Cô Đỗ Thị Là, giáo viên môn lịch sử - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đắk Nông sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo. Bố mẹ và các anh cô làm lụng vất vả quanh năm mà cơm cũng không đủ no cho cả gia đình. Năm cô đang học lớp 7 thì theo cả nhà vào Tây Nguyên để sinh sống với mong muốn tìm cho các con một vùng đất no đủ hơn. Cô rất buồn vì xa các bạn gắn bó từ thuở ấu thơ nhưng cũng rất hào hứng vì sắp được đi xe ô tô và đến một vùng đất rất xa mà cô dự cảm là sẽ rất khác với vùng quê mình đang sống. Nơi xa và mới ấy cô nghĩ chắc sẽ có rất nhiều điều hấp dẫn mà cô chưa thấy bao giờ. Thế rồi, trải qua ba ngày ba đêm ròng rã trên chuyến xe chật chội và hôi hám, cô đã đến với vùng đất Tây Nguyên đầy khác lạ. Cuộc sống ban đầu trên vùng đất mới của cô khá thuận lợi. Chỉ có điều, lúc đó ở chỗ cô ở không có điện, mọi sinh hoạt vào buổi tối đều nhờ vào mấy cái đèn dầu mà thời còn bé xíu ở quê nhà cô đã dùng. Rồi chiếc đèn dầu nhỏ bé ấy cũng đã cùng cô đi hết thời học sinh đầy sôi động và rất nhiều kỷ niệm dưới những mái trường. Trong những năm tháng sôi động của thời học sinh ấy, có một dấu ấn mà sau này đã đi theo cô, gắn bó với cô đến tận bây giờ và có lẽ sẽ là cả cuộc đời cô.
Cô giáo Đỗ Thị Là chụp hình lưu niệm cùng học sinh lớp 12
Thầy giáo chủ nhiệm suốt ba năm trung học phổ thông của cô là một thương binh. Thầy từng tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào. Rời quân ngũ thầy về làm nghề dạy học với một bên mắt bị hỏng và một bên chân không lành lặn. Có rất nhiều điều làm cô và các bạn cùng lớp luôn nhớ về thầy, nhưng có lẽ điều cô và các bạn nhớ nhất chính là thầy luôn nói về nghề dạy học với những ưu điểm hơn hẳn những ngành nghề khác. Thầy khuyến khích bọn cô sau khi học tốt nghiệp trung học phổ thông hãy thi vào các trường sư phạm và sau này hãy đi làm thầy giáo, cô giáo giống như thầy. Thầy luôn say sưa với bức tranh cuộc sống đầy tốt đẹp nếu bọn cô theo nghề của thầy. Mỗi lần như vậy, cô thấy ánh mắt của thầy thật vui và đầy tự hào với nghề của mình. Có lẽ vì những lời động viên, khuyến khích của thầy khi đó mà lớp cô ngày ấy bây giờ quá nửa là làm thầy giáo, cô giáo trong đó có cô.
Khi bắt đầu vào học cấp trung học phổ thông, cô cũng định hướng theo đủ thứ nghề nghiệp, nhưng để làm một cô giáo là điều cô ít nghĩ đến nhất. Không có lý do gì đặc biệt chỉ là cô nghĩ mình khó có thể làm tốt nếu chọn nghề này. Thế nhưng, những năm tháng được học dưới sự dẫn dắt của thầy, những bài giảng, những câu chuyện, những lời động viên, thậm chí cả những bài hát kinh điển mà thầy hay hát cho cô và các bạn nghe đã dẫn dắt cô đến dần với nghề dạy học. Và rồi sau khi tốt nghiệp THPT, cô gói ghém đồ đạc cùng với mấy món đồ khô mẹ cô làm rồi đi đến thành phố phồn hoa để thi vào trường Đại học Sư phạm. Năm ấy, cô được thi hai trường đại học và một trường cao đẳng với ba đợt thi khác nhau. Kết quả cô đã đậu vào cả ba trường với kết quả loại ưu. Sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc, cô đã từ bỏ nguyện vọng vào trường “hot” thời đó để vào học trường sư phạm với tâm nguyện sẽ trở thành một cô giáo và làm cái nghề như thầy cô đã và đang làm.
Một quá trình mới với nhiều khó khăn, thử thách lại đến với cô khi bước vào cánh cửa trường đại học. Lúc này mẹ cô đã già, không còn sức để lao động nữa. Cuộc sống của mẹ bắt đầu phụ thuộc vào các anh của cô mà mỗi anh thì đều chưa ổn định và cũng không khá giả gì. Vừa phải đảm bảo việc học, vừa tự đi làm để lo cho bản thân là quá trình nhiều vất vả mà cô đã trải qua trong suốt bốn năm học đại học của mình. Với tâm niệm phải học và sống thật tốt để ra trường được về gần mẹ, được làm nghề giống thầy đã giúp cô vượt qua vất vả bằng một sức sống đầy năng lượng. Với năng lượng ấy cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Ở trường cô học nhiều khóa trước đó không có sinh viên nào tốt nghiệp loại giỏi cả nên cô và các bạn tự nhủ bản thân loại khá là cao nhất rồi! Mang theo bao hy vọng và tràn đầy hứng khởi, cô trở về nhà với mong muốn xin được vào trường phổ thông ngày trước cô đã học vì ở ngôi trường ấy, thầy cô vẫn đang giảng dạy và cũng gần nhà nơi mẹ cô đang sinh sống. Khung cảnh được ngày ngày ở bên mẹ và đến trường được làm việc cùng thầy cũng như những thầy cô giáo ở trường cô đã học khiến cô cảm thấy rưng rưng vì hạnh phúc. Trên suốt chuyến xe từ thành phố phồn hoa trở về nhà cô luôn cảm thấy mọi thứ nhìn thấy qua cửa sổ của xe ô tô đều rất đẹp và bình yên đến lạ thường.
Cảm xúc vui mừng không tồn tại trong cô được bao lâu khi việc tìm kiếm một chỗ làm như mong muốn khi trở về khó hơn cô nghĩ. Năm ấy, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk không có chỉ tiêu giáo viên môn Lịch sử. Cô chạy vạy suốt ba tháng trời để tìm một chỗ cho cô được làm cô giáo. Niềm mong ước được ở gần nhà, gần mẹ, được dạy học chung trường với thầy của cô đã tan biến sau ba tháng cô kiếm tìm. Một nỗi thất vọng trào dâng khi cánh cửa các nhà trường cứ đóng với cô mãi. Cô không còn dám mong ước được ở gần mẹ như trước nữa, cô sẵn sàng đi xa hơn chỉ cần kiếm được một nơi cô có thể dạy học. Hụt hẫng, chán nản, lo âu làm cô lần đầu tiên băn khoăn về cái nghề mình đã chọn.
Trong lúc bế tắc cô đã nhớ đến câu nói của ai đó trong cuốn sách mà cô đã đọc “điều tốt đẹp sẽ đến với ai biết kiên nhẫn, điều tốt đẹp hơn sẽ đến với ai biết nỗ lực và điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ai biết hy sinh”. Cô chợt nhận ra mình cần kiên nhẫn hơn, nỗ lực hơn và phải biết hy sinh. Với một tâm thế mới cô đã quyết định đi xa gia đình và tìm đến vùng đất mới để được làm cái nghề mà cô đã chọn.
Ngày ấy, Đắk Nông mới được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk nên còn nhiều khó khăn. Nơi cô đến lúc đó là một thị trấn có phần nhỏ bé hơn rất nhiều so với vị thế là trung tâm của tỉnh mới. Cơ sở hạ tầng từ nhà cửa đến đường sá đều rất đơn sơ và vắng vẻ. Cô tất bật với việc tìm chỗ nộp hồ sơ xét tuyển cho một vị trí là giáo viên dạy môn Lịch sử tại một trường phổ thông nơi thị trấn nhỏ. Sau hơn hai tuần chờ đợi, thật may mắn cô đã được tuyển dụng vào trường nơi cô nộp hồ sơ. Một niềm vui mới lại bắt đầu xen lẫn những lo âu của một đứa con xa nhà và chỉ có một mình nơi đất khách.
Thấm thoát đã hơn 18 năm cô đặt chân tới Đắk Nông và gắn bó với nghề dạy học. Năm tháng trôi qua, Đắk Nông nay đã có nhiều đổi khác. Thị trấn nhỏ bé và vắng vẻ khi xưa nay đã là thành phố Gia Nghĩa với tên gọi đầy thơ văn là “phố thị hoa vàng”. Tuy chưa sầm uất, phồn hoa như những thành phố khác của cả nước nhưng Gia Nghĩa nơi cô đang sinh sống và đã gắn bó gần 20 năm đã trở thành một phần vô cùng quan trọng của cuộc đời cô. Nơi đây đã cùng cô đi qua nhiều tháng năm với nhiều kiên nhẫn, nhiều nỗ lực và nhiều hy sinh để gắn bó với nghề dạy học. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của công việc và cuộc sống nhưng với niềm tin vào cái nghề mình đã lựa chọn, cũng như tin vào những điều thầy giáo chủ nhiệm của cô khi xưa hay nói về nghề dạy học mà cô đã vượt qua mọi khó khăn và luôn vững bước cùng với nghề của mình cho đến ngày hôm nay.
Nhiều lúc suy ngẫm lại quãng thời gian đã qua, cùng với những khó khăn và thử thách cô tự cảm thấy mình cũng có nhiều may mắn khi là một cô giáo. Trải qua những năm tháng trên bục giảng cô thấy mình thực sự phù hợp với nghề dạy học hơn bất kỳ nghề nào. Những tình cảm với ngôi trường, với bạn bè đồng nghiệp, với những bài dạy và với những thế hệ học sinh đầy trân quý, cô sẽ không thể có được nếu cô không làm cô giáo. Nó thực sự giống như những gì thầy giáo chủ nhiệm của cô đã nói khi xưa. Bức tranh cuộc sống của người làm nghề dạy học mà thầy cô hay vẽ cho cô xem ngày xưa bây giờ là chính công việc và cuộc sống của cô. Có khó khăn, có vất vả, có niềm vui, có nỗi buồn không giống những ngành nghề khác nhưng tất cả đều đi vào tâm can, là phần máu thịt của mỗi người làm nghề như cô. Và dù có bao nhiêu năm tháng trôi qua, dù học trò có trưởng thành đến nhường nào, dù cuộc sống có biến đổi đến đâu chăng nữa thì cô vẫn được gọi với hai từ rất thiêng liêng và trìu mến: cô giáo. Chính với cảm xúc thường trực ấy mà bây giờ, dù có đang làm công tác quản lý, cô vẫn không bao giờ xa rời bục giảng. Những giờ dạy trên lớp hay những buổi bồi dưỡng cho các đội tuyển học sinh giỏi luôn là công việc mà cô trông chờ và muốn làm nhất. Có lẽ vì thế mà dù có làm cán bộ quản lý nhưng cô vẫn luôn gần gũi, gắn bó với đồng nghiệp và học trò. Nhiều ngày mất ăn mất ngủ vùi đầu bên sách vở và tài liệu cùng với những cô cậu học trò của đội tuyển khi các em chuẩn bị bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi. Rồi nhiều ngày gác công việc của công tác quản lý để theo các em đi hết tỉnh nọ đến tỉnh kia để “tầm sư học đạo”. Rồi cùng vỡ òa trong nước mắt vui sướng khi học trò đạt giải học sinh giỏi quốc gia, hay nhiều khi cùng ngậm ngùi tiếc nuối rồi trăn trở băn khoăn khi học sinh của mình lại trượt mất một cơ hội được xướng tên trong lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia. Rồi lại chuỗi những ngày lao động cật lực để tìm kiếm cho các học trò những cơ hội mới. Quả thực, việc dạy học và bục giảng mới cho cô những cảm xúc thực sự trân quý của cuộc sống.
Trải qua hơn 18 năm gắn bó với nghề dạy học, điều mà cô có thể chắc chắn và tự tin nói lên rằng: Cô yêu nghề của cô và cô rất tự hào khi mình là một cô giáo, dạy học là một công việc thực sự giúp cô sống đúng với bản thân mình và luôn dặn mình phải sống thật tốt để xứng đáng với nghề.
Với nỗ lực của mình, cô Là vinh dự nhận nhiều giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tinh, Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đảm việc nước, giỏi việc nhà, có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia... Nhiều năm liền được công nhận danh hiệu là "Chiến sỹ thi đua cơ sở", "Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh".
Đặc biệt, dịp này, cô Là vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015. Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận. Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT. Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11. |