|
Chị Phạm Thị Hồng Mai (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam) cho hay, chị sinh ra không may mắn bị khiếm khuyết bàn tay trái, nhưng đã quyết tâm, quên đi nỗi mặc cảm bản thân, sống và làm việc như những người bình thường khác. Tuy nhiên, chị Mai cho biết người khuyết tật vẫn bị kỳ thị trong cuộc sống. Chị bày tỏ: “Các doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên khiếm khuyết ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác, mà không có sự kỳ thị về ngoại hình của họ”.
Anh Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital chia sẻ, anh sinh ra bị bại não bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, đã vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực học tập và tốt nghiệp một trường cao đẳng với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, hành trình xin việc của anh gặp rất nhiều thử thách. “Sau khi tốt nghiệp, tôi nộp 23 bộ hồ sơ nhưng đều bị từ chối với lý do người khuyết tật không thể đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội”, anh Trung kể.
Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, hiện không ít thanh niên khuyết tật đang chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung, nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới để họ vượt rào cản, nắm bắt cơ hội, phát huy năng lực, hòa nhập và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho cộng đồng.
Theo bà Đinh Thị Thụy, những ngành nghề như lập trình, thiết kế đồ họa đang là lĩnh vực nổi trội, được các nhà tuyển dụng săn đón. Người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên hoàn toàn có cơ hội lớn để tìm được việc làm. Bởi ưu điểm của các lĩnh vực trên là đề cao sản phẩm, thành phẩm chứ không quan trọng khiếm khuyết cơ thể hay vấn đề sức khỏe kém. Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp, thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật để 2 bên có sự trao đổi nhằm đạt kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức những chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm...
Và để đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam, tháng 10 vừa qua, Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam được thành lập và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I là sự kiện ý nghĩa quan trọng và bước chuyển biến đột phá trong vị trí, tổ chức và phong trào hoạt động của thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Những ngày tháng 12 này, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ thanh niên khuyết tật về hỗ trợ học tập, giao tiếp, di chuyển và sáng tạo nội dung số.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, trong chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật năm nay, Hội đưa nội dung thanh niên khuyết tật Việt Nam “kết nối và sáng tạo”, nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên khuyết tật trong kỷ nguyên số.
Theo ông Thành, với những tiến bộ vượt bậc của AI, thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận và tận dụng những công cụ này để vượt qua những “rào cản”, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật.
Trong đó, có thể sử dụng AI để hỗ trợ học tập, giúp người khuyết tật tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn; giao tiếp hiệu quả hơn, vượt qua “rào cản” ngôn ngữ và khoảng cách địa lý. Các thiết bị hỗ trợ di chuyển thông minh tích hợp AI có thể giúp người khuyết tật di chuyển độc lập và an toàn hơn; sáng tạo nội dung số trên môi trường Internet.
Ông Thành nhấn mạnh, sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp thanh niên khuyết tật chúng ta sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho xã hội nói chung cũng như cộng đồng người khuyết tật.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại:https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn
Theo TP