Nghỉ việc văn phòng, chị Hoàng Thị Thúy Vân (29 tuổi), ngụ xã Hoàng Nông, H.Đại Từ, Thái Nguyên, đã về lại quê nhà bắt tay vào làm chè theo phương thức canh tác thuận tự nhiên nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Từng muốn chặt hết đồi chè của bố mẹ
Ngày còn bé, chị Vân thường theo bố mẹ lên đồi hái chè đến tận tối mịt. Với chị, giấc ngủ trưa lúc ấy là một điều quá xa vời. Thấy bố mẹ quần quật làm việc nhưng thu nhập chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng, chị không khỏi xót xa. Ám ảnh với sự cơ cực đó, 3 anh em chị Vân thề sẽ "từ biệt" nghề nông và sau này khi thành đạt sẽ trở về quê chặt hết đồi chè của gia đình.
Nghĩ vậy, tháng 3.2019, chị khăn gói rời thành phố, và bị bố mẹ phản đối kịch liệt. "Bố mẹ tôi đã vất vả đến nhường nào để nuôi con ăn học và thoát khỏi cảnh làm nông vất vả. Bởi vậy, thấy tôi từ bỏ sự nghiệp ổn định như vậy, bố mẹ không khỏi bàng hoàng. Thậm chí tôi và bố mẹ đã không thể tâm sự với nhau trong suốt một năm đầu", chị thổ lộ.
Không được gia đình ủng hộ, chị quyết định canh tác trên mảnh đất thuê lại từ người dân địa phương. Chị chọn vị trí nằm lưng chừng dãy núi Tam Đảo, gần khúc suối đầu nguồn và tách biệt với những vườn khác. Giống chị chọn là chè trung du bản địa có tuổi đời hơn 40 năm.
Với phương châm "nương về tự nhiên", chị ưu tiên tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ cho khu vườn. Xem cỏ là bạn của nhà nông nên thay vì tận diệt, chị chọn gây cỏ theo cách riêng. Chị cho hay không chỉ có tác dụng che mát, cỏ còn chống xói mòn và hạn chế hiện tượng rửa trôi trên mặt đất. Ngoài ra, chị trồng xen canh thêm cây làm phân xanh cũng như bổ sung dinh dưỡng cho vườn bằng đậu tương hoặc phân chuồng trong thời gian đầu cải tạo đất, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng của từng khu vực.
Lứa chè đầu tiên sau 46 ngày bị sâu hại tấn công, búp thưa thớt, cây còi cọc; đến lứa chè thứ ba sau 5 tháng lại có hiện tượng cháy lá. Cũng trong khoảng thời gian đầu khởi nghiệp, cứ khi về nhà chị lại phải thay đồ cho tươm tất mới dám gặp bố mẹ vì không muốn họ nhìn thấy bộ dạng lem luốc của mình. Hơn nữa, người dân trong xã lúc đó còn chưa tin tưởng vào phương thức canh tác của chị, cho rằng chị sẽ không làm nên trò trống gì. Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn kiên định với mục tiêu của mình.
"Chắp cánh" cho chè quê hương
Giữa năm 2020, phương pháp gây cỏ của chị bắt đầu phát huy tác dụng. Nhờ đó, búp chè trong vườn chị vẫn tươi tốt, cứng cáp dẫu phải hứng chịu nắng hè gay gắt, trong khi búp chè của những vườn khác bị héo rũ. Những người dân xung quanh dần thay đổi cách nhìn và tìm đến chị để học hỏi phương pháp trồng.
Trong hành trình khởi nghiệp, chị Vân đã có những cộng sự đáng tin cậy. Trong số đó có người chị gái đã từ bỏ thâm niên 10 năm làm giáo viên để về quê cùng trèo đèo lội suối dưới cái nắng gắt. Lúc này, khi thấy được quyết tâm cũng như hiệu quả việc chị Vân làm, bố mẹ đã cho một mảnh đất để chị sửa sang thành nhà xưởng cũng như tạo điều kiện lắp đặt thêm trang thiết bị. Tuy nhiên, chị vẫn giữ nguyên cách chế biến 100% bằng củi lửa để giữ trọn vẹn vị trà xưa.