Cô giáo Tày vượt qua bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

(CTG) Không may mắn có được tình yêu của cha, mẹ bị liệt hai chân do bệnh thận, chồng đi làm xa, bản thân bị bệnh hen suyễn từ nhỏ… Tất cả những khó khăn đó đã không làm nản lòng quyết tâm truyền đạt tri thức, phát huy sáng kiến hỗ trợ cho học sinh phát triển năng lực, tư duy của cô giáo người Tày Hoàng Thị Minh Thương (SN 1991, THCS Hợp Thành – huyện Phú Lương – tỉnh Thái Nguyên).

Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có gia đình. Đó chính là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn trong tình yêu thương của bố mẹ và người thân yêu dấu. Nhưng tuổi thơ của cô đã không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Cô không được nhận tình yêu thương của cha. Bản thân cô từ nhỏ đã bị bệnh hen suyễn thường bị khó thở, rất gầy và yếu, không thể tự đạp xe tới trường, mẹ thường xuyên phải đưa đón cô đi học nên cũng ảnh hưởng tới thời gian làm ruộng của mẹ. Nhà chỉ có 2 sào ruộng nhưng cả vụ phải nhờ anh em và làng xóm xung quanh mới được thu hoạch, do không chăm sóc được nên chất lượng còn thấp.

Cô giáo người Tày Hoàng Thị Minh Thương (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng rau sạch cùng học sinh

Năm 2006, cô thi đỗ vào cấp 3 hệ chính quy, nhưng cũng từ năm học đó mọi khó khăn ập tới gia đình. Mẹ cô phát hiện căn bệnh suy thận, mỗi tháng phải nằm viện một lần, mỗi đợt điều trị là 10 ngày. Trong thời gian mẹ nằm viện một mình cô làm các công việc nhà đi học và chăm sóc mẹ, đã có những lúc việc học tập của cô tưởng chừng lỡ dở vì quá vất vả và khó khăn.

Năm 2009, với sự giúp đỡ động viên của ông bà ngoại cùng các bác trong gia đình, làng xóm, cô đã thi đỗ vào trường ĐHSP Thái Nguyên. Nhưng cũng từ năm đó bệnh mẹ cô nặng hơn, một tuần phải chạy thận 3 lần tại bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên. Vì đi lại tốn kém nên cả hai mẹ con cùng ở trọ gần viện để tiện cho mẹ chạy thận, cuối tuần mới về quê thăm nhà và dọn dẹp nhà cửa. Mọi chi phí cho cuộc sống chỉ dựa vào tiền viện trợ của hộ nghèo và vay vốn sinh viên cùng với sự hỗ trợ của ông bà ngoại. 

Năm 2013, sau khi ra trường cô được nhận công tác tại trường THCS Hợp Thành, một ngôi trường khó khăn của huyện, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cả trường chỉ có 2 máy chiếu nên việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học rất khó khăn. Là giáo viên trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên khi nhận nhiệm vụ cô rất trăn trở, lo lắng làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao? làm thế nào để lớp chủ nhiệm đạt thành tích cao trong các đợt thi đua?  Hơn nữa, là một giáo viên hợp đồng từ năm 2013 tới năm 2021 lương thấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chồng đi làm xa, con còn nhỏ và mẹ cô bệnh nặng hơn, bà bị liệt 2 chân phải di chuyển bằng xe lăn. Bản thân cô mỗi tháng đều phải xuống bệnh viện Lao phổi Thái nguyên lấy thuốc duy trì chữa bệnh hen suyễn. Sau mỗi giờ lên lớp, cô lại tất bật với cuộc sống gia đình, để có thêm thu nhập cho cuộc sống, cô phải làm thêm nhiều nghề như: Bán hàng trên mạng, ship hàng thuê, đi cấy, hái chè thuê...

Hàng sáng, cô phải dậy sớm để lo cơm nước cho gia đình, đưa con đi học sau đó bắt xe bus đưa mẹ xuống bệnh viện chạy thận và để kịp giờ lên lớp, cô phải nhờ các y bác sĩ và người nhà bệnh nhân cùng chạy thận ở bệnh viện đưa bà vào phòng lọc máu. Buổi trưa sau khi dạy xong lại tiếp tục đón xe bus xuống đón mẹ về, nhiều hôm có tiết dạy buổi chiều không thể xuống đón mẹ được, cô phải sắm 2 chiếc ghế nhựa để bà có thể di chuyển từng bước ra khỏi phòng lọc máu và đi vệ sinh cá nhân. Buổi trưa bà nằm nghỉ trên ghế băng ngoài hành lang của bệnh viện, cuối giờ sau khi xong công việc và đón con đi học về, cô lại tiếp tục hành trình bắt xe bus xuống đón mẹ.

Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng cô luôn sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết của mình. Với cô, để có những giờ dạy tốt, cô bỏ qua tất cả những phiền muộn, những lo toan cho cuộc sống tạo cho mình tâm thế thoải mái vui vẻ khi đứng trên bục giảng, như vậy mới truyền đạt tốt kiến thức cho các em. Với lòng yêu nghề, cô đã luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp ở trường và các trường học khác trong huyện, để trau dồi sự hiểu biết, tích cực đổi mới phương pháp dạy học,tổ chức hoạt động các tiết học phong phú, giúp học sinh hứng thú, tập trung vào bài giảng.

Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn gần gũi, quan tâm theo dõi nề nếp, sự chuyên cần và ý thức học tập, cũng như chủ động trao đổi với giáo viên bộ môn để năm bắt thêm tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực…của từng học sinh trong lớp. Từ đó có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em tiến bộ hơn, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các em có lực học tốt tham dự các cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp. Cùng với đó, cô thường xuyên phối hợp, liên lạc với phụ huynh học sinh để nắm được các thói quen, sở thích, thái độ của học sinh, cũng như giúp cha mẹ học sinh biết được tình hình học tập của con em mình ở trường. Trong thời gian 7 năm( 2013 - 2020) làm công tác chủ nhiệm, lớp chủ nhiệm của cô luôn đạt nhiều thành tích trong các đợt thi đua do trường và đội tổ chức, bản thân cô luôn được phụ huynh tin tưởng, tôn trọng, học sinh yêu quý.

Bản thân cô đã đem hết sức của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại mảnh đất quê hương của mình. Với cô, công việc của người giáo viên chính là những giờ lên lớp, làm thế nào để có giờ học hay, thu hút sự hứng thú, say mê của học sinh. Tùy theo trình độ của học sinh cô nghiên cứu tìm ra những hình thức tổ chức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động giàu tính ứng dụng, giúp học sinh nắm vững nội dung bài học.

Trong quá trình công tác,với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bản thân cô đã 3 năm liền đạt giáo viên giỏi cấp huyện, một năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đạt giáo viên phụ trách đội giỏi cấp huyện, hướng dẫn học sinh dự thi bài học liên môn và thi khoa học -  kỹ thuật đạt giải khuyến khích cấp huyện. 

  Là một giáo viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, nên khi được giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cô gặp không ít khó khăn. Cùng với đó là có những học sinh trong đội tuyển, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, việc đầu tư thời gian học tập cho các em còn hạn chế, nhất là ở bộ môn Lịch Sử, rất cần thiết phải có thời gian tìm hiểu, ghi nhớ nội dung...Rất may mắn, được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, tạo điều kiện để các em được học tập thường xuyên trong phòng thư viện điện tử, trang bị thêm các loại sách chuyên sâu cho các em; đồng thời liên hệ với gia đình, tổ chức gặp mặt phụ huynh có con được tuyển chọn trong đội tuyển học sinh giỏi của trường để động viên, khích lệ, tạo điều kiện về thời gian, sức khỏe để các em được học tập trong môi trường thoải mái, tự tin nhất.

Với sự tận tình, nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của cả cô và trò, từ năm  2014 tới nay, cô có 14 học sinh giỏi đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp huyện, 5 em học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt trong năm học 2020 - 2021, cô được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh cho Phòng Giáo Dục Phú Lương đã đạt 2 giải cấp tỉnh(Một giải ba, một giải khuyến khích).

Với những thành tích đạt được bản thân cô đã được nhận giấy khen giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019 của UBND xã Hợp Thành, giấy khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 của BCH đoàn xã Hợp Thành; Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong hoạt  động công đoàn năm học 2019 - 2020 của Liên đoàn lao động huyện Phú Lương. Giấy khen của chủ tịch UBND huyện Phú Lương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 2 năm liên tiếp. Đặc biệt, cô vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

“Được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò là niềm vui, là động lực để tôi khắc phục những khó khăn của cuộc sống, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp giáo dục của trường, của huyện” - cô Thương tâm sự.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.