Cô giáo Cơ Ho nỗ lực cải tiến phương thức dạy tiếng Việt cho con em dân tộc thiểu số

(CTG) Kiên trì thực hiện ước mơ trở thành cô giáo mầm non, cô giáo trẻ người Cơ Ho Ka My Hằng (SN 1992, Trường Mẫu giáo Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), đã mở lớp âm nhạc miễn phí đồng thời áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến phương thức dạy tiếng Việt cho con em dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch bệnh.

Thời gian trôi qua nhanh như một cơn gió vậy, mới đó thôi mà đã bảy năm cô Ka My Hằng bước chân vào nghề giáo viên mầm non. Nhớ hồi đó khi bản thân còn ngồi trên ghế phổ thông, cô đã vẽ ra rất nhiều ước mơ trong đó có nghề giáo viên mầm non. Cho dù người thân gia đình có ngăn cản thế nào, cô cũng quyết tâm đăng ký nguyện vọng theo học nghề giáo viên mầm non. Năm đầu tiên khi cô đăng ký thi và nhận kết quả trúng tuyển, lúc đó gia đình đã ngăn cản quyết liệt khiến cô phải bỏ phí một năm. Đến năm thứ hai, cô lại tiếp tục đăng ký thi vào trường mầm non khi nhận kết quả trúng tuyển. Cô đã ra sức thuyết phục gia đình và cuối cùng đã thành công bước vào giảng đường trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn sau này sẽ trở thành một giáo viên mầm non. Sau ba năm học, cô ra trường cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay và gắn bó với nghề từ lúc đó cho đến bây giờ. Khi cô mới chập chững bước chân vào nghề với biết bao lạ lẫm nhưng cho dù thế nào cô vẫn luôn kiên trì, đứng vững với nghề mà cô đã lựa chọn bởi với cô, đây là một lời hứa với gia đình và cô luôn tâm niệm rằng việc chọn nghề giống như việc chăm sóc những mầm cây xanh.

Cô Ka My Hằng nỗ lực áp dụng các sáng kiến để cải tiến phương thức giảng dạy tiếng Việt cho con em dân tộc thiểu số

Mặc dù yêu nghề là thế nhưng khi trải qua những tháng ngày đầu tiên vào nghề có lẽ rất khác xa so với những gì cô tưởng tượng. Khi mới ra trường, cô được phân công giảng dạy vào một lớp với 100% là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số các cháu đều sử dụng tiếng mẹ đẻ, không biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông, vì thế cô giáo rất khó truyền đạt thông tin cho các cháu hiểu, phụ huynh đa số là nông dân, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ít khi quan tâm đến việc học hành của con cái, đôi khi còn có một vài phụ huynh còn có suy nghĩ “học hành làm gì? chỉ có phí tiền” nên việc phối hợp với phụ huynh là rất khó khăn.

Cô Hằng tâm sự: “Là giáo viên mầm non, chúng tôi luôn phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía, nếu như chỉ có một phút không kiềm chế được cũng dễ làm tổn thương đến trẻ, tự khi nào tôi học được tính cách dịu dàng, phải tạo cảm giác an toàn, vui vẻ mỗi khi các con đến trường, đến lớp. Ngay cả khi trẻ nôn trớ, những lúc trẻ khóc tập thể, tôi tự dằn mình hãy yêu thương trẻ như chính con ruột của mình hãy làm bằng tình yêu thương thay vì bằng trách nhiệm, nhất là  khi chúng tôi phải vào nhiều vai trong một ngày, vừa là mẹ, vừa là cô giáo, vừa là thầy thuốc, có lúc lại là một chuyên gia tâm lý”.

Trong mắt trẻ, có khi cô giáo của các con hóa thân là cô tiên, là công chúa, là họa sĩ, là diễn viên múa, gọi như thế nào cũng đúng. Dường như đối với giáo viên mầm non, không bao giờ hết nỗi lo, sự căng thẳng, mệt nhọc khi cả ngày chăm sóc dạy dỗ với hơn 30 trẻ bé tí ti và non nớt ấy, nhưng chưa bao giờ làm cô mất đi tình yêu với trẻ, tình yêu nghề trong cô. “Bởi tôi thấy thật vui, thật hạnh phúc khi được thấy những nụ cười giòn tan mỗi khi chúng nô đùa ríu rít bên cô. Được làm nghề mình thích, mình yêu tôi cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa và xao xuyến biết bao. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ nghề giáo viên mầm non như một tấm vé giúp tôi trở về với tuổi thơ vậy, được chơi những trò chơi thời thơ ấu, đôi khi phải hóa thân là bạn cùng trang lứa chơi với trẻ và đó là những giây phút hồn nhiên nhất giữa cô và trẻ.” - cô Hằng lý giải.

Cô Hằng chụp hình lưu niệm với học sinh

Không dừng lại ở đó, với tư cách là một người con của buôn làng dân tộc K'Ho, cô muốn làm nhiều điều cho cộng đồng nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chính vì thế, cô đã quyết định mở một lớp dạy nhạc miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid phức tạp, cá nhân cô cũng đã sáng kiến ra một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ lớp Lá 4 trường mẫu giáo Hòa Bắc.

Nhờ những nỗ lực của mình, cô Hằng đã vinh dự nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Đặc biệt, cô Hằng vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Mỗi người đều có lí do của riêng mình khi bước chân vào điểm vạch gọi là nghề, với cô điều dễ nhận thấy dù cho bạn có làm nghề gì, công việc gì đều xuất phát từ tâm, từ tình yêu nghề, điều đặc biệt hơn đối với giáo viên mầm non trên hết còn phải có tình yêu trẻ và có bản lĩnh thực sự. Dẫu biết rằng hiện nay giữa “cơn bão” đang đổ dồn về nghề giáo, nhất là cô giáo mầm non, có thể đâu đó có những người nhìn cô giáo mầm non với ánh mắt thiếu thiện cảm, ít nhiều cũng bớt niềm tin do “Con sâu bỏ rầu nồi canh”. “Để làm tốt vai trò của mình, cô giáo mầm non thật không dễ dàng gì, nhưng tôi luôn có niềm tin vào chính mình và tôi biết tôi đã chọn và làm đúng, cảm ơn nghề đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những yêu thương trách nhiệm trong công việc” - cô Hằng xúc động chia sẻ.