Cô giáo Mường 28 năm vượt nghịch cảnh, xung phong giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn

(CTG) Bố là thương binh nặng, mẹ bị bệnh tim, em trai công tác ở vùng cao, chồng việc làm chưa ổn định trong khi con gái còn nhỏ tuổi… song gia cảnh khó khăn chẳng thể làm cô giáo Phạm Thị Tuyết (SN 1974, Trường Tiểu học Vân Am 1, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) chùn bước trước quyết tâm truyền đạt tri thức cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Với thâm niên nhiều năm trong nghề dạy học, ít nhiều trong lòng mỗi thầy cô cũng sẽ vơi đi phần nào đó nhiệt huyết sục sôi của một thời son trẻ, cái còn lại là sự kết tinh lắng đọng hoài niệm về một thời đã qua, nhưng với cô Phạm Thị Tuyết thì đam mê ấy, nhiệt huyết ấy vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Mặc dầu hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố đẻ là thương binh nặng,  mẹ đẻ bị bệnh tim, em trai duy nhất là giáo viên THPT đang công tác ở vùng cao huyện Bá Thước, con gái mới vào lớp 1, chồng cô học sư phạm Âm nhạc ra trường nhưng chưa được biên chế nên công việc không ổn định. Mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình đều một tay cô lo toan, gánh vác, chăm sóc bố mẹ. Mặc dù vậy, cô luôn thu xếp công việc gia đình hài hòa để vừa hiếu thuận với bố mẹ hai bên nội ngoại vừa hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhà trường và cấp trên giao phó. 

Năm học 2018 cô tình nguyện đi “chia khó” ở vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn nhất của Huyện Ngọc Lặc cách nhà gần 30 km. Bắt đầu một ngày tới trường của cô từ 5 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều (nếu hôm nào đi dạy cả ngày) mùa đông cũng như mùa hè. Nhiều người cho rằng cô bị “hâm hấp, gàn dở” khi đang công tác tại nơi thuận tiện nhất nhì của Huyện bỗng dưng lại xung phong lao đầu vào vùng khó. Lúc đó đường xá đi lại khó khăn, trời mưa trơn trượt lầy lội… Còn cách điểm trường 3km không thể đi được xe nữa mà phải đi bộ tới trường. Hai bên đường xe cộ của cô trò “vứt” la liệt, tới trường bùn đất dính từ đầu đến chân nhưng tinh thần của thầy cô giáo vùng cao luôn lạc quan, vui vẻ, yêu trẻ, yêu nghề, và cô chưa một lần “hối hận” vì quyết định của mình bởi trong trái tim cô là hình ảnh các học trò nhỏ nhút nhát, rụt rè, tự ti, mặc cảm, bẽn lẽn y hệt như cô - một cô bé dân tộc nơi bản Mường heo hút năm nào. Phải làm sao để các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong  học tập và rèn luyện  đó chính là  là câu hỏi luôn đau đáu trong cô, thôi thúc cô phải làm điều gì đó dù cho khó khăn gấp nhiều lần hơn thế nữa cũng phải nỗ lực hết mình để truyền lửa, thắp sáng ước mơ khát vọng cho các trò nhỏ vùng cao. 

Là giáo viên chủ nhiệm, cô tìm hiểu kỹ hoàn cảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của các em, ban đầu rất khó để các em mở lời. Cô dành nhiều thời gian bên các em, đi sớm về muộn, tranh thủ cả những lúc ra chơi để cùng chơi, cùng học với các em. Lúc nói tiếng Mường, lúc lại nói tiếng kinh, khi thì như người bạn, lúc thì như người chị, người mẹ…chỉ bảo cho các em cách học, các kỹ năng sống thông qua các bài học, lâu dần các em đã mạnh dạn hơn, gần gũi với cô hơn và đặc biệt là ham học hỏi.

Khi tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn diễn biến phúc tạp, cô đã tích cực ôn luyện cho qua zalo, dạy online cho các con thường xuyên nên chất lượng giáo dục của lớp luôn dẫn đầu. Năm học 2019 - 2020 học sinh lớp cô chủ nhiệm có em Lê Yến Nhi đạt giải UPU cấp quốc gia và cũng là học sinh khối tiểu học đạt giải duy nhất toàn quốc,  01 học sinh đạt giải Nhất cấp huyện, giải 3 cấp tỉnh Cuộc thi "Tìm hiểu về Bác Hồ và những bài học đạo đức lối sống dành cho học sinh phổ thông". Năm học 2020 - 2021 cô mang về cho nhà trường và huyện nhà 30 giải nhì, 4 giải Nhất cá nhân và 1 giải nhất toàn đoàn cấp tỉnh Hội thi Sáo Recorder. Với cương vị là Chi ủy Chi bộ cô luôn là đảng viên gương mẫu nhiều năm liền được nhận Giấy khen của Đảng ủy xã. Năm 2019 bản thân cô đã xuất sắc giành giải 3 chung cuộc Hội thi "Tìm hiểu di chúc Bác Hồ" cấp Huyện. Và cô cũng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi để giờ đây trong hành trang của mình có được tổng số hơn 30 bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các cấp. Trong đó 8 lần chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 8 bằng khen Trung ương Đoàn, 3 lần giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh… Đặc biệt, cô Tuyết vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Với cô đó chính là phần thưởng vô giá. cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi bản thân đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển đi lên của trường tiểu học Vân Am 1- Ngôi trường nhỏ ở vùng sâu vùng xa  giờ đây đã nhiều người biết đến là một trong những trường nằm trong Top đầu của ngành giáo dục Huyện Ngọc Lặc - Tỉnh Thanh Hóa.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.