Cô giáo Mường 28 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở xã miền núi khó khăn

(CTG) Hơn 28 năm “gieo chữ” ở xã miền núi khó khăn của huyện Nho Quan, Ninh Bình, cô giáo Trần Thị Hồng Thủy (SN 1974, Trường Tiểu học xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại, bắt kịp công nghệ để truyền đạt tri thức hiệu quả đến học sinh, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19 vừa qua.

Tháng 6 năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm 12+2 của tỉnh Ninh Bình, đến tháng 12 năm 1993, cô bắt đầu bước vào nghề dạy học, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Ngay khi vừa ra trường, cô được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại trường Tiểu học Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là trường vùng cao của huyện. 

Cô giáo Trần Thị Hồng Thủy hướng dẫn các học sinh luyện viết chữ

Đến tháng 3 năm 1994 cô được điều động về công tác giảng dạy tại trường Tiểu học xã Quảng Lạc. Đây cũng là trường quê nơi cô sinh ra và lớn lên cũng là mơ ước và nguyện vọng khát khao ấp ủ từ lâu nay của cô nay mới trở thành hiện thực, được công tác và cống hiến sức trẻ của mình tại quê hương. Đến nay cô đã giảng dạy được 28 năm 8 tháng tại xã vùng cao đặc biệt khó khăn trong huyện miền núi Nho Quan.

Xã Quảng Lạc nơi cô công tác là xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cách phòng Giáo dục huyện Nho Quan 20 km. Hiện nay, xã có 8 thôn trải dài trên điện tích đất rất rộng khoảng 140,83 km2. Toàn xã có 1.659 hộ với 6.358 nhân khẩu, trong đó có 1.118 hộ với 4.482 khẩu dân tộc thiểu số. Vị trí địa lí, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Dân cư rải rác trên các sườn đồi, chủ yếu làm nông nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí cũng như nhận thức về pháp luật, giáo dục còn nhiều hạn chế, trình độ văn hóa không đồng đều, một số bộ phận nhân dân chưa có việc làm ổn định, một số phụ huynh chưa thực sự chăm lo, đầu tư đúng mức cho việc học tập của con em, thường xuyên đi làm ăn xa để con ở nhà cho ông bà nên công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa hiệu quả. Điều kiện học tập còn thiếu thốn, phòng lớp học chưa kiến cố, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học chưa đáp ứng đủ, việc đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy ảnh hưởng rất lớn đến phát triển giáo dục.

Khi mới về trường, là một giáo viên trẻ, với lợi thế là một người dân địa phương, thông thạo tiếng Mường lại được dạy gần nhà nên cô luôn cố gắng tận dụng thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, cũng như gia đình  học sinh để giúp đỡ các em mọi nơi, mọi lúc. Trường thuộc một xã miền núi có trên 80% dân tộc Mường, theo đạo Thiên chúa 75% đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em học sinh rất thiệt thòi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, một buổi đi học, một buổi ở nhà giúp bố mẹ, không được học tập đến nơi đến chốn. Cơ sở vật chất của nhà trường thì chưa đảm bảo, có hôm cô và các đồng nghiệp phải dạy ba ca. Nhiều em nói tiếng phổ thông chưa thông thạo, trong giờ ra chơi cô phải dùng tiếng Mường để giảng bài lại cho một số em. Số lượng học sinh tham gia các cuộc thi, các sân chơi trí tuệ ít.

Là một người con được sinh ra và lớn lên tại chính quê hương Quảng Lạc, cô thấu hiểu tất cả những khó khăn, vất vả của con em. Nhìn đời sống nhân dân khó khăn quanh năm gắn với ruộng đồng, đồi núi, nương rẫy; các em nhỏ còn thiếu thốn rất nhiều về cái ăn cái mặc, cô đã ý thức được việc học là con đường thoát nghèo và quyết tâm phải mang cái chữ đến cho các em. Hi vọng vào tương lai rằng các em sẽ học tập thật giỏi, sau này góp phần thay đổi quê hương tốt đẹp hơn. Hằng năm, cô đều tham mưu cùng BGH nhà trường tổ chức phong trào “Áo ấm tặng bạn”, kết quả toàn liên đội đã tặng áo ấm cho 42 học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi; đặc biệt có 01 học sinh bị bệnh hiểm nghèo (em Nguyễn Tiến Minh lớp 5B bị ung thư phổi), cô đã phát động công đoàn viên đồng thời kết hợp với tổng phụ trách phát động gây quỹ ủng hộ động viên em với tổng số tiền gần mười triệu đồng. Tuy số tiền ít ỏi nhưng đậm nghĩa tình của cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường để động viên tinh thần em vượt qua khó khăn bệnh tật. Bên cạnh đó, cô cũng kết hợp với cán bộ thư viện phát động phong trào quyên góp sách cũ ngay đầu năm học mới và trong ngày hội đọc sách. Từ nguồn sách đó đã tặng cho 12 học sinh khó khăn mượn sách, đồ dùng miễn phí, tạo điều kiện phần nào cho các em trong học tập.

Là một thành viên trong ban lãnh đạo mở rộng của nhà trường, cô được nắm bắt được những chủ trương, nhiệm vụ trong năm học và thấy được những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trên địa phương mình. Cô đã gặp gỡ tuyên truyền, động viên, khích lệ phụ huynh trong bản, trong làng, bà con hàng xóm, anh em, bạn bè gần gũi cho con đi học đầy đủ, chuyên cần và hướng dẫn phụ huynh học cùng con khi ở nhà; kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ công lao động, nguồn kinh phí để tu bổ cơ sở vật chất trường lớp.

Là một giáo viên kiêm Chủ tịch Công đoàn trường nhiều năm, cô luôn dung hòa tốt mối đoàn kết trong nhà trường. Thăm hỏi động viên kịp thời khi có các công đoàn viên, hay người thân ốm đau, lúc có chuyện vui, chuyện buồn. Kết hợp cùng với nhà trường tổ chức trao quà cho các con công đoàn viên vào các dịp lễ tết. Chính vì thế cô được lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm ủng hộ. Đặc biệt giáo viên tích cực tự học tự bồi dưỡng kiến thức, đổi mới nội dung phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tăng cường kèm cặp bồi dưỡng giúp đỡ học sinh chưa đạt chuẩn, đạt chuẩn chưa vững chắc, nâng cao chất lượng đại trà, đặc biệt là học sinh mũi nhọn.              

Với sự cố gắng của bản thân, cùng với các thầy cô trong nhà trường, chất lượng học sinh trường Tiểu học Quảng Lạc nói chung và chất lượng học sinh do cô chủ nhiệm nói riêng ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là số học sinh do cô bồi dưỡng tham gia các cuộc thi giao lưu, các sân chơi trí tuệ ngày càng được nâng lên.

Trước năm học 2013-2014, chất lượng mũi nhọn của học sinh còn đang hạn chế, số có học sinh đạt giải cấp huyện rất ít và chưa có học sinh đạt giải cấp tỉnh trở lên.

Từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đầu tư tu bổ cơ sở vật chất, đời sống nhân dân đã được cải thiện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy nên số học sinh đạt giải các cấp đã tăng lên.

Từ năm học 2018-2019 đến nay, đồng hành cùng chương trình phát triển nông thôn mới, nhà trường phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, được UBND huyện đầu tư xây mới 08 phòng học, Sở giáo dục đào tạo tỉnh Ninh Bình cung cấp nhiều trang thiết bị dạy và học như bàn ghế, bảng, máy tính, tivi, máy chiếu đa năng,... hiện tại nhà trường đã có tương đối đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, giáo viên có nhiều điều kiện thuận lợi để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, từ đó chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. Số lượng học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã tăng cao, đặc biệt trong năm học 2019-2020, lớp cô đã có 06 học sinh đạt giải cấp huyện, 02 học sinh đạt giải cấp tỉnh và có 01 học sinh đạt giải cấp quốc gia.

Bản thân cô đã tham gia và đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua cấp trường, cụm huyện; nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi; được chủ tịch UBND huyện Nho Quan Tặng thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến, Giấy khen. Đặc biệt trong năm học 2018-2019, cô được giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình tặng giấy khen giáo viên tiêu biểu xuất sắc. Đặc biệt, cô Thủy vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Trong công tác Đảng cô luôn gương mẫu đi đầu trong công việc cũng như các hoạt động tập thể, hàng năm cô luôn đạt đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng uỷ xã Quảng Lạc tặng Giấy khen.

Từ cuối năm 2019 cho đến nay, tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với khó khăn chung của đất nước, ngành giáo dục cũng gặp những khó khăn nhất định, các cấp học đã phải đổi mới mô hình lớp học truyền thống trong thời gian giãn cách, các hình thức dạy học online đã được áp dụng như dạy qua phần mềm zoom, zalo, facebook,...

Năm học 2020 – 2021, cô chủ nhiệm lớp 3B, sĩ số lớp 35 học sinh, trong đó 18 nữ, dân tộc 31, công giáo 26, con hộ nghèo 03, mô côi cả cha lẫn mẹ 01. Nhìn chung các em đều ngoan, có ý thức học tập và rèn luyện, đa số phụ huynh quan tâm mua sắm sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ. Phòng học khang trang có thiết bị, đồ dùng dạy học tương đối hiện đại. Bên cạnh đó cũng có những khó khăn riêng, nhận thức các em không đồng đều, có những học sinh nhận thức rất chậm; địa bàn rộng các em ở rải rác các thôn bản nên việc đi lại bằng xe đạp gặp khó khăn nhất là những ngày trời mưa, rét; một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con còn giao phó cho giáo viên không sát sao, nhắc nhở việc chuẩn bị bài ở nhà, chưa mua sắm đủ sách vở, đồ dùng…Một số ít phụ huynh đi làm ăn xa để con cho ông bà chăm nom nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng học tập của các em. 

Trong thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ thị của Chính phủ và hướng dẫn các cấp, với các khu vực thành thị có nền kinh tế phát triển, việc tổ chức học online cũng đã gặp nhiều khó khăn, đối với trường học trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng cao như xã Quảng Lạc thì khó khăn còn trở lên gấp bội. Tỉ lệ học sinh có kết nối mạng internet qua điện thoại thông minh chỉ đạt khoảng 70%, qua máy tính chỉ đạt khoảng 5%. Trên thực tế, có những gia đình có 2, 3 con đang độ tuổi đi học các cấp mà bố mẹ chỉ có 1 điện thoại thông minh hoặc thời gian các cô tổ chức lớp học thì bố mẹ lại mang điện thoại đi làm. Từ những khó khăn trên, các thầy cô đã phải đưa ra nhiều giải pháp: đối với những học sinh có mạng thì cô phải dạy học qua zoom vào buổi tối, sau đó giao bài tập qua zalo nhóm lớp, yêu cầu phụ huynh kèm cặp, quay video quá trình học của sinh học, chụp kết quả bài làm gửi về cho cô, giáo viên chấm - chữa tư vấn bài làm gửi lại cho phụ huynh. Còn đối với học sinh không có mạng internet, cô phải in hệ thống bài tập, giao nhiệm vụ học tập trên giấy tới tận tay các em qua trưởng thôn.

Khi học qua ứng dụng zoom, cả phụ huynh và học sinh đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tương tác với giáo viên, lúng túng trong việc sử dụng phần mềm học như: tắt mở mic, video, giơ tay phát biểu, đang học thì bị đẩy ra mà không biết vào lại làm gián đoạn bài học.

Có những câu chuyện dở khóc, dở cười khi dạy học online: trước màn hình của cô và đồng nghiệp không chỉ có riêng học sinh mà có cả gia đình ngồi học cùng, mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi thì cả nhà cùng thảo luận rôm rả mà không tắt mic làm cho lớp ồn ào, có những phụ huynh còn bình phẩm về cô bằng những lời nói thật vô tư,... 

Những khó khăn trên đã vô hình dung tạo thành những áp lực cho giáo viên, mất nhiều thời gian thiết kế bài giảng điện tử phù hợp, làm sao để tự tin ngồi trước ống kính giảng bài với nhiều “thành phần học sinh”. Giáo viên phải sửa chấm bài, nhận xét bài qua zalo với từng học sinh mất nhiều thời gian khi sử dụng công nghệ thông tin.

Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, của địa phương, bên cạnh là sự phấn đấu miệt mài khắc phục khó khăn của cả cô và trò và sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh, năm học 2020-2021 cũng đã kết thúc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, góp phần vào thành tích chung của nhà trường.

“Tôi thiết nghĩ dù học sinh miền núi hay miền biển, đồng bằng hay thành phố, nơi khó khăn hay thuận lợi nhưng nếu có những người thầy yêu nghề, mến trẻ; nhiệt tình có trách nhiệm trong công việc thì sẽ đào tạo được những thế hệ học sinh tài năng, chăm ngoan học giỏi không thua kém bất kỳ một nơi nào” - cô Thủy chia sẻ.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.