Cô gái khuyết tật tài năng giàu lòng nhân ái

(CTG) Bị khuyết tật vì tai nạn giao thông, tưởng rằng mọi ước mơ trong đời sẽ chấm dứt, nhưng bằng nghị lực phi thường, Đậu Thị Sáu, 22 tuổi, quê ở Quỳnh Lưu - Nghệ An, đã trở thành vận động viên điền kinh xuất sắc, lại ham mê làm từ thiện để giúp mọi người.

Được sự giới thiệu của Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội, chúng tôi gặp Sáu khi cô đang tập luyện tại SVĐ Hà Đông

Lớn lên trong một gia đình nghèo, lại đông anh chị em, Sáu là út nên gia đình ưu tiên hơn cả. Các anh, chị chỉ được học hết cấp II, riêng Sáu được học lên cấp III. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sáu phải vừa học, vừa  làm phụ giúp bố mẹ kiếm thêm tiền. Ngay từ nhỏ, Sáu đã ước mơ được trở thành bác sĩ chữa bệnh giúp người nghèo.

"Khi ấy, em đang học lớp 12. Hôm đó đứa bạn gần nhà chở em đi học bằng xe máy. Hai đứa đang đi thì có chiếc xe tải chạy ngược chiều, lấn đường nên đã đâm vào bọn em. Bạn em chỉ bị xây xát, còn em vì thương nặng nên các bác sĩ buộc phải tháo hết các khớp ngón tay bên bàn tay trái " - Sáu bùi ngùi tâm sự.

Sau tai nạn, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Phải nghỉ một năm đợi phục hồi, Sáu cảm thấy chán nản. Nhưng được gia đình, bạn bè chăm sóc tận tình, rồi cô xem trên tivi nói về câu lạc bộ sinh viên khuyết tật ngoài Hà Nội. Từ đó Sáu đã xóa bỏ mặc cảm đứng dậy bằng chính bản lĩnh của mình.

Năm 2009 tình cờ đọc được thông tin trên mạng nói về dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam (CRS) của Hoa Kỳ và Ấn Độ. Sáu xin bố mẹ cho ra Hà Nội học. Học xong chương trình này, Sáu  được chuyển vào học tiếp tại Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH).

Ngay từ những buổi học đầu tiên, với tốc độ chạy phi thường mà không một bạn nào trong lớp có thể đạt được. Sáu đã lọt vào con mắt "nghề nghiệp" của thầy Khâm - dạy môn giáo dục thể chất. Thầy nhìn thấy ngay ở cô học trò cưng này có tố chất đặc biệt của một vận động viên điền kinh tài năng. Để giúp Sáu phát triển tài năng, thầy Khâm liền giới thiệu Sáu vào Đoàn thể thao khuyết tật Hà Nội.

Vào tháng 7 vừa qua, để chuẩn bị cho "Hội thi văn nghệ, thể dục, thể thao khuyết tật toàn quốc" diễn ra tại Đà Nẵng, hai thầy trò miệt mài luyện tập như con ong cần mẫu. Buổi sáng tập từ 6h đến 8h, chiều từ 17h đến 19h. Thầy sát sao huấn luyện Sáu tập những bài tập thể lực và những động tác kỹ thuật chuyên sâu. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, thành tích của Sáu càng ngày càng cải thiện.

 


Đậu Thị Sáu (người đứng hàng thứ 2) tại Hội thi văn nghệ, thể dục, thể thao khuyết tật toàn quốc.


Là vận động viên đại diện cho đoàn Hà Nội thi môn điền kinh, Sáu lần lượt vượt qua các đối thủ để về nhất, giành Huy chương vàng. Không bằng lòng với những gì đã có, Sáu lại miệt mài luyện tập để chinh phục những đỉnh cao mới trong kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á sẽ diễn ra tại Indonesia vào năm sau. 

Ra Hà Nội, Sáu tìm ngay đến địa chỉ Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội. Đây là câu lạc bộ có sự tham gia đông đảo của các bạn khuyết tật hiện đang học và đi làm. Trong môi trường cùng cảnh ngộ, Sáu càng thương và hiểu những nỗi đau mà người khuyết tật phải gánh chịu, vì thế Sáu muốn giúp những người có cùng hoàn cảnh như mình. Câu lạc bộ thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, phát quà Tết, trung thu cho trẻ em ở làng Hòa Bình. Mọi hoạt động Sáu đều nhiệt tình tham gia, có những hôm sấm chớp đùng đùng, Sáu cũng đội mưa đến dạy các em.

Gương mặt một cô giáo hiền hậu, bị khuyết tật đã trở nên quen thuộc với những đứa trẻ đường phố lang thang. Bây giờ ra trường đi làm có tiền lương, cứ đến cuối tháng Sáu lại trích ra một ít để mua quà hay mua sách vở tặng cho các em… "Các hoạt động của hội, Sáu tham gia rất nhiệt tình. Mọi công việc mà hội giao, bạn đều hoàn thành tốt. Ở trong câu lạc bộ, Sáu được mọi người quý mến vì tính hòa đồng, vui vẻ, luôn luôn giúp đỡ mọi người thật tận tâm", bạn Đào Thị Liên, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ. 

Nói về ước mơ của mình, Sáu bày tỏ: "Em chỉ mong cuối năm nay khi đi thi đấu sẽ giành được thành tích tốt, để có phần thưởng chia cho các em thế là vui lắm rồi!".


Theo CAND