Cô giáo Sán Dìu Lam Thị Thanh Hường: Tấm gương sáng ứng dụng công nghệ tiếp sức học sinh vượt qua mùa dịch

(CTG) Trong hơn 16 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Lam Thị Thanh Hường (SN: 1983, Trường TH, THCS & THPT Văn Lang, Hạ Long, Quảng Ninh) đã không ngừng sáng tạo, phát huy sáng kiến đổi mới lớp học. Đặc biệt, trong làn sóng Covid-19 lây lan, cô cùng đồng nghiệp đã tích cực ứng dụng nhiều công cụ nhằm tiếp sức học sinh bước tiếp trên con đường học vấn.

Thời gian trôi thật nhanh. Thoáng đó, cô đã bước sang mùa khai giảng thứ 17 theo nghề giáo. Cô thấy mình thật may mắn khi được công tác trong ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh, được sống và gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra. Tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 2005, giống như bao bạn bè cùng trang lứa, cô háo hức đi nộp hồ  sơ, trong đó có đơn dự tuyển thi vào trường TH, THCS & THPT Văn Lang (lúc đó có tên là trường Dân lập Văn Lang) và được trúng tuyển. Chính thức trở thành cô giáo, niềm mơ ước từ tuổi thơ của cô thành hiện thực. Lúc đó, mô hình trường tư còn chưa phổ biến, nhìn nhận của xã hội thiên lệch rất rõ với trường công. Nhưng cô tin, lựa chọn của mình là đúng đắn. Với mô hình trường liên cấp chất lượng cao, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp quản lý, đặc biệt từ Lãnh đạo Sở GD & ĐT Quảng Ninh, trường TH, THCS & THPT Văn Lang đã và đang khẳng định được uy tín, chất lượng giáo dục trong ngành giáo dục tỉnh nhà, nhận được sự tin tưởng to lớn từ học sinh, phụ huynh trên địa bàn TP. Hạ Long.

Cô Lam Thị Thanh Hường trong một tiết học ứng dụng công nghệ

Là một giáo viên gắn bó với Văn Lang từ ngày thành lập, bản thân cô từng bước được cô luyện, rèn giũa và trưởng thành. Quãng đường hàng ngày từ nhà tới trường dài hơn 13km không hề khiến cô cảm thấy mệt mỏi hay có suy nghĩ chuyển đổi về một ngôi trường khác gần hơn bởi ở Văn Lang, cô nhận được sự động viên, giúp đỡ, chỉ bảo từ Ban Giám hiệu; sự đồng cảm, sẻ chia từ đồng nghiệp; sự tin tưởng, tín nhiệm từ phụ huynh và học sinh ngay khi còn là cô một cô giáo trẻ. Để đáp ứng mục tiêu giáo dục chất lượng cao của nhà trường, sự kì vọng của phụ huynh, cô và những đồng nghiệp tại Văn Lang phải luôn cố gắng phát huy hết mọi khả năng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Áp lực là không nhỏ, nhưng có lẽ vì thế mà cô thấy mình trưởng thành nhanh hơn, tự tin và thích ứng tốt hơn trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0.

Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 xảy ra với diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nghề giáo cũng không ngoại lệ. Làm thế nào để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoàn thành thắng lợi công tác dạy học? Làm thế nào để giúp học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học? Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Sở GD & ĐT, sự năng động, linh hoạt ứng phó trước tình hình dịch bệnh của Ban Lãnh đạo trường Văn Lang - một trong những trường tiên phong tại tỉnh Quảng Ninh, hình thức dạy học trực tuyến lập tức được triển khai. Thay đổi hoàn toàn phương thức dạy học quen thuộc, mọi thứ thật khó khăn với đội ngũ giáo viên. Về khách  quan, không phải gia đình nào cũng có đủ phương tiện đáp ứng cho con học trực

tuyến; việc học sinh dừng đến trường trong một số thời điểm bắt buộc để phòng dịch ảnh hưởng đến nguồn thu kéo theo lương của giáo viên trường tư giảm sút, thậm chí  có nơi thầy cô còn đối diện với nguy cơ nghỉ việc; dư luận chưa thực sự đồng tình từ xã hội; khối lượng và yêu cầu bài soạn cao hơn rất nhiều so với dạy học thông thường; vấn đề quản lý học sinh, thu hút các em vào bài học qua màn hình máy tính, điện  thoại; chưa kể những tình huống dở khóc dở cười mà đâu đó nhiều thầy cô đã chia sẻ trên mạng xã hội …Về chủ quan, năng lực công nghệ thông tin của đa số giáo viên còn hạn chế dẫn tới sự bỡ ngỡ, lúng túng trước những phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến; tâm lý làm việc đối phó tình hình trước mắt ở đợt dịch đầu tiên, ngại khó, ngại khổ, ngại thay đổi… Khó khăn là thế nhưng cô và đồng nghiệp của mình đã thay đổi tư duy, xác định tầm quan trọng của việc dạy học trực tuyến, chủ động học hỏi từ nhiều kênh, chia sẻ cho nhau những khúc mắc, sáng kiến, kinh nghiệm nhỏ nhất để đồng hành cùng học sinh hiện thực hóa khẩu hiệu “dừng đến trường nhưng không dừng học”. Từ việc hướng dẫn học sinh cài đặt và sử dụng những phần mềm hỗ trợ học trực tuyến đến thực hiện giảng dạy bằng nhiều hình thức linh hoạt như: xây dựng hệ thống bài tập trắc nghiệm, tự luận, hệ thống kiến thức trọng tâm gửi qua Google Classroom, Shubroom; tương tác trực tiếp với học sinh qua Zoom, Teams, Google meet hay có khi là trao đổi, hướng dẫn từng học sinh qua Zalo, Facebook…. Mỗi bài học, tiết học trực tuyến là mỗi lần cô và đồng nghiệp trăn trở. Bài này phù hợp với phần mềm nào? Lựa chọn phương pháp và câu từ ra sao để học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất. Điều đáng nói, việc dạy học trực tuyến tại Văn Lang nói chung và đối với cô nói riêng không dừng lại ở việc đảm bảo tiến độ chương trình cơ bản của Bộ. Khi cả cô và trò đã bắt nhịp và quen thuộc hơn với hình thức dạy học online, việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh đội tuyển cũng được thực hiện. Không bỏ lỡ thời gian, vượt lên chính giới hạn của bản thân, trân trọng đến từng bài học và sẵn sàng thích nghi là những trải nghiệm, giá trị mà cô và các học trò có được nhờ học trực tuyến.

Bên cạnh những địa bàn trung tâm có điều kiện triển khai được dạy học trực tuyến, Quảng Ninh còn có nhiều xã, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi mà thầy cô và học sinh rất khó hoặc gần như không có khả năng đáp ứng ngay yêu cầu về phương tiện, công cụ để dạy và học trực tuyến. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh, Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Ninh chủ động phối hợp với Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, xây dựng kế hoạch và triển khai dạy học trên truyền hình, ưu tiên trước hết cho những khối lớp cuối cấp, đặc biệt là lớp 12 nhằm giúp học sinh hệ thống được những mảng kiến thức trọng tâm nhất trong chương trình. Bản thân cô lúc đó rất vinh dự song cũng cảm thấy không ít áp lực khi nhận nhiệm vụ cùng với một số thầy cô giáo cốt cán trong tỉnh tham gia hoạt động ý nghĩa này. Cô được phân công soạn và trực tiếp thực hiện ghi hình hai bài giảng để phát trên truyền hình, hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập phần Lịch sử Việt Nam từ  năm 1919 đến năm 1930. Đứng trước học sinh của mình dạy trực tiếp hay ngồi trước máy vi tính dạy trực tuyến hoàn toàn khác xa việc đứng trước ống kính quay một bài

giảng phát trên truyền hình cho học sinh trong cả tỉnh cùng theo dõi. Đó là điều mà bản thân cô và những đồng nghiệp khác chưa từng trải. Từ khâu soạn nội dung bài giảng sao cho chính xác, cô đọng, xúc tích, dễ hiểu; hệ thống câu hỏi, bài tập hướng dẫn linh hoạt đến việc trình chiếu ăn khớp, khoa học, logic và đặc biệt là vừa giảng, vừa tập trung nhìn ống kính máy quay để ghi hình thực sự không phải là điều dễ dàng với một giáo viên. Hơn nữa, để có một bài giảng chất lượng trên truyền hình ấy quả thật là sự vào cuộc của cả đội ngũ từ đồng chí chuyên viên Sở phụ trách môn, giáo viên hỗ trợ đến các anh chị em bên đài truyền hình. Với cá nhân cô, đó là những ngày thức đến 2, 3 giờ sáng để nghiên cứu, tìm ý tưởng thiết kế và xây dựng bài giảng; là cảm giác vừa hồi hộp, lo lắng lại vừa háo hức đến ngày ghi hình để được chia sẻ bài học tới các em học sinh; là sự vui mừng, hạnh phúc riêng của nghề giáo khi thấy học sinh không phải trường mình giảng dạy qua tương tác của bài học trên truyền hình gửi bài tập về cho cô chấm…Chỉ vậy thôi cũng giúp những người giáo viên có động lực để tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, chung tay cùng cả xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Chính nhờ sự vào cuộc sớm, đồng bộ từ các cấp Lãnh đạo đến giáo viên và học sinh trên tâm thế luôn sẵn sàng thích ứng và thực hiện tốt dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 cản trở mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giáo dục mà 2 năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, ngành giáo dục nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã có những kết quả đáng khích lệ, được xã hội công nhận, đảm bảo cơ bản vừa chống dịch vừa dạy tốt, học tốt. Cụ thể, kết quả kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, Quảng Ninh đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng cả nước so với năm 2020. Và thật tự hào biết bao trường Văn Lang, ngôi trường ngoài công lập, đã góp phần nhỏ bé vào sự tiến bộ chung đó của ngành giáo dục tỉnh nhà. Đạt và giữ vững vị trí thứ 4 trong tỉnh về bình quân điểm thi Tốt nghiệp năm 2020 và 2021, tỉ lệ đỗ 100%, điểm số chênh lệch giữa điểm thi so với điểm tổng kết lớp 12 thấp nhất  trong tỉnh là kết quả mà thầy trò Văn Lang đã cùng nhau cố gắng, kể cả khi học trực tiếp trong trạng thái bình thường hoặc giãn cách hay khi học trực tuyến. Đó chính là những con số biết nói phản ánh rõ nét thành quả của sự chuyển đổi, áp dụng kịp thời, hiệu quả hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong mùa dịch mà trường cô, tỉnh cô đã triển khai.

Riêng với cá nhân cô, hòa chung niềm vui của nhà trường và giáo dục tỉnh nhà, việc nhanh chóng thích ứng với dạy học trực tuyến khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã giúp cô có những nhận thức mới hơn về nghề giáo. Bên cạnh sự vất vả với những nhiệm vụ tưởng như bất khả thi nhưng thực tế nếu sẵn sàng tiếp nhận, chúng ta sẽ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao quý mà xã hội trao cho nghề dạy học. Cô nhận thức thấu đáo, đa chiều hơn về sự lan tỏa tinh thần sẻ chia những khó khăn chung của toàn xã hội; giá trị từ sự nỗ lực, cố gắng, tự đổi mới để vượt qua giới hạn của bản thân. Năm học 2020 - 2021, tôi vinh dự có được kết quả ôn đội tuyển lớp 12 đạt 13 giải học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Lịch sử với 02 giải Nhất, 5 giải Nhì, 6 giải

Ba; lớp chủ nhiệm đỗ Tốt nghiệp 100%; 10 học sinh đạt điểm thi tổ hợp vào Đại học từ 25.5 điểm trở lên, cao nhất là 28.25 điểm trong đó có điểm 10 môn Lịch sử, thủ khoa khối C của nhà trường, đứng trong Top 5 của tỉnh. Nhờ những đóng góp của mình, cô Hường được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Giấy khen của Sở GD&ĐT. Đặc biệt, cô Hường vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

“Hiện tại, yêu cầu xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng cao. Song thực tiễn hơn 16 năm đi dạy giúp tôi cảm nhận được những niềm vui, niềm hạnh phúc mà chỉ khi là thầy cô mới hiểu và trân trọng. Vậy nên, nếu có một lần được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn làm cô giáo dạy học môn Lịch sử để được đồng hành cùng học sinh và các đồng nghiệp yêu quý trên mảnh đất quê hương Quảng Ninh xinh đẹp này” - cô Hường xúc động tâm sự.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.