻ tiếp nhận bài học. Đặc biệt trong các cuộc thi sáng tạo do phòng giáo dục tổ chức, các em học sinh đã đạt được những kết quả cao. 

Thầy Bùi Minh Đức vinh dự nhận giải thưởng của Diễn đàn công nghệ cho thanh niên YouthSpark Live

Năm học 2020-2021, thầy được bầu làm Phó bí thư Đoàn thanh niên trường Tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương, với tinh thần của một đoàn viên thanh niên thầy đã tổ chức các hoạt động vui chơi liên quan đến lập trình như thi thử thách lập trình nhanh trong các buổi ngoại khóa, buổi sinh hoạt đoàn. Thành lập câu lạc bộ lập trình có tên là “Microbit Xanh” để các em được sinh hoạt được trải nghiệm với khoa học máy tính, với lập trình. 

Trong năm học 2020-2021, thầy đã xây dựng 2 sáng kiến để áp dụng vào giảng dạy có hiệu quả, gồm: Vận dụng phần mềm Scratch và ứng dụng web Wheelofnames, Kahoot để gây hứng thú trong các giờ khởi động, ôn tập ở môn Tin học lớp 8; Tăng cường kỹ năng lập trình cho học sinh dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ lập trình Scratch thông qua các buổi học ngoại khóa.

Ngoài công tác giảng dạy, với vai trò Phó bí thư Đoàn thanh niên trường Tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương, thầy Đức cũng tích cực kêu gọi và tổ chức triển khai, tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội có ý nghĩa thiết thực.

Sau hơn 5 năm công tác tại huyện miền núi khó khăn Lạc Sơn, với những nỗ lực không ngừng nhằm đem “ánh sáng công nghệ” về với học sinh dân tộc thiểu số, thầy Đức đã vinh dự nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” các năm 2017 - 2018; 2018 - 2019; 2020 - 2021; “Lao động tiên tiến” các năm 2016-2017, 2019-2020; Giấy khen của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hòa Bình về việc “Đã có thành tích trong phong trào thi đua ‘Đổi mới sáng tạo trong dạy và học’, đạt giải Nhì – môn Tin học; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện về việc “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh”, “Đạt giải Nhì – Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Tin học năm học 2020-2021”; Giấy chứng nhận của dự án YouthSpark Digital Inclusion đạt giải Nhì “Giáo viên xuất sắc”; Giấy chứng nhận của dự án YouthSpark Digital Inclusion đạt giải giáo viên tích cực trong sân chơi giao lưu sản phẩm công nghệ thông tin – Học kì 1 năm 2018-2019.

Đặc biệt, thầy Đức vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.