Nghề dạy học, đến với cô như một cái duyên và cô đã bén duyên cùng nó hơn hai mươi năm. Cô như một người lái đò và rồi cô tự cho mình là người mẹ của các em, trong những chuyến đưa đò có biết bao là kỉ niệm kỉ niệm buồn vui trong nghề, rồi kỉ niệm về khó khăn mà bản thân luôn nhủ rằng mình phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiệm vụ người lái đò, nhiệm vụ người mẹ, có vật vã với cuộc sống hằng ngày, có vật vã với những lúc mệt mỏi thì cô vẫn lấy niềm vui là hoàn thành nhiệm vụ sau những ngày tổng kết năm học.
Cô giáo Lâm Thị Cẩm Tú chụp hình lưu niệm cùng học sinh nhân Ngày nhà giáo Việt Nam
Trong suốt thời gian công tác hơn hai mươi năm trong sự nghiệp trồng người như lời Bác nói, bản thân cô cũng nghĩ mình như người lái đò góp sức mình vào việc đưa những chuyến đò kiến thức để tiếp bước các thầy cô đi trước. Với các em, cô luôn nhắc nhở mình phải biết yêu thương và trao cho các em tri thức làm người và kiến thức của những con chữ đầu tiên, những nét bút đầu tiên để làm hành trang vào đời. Trong suốt thời gian công tác, cô luôn cố gắng để vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh và những khó khăn trong công việc mà bản thân cô gặp phải. Bản thân vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa đi dạy, vừa chăm sóc đứa con bị bệnh, phải đi truyền máu ở TP. HCM mỗi tháng, thiếu thốn về sự chia sẻ của chồng, thiếu cả vật chất vì bản thân cô có mức lương chưa đủ vững để đảm bảo cho con một hoàn cảnh tốt, nhưng cô luôn nhủ mình phải vượt qua phải là điểm tựa cho con dù đôi lúc tưởng chừng mình gục ngã.
Nhưng thời gian đáp lại sự vất vả là đứa con luôn ngoan ngoãn chăm học và biết vâng lời, đó cũng là niềm tin giúp cô vững bước, cũng là niềm vui mỗi khi áp lực công việc mà bản thân đôi lúc không vượt qua, rồi cả lòng yêu nghề cũng mang cô tới những ước mơ để vượt qua nghịch cảnh của bản thân, có được một giáo viên đầy nghị lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong từng năm học thì cô luôn cố gắng và luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệm từ Ban giám hiệu rồi các đồng nghiệp... Để được mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh thì cô luôn lấy công việc làm niềm vui lấy tương lai của con làm hạnh phúc,bản thân cũng đc sự giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường rồi của lãnh đạo liên đoàn lao động..... Và rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp để cô vượt qua những lúc khó khăn.
Trong tình hình hiện nay, những khó khăn, thách thức đối với giáo viên phổ thông hiện nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và giải pháp khắc phục khó khăn nhất là việc dạy học online và đặc biệt đối với các cháu lớp Một. Đối với lứa tuổi này, lứa tuổi đầu đời, lứa tuổi cầm tay chỉ việc đôi khi các cháu còn chưa thực hiện được huống gì bắt các cháu phải ngồi trước màn hình điện thoại, laptop,vi tính,…. Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Trong công tác chuyên môn, đòi hỏi bản thân tích cực tìm tòi học hỏi thêm những kiến thức và chia sẻ, học hỏi cùng đồng nghiệp những kinh nghiệm; Đặc biệt trong giai đoạn áp dụng số hóa trong giảng dạy; trong điều kiện hiện nay khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải đứng lớp dạy trực tuyến cho học sinh là điều hết sức khó khăn; phải cập nhật xây dựng giáo án điện tử để truyền đạt kiến thức cho học sinh phù hợp, để học sinh tiếp thu nhanh và đạt chất lượng nhất.
Khó khăn thứ hai thuộc về học sinh,đa phần các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình học sinh sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
“Để giảm bớt khó khăn, thách thức cho giáo viên trong nhà trường phổ thông trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang được đưa vào thực hiện, dù đã có kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn của Trường về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, học tập thêm từ đồng nghiệp. Trong quá trình dạy, tôi sẽ tăng cường tương tác với học sinh để nắm bắt ý thức học tập, chất lượng học tập bài học và những khó khăn của học sinh qua bài giảng. Thường xuyên nhắc nhở học sinh,trao đổi với phụ huynh để kịp thời” - cô Tú chia sẻ.
Với nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt công tác giáo dục, cô Tú đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh An Giang. Đặc biệt, cô Tú vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |