Làm việc cùng nhau có thể là nguồn động lực để mọi người cùng nỗ lực, nhưng nó cũng có thể khiến các thành viên trong nhóm không cống hiến hết mình vì họ hiểu rõ sự đóng góp của cá nhân không được nêu bật. Ảnh: Andrey Armyagov/Alamy
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra tình trạng lười biếng chung khi mọi người biết robot sẽ làm việc cùng mình, họ sẽ không tập trung vào công việc được giao, bởi họ tin rằng robot có đủ năng lực để đảm nhiệm, bù đắp cho phần việc của họ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Berlin cho biết những người tham gia vào thí nghiệm coi robot thực sự là một phần trong nhóm. Khi họ cho rằng công nghệ – lúc này cũng là đồng nghiệp của họ – hoạt động đặc biệt hiệu quả, hoặc cho rằng những đóng góp của bản thân sẽ không được đánh giá cao, thì mọi người có xu hướng trở nên bình thản và ung dung hơn. Các nhà khoa học đã đăng tải kết quả này đăng trên tạp chí Frontiers in Robotics and AI.
“Làm việc nhóm là một hoạt động hên xui may rủi”, Dietlind Helene Cymek, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, bình luận. “Làm việc cùng nhau có thể là nguồn động lực để mọi người cùng nỗ lực, nhưng nó cũng có thể khiến các thành viên trong nhóm không cống hiến hết mình vì họ hiểu rõ sự đóng góp của cá nhân không được nêu bật một cách rõ ràng”.
Điều này đã dẫn đến “sự lười biếng ở cấp độ xã hội” – xảy ra khi một cá nhân ít nỗ lực hơn khi làm việc theo nhóm so với khi làm việc một mình. Năm 1913, Max Ringelmann, giáo sư kỹ thuật nông nghiệp người Pháp, là người đầu tiên quan sát hiện tượng này qua một thí nghiệm kéo dây. Gần đây, vào năm 2007, các nhà khoa học đã tập trung vào những rủi ro liên quan đến tương tác giữa con người và tự động hóa trong ngành hàng không. Nghiên cứu cho thấy sự phối hợp giữa hệ thống tự động hoá và phi công có thể dẫn đến sai sót.
“Chúng tôi tự hỏi liệu mọi người có hành xử tương tự nếu thành viên trong nhóm là một robot hay không”, Cymek giải thích.
Nhóm đã kiểm chứng giả thuyết của mình bằng cách yêu cầu một nhóm công nhân kiểm tra chất lượng của một loạt công việc đã được giao; một nửa trong số họ được cho biết các công việc này do một robot có tên là Panda thực hiện. Mặc dù họ không làm việc trực tiếp với Panda nhưng những công nhân đã nhìn thấy nó và có thể nghe thấy âm thanh nó vận hành.
Tất cả các công nhân đều được yêu cầu tiến hành kiểm tra lỗi trên bảng mạch. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi kỹ lưỡng quá trình này, trước đó họ đã làm mờ hình ảnh của những tấm bảng mạch, chúng chỉ hiển thị hình ảnh rõ ràng khi công nhân chủ động mở ảnh ra để kiểm tra lỗi.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu cho biết họ không tìm thấy sự khác biệt nào về thời gian hai nhóm – những người được tiết lộ đây là bảng mạch do robot thực hiện và những người không – dành để kiểm tra các bảng mạch hoặc tìm kiếm lỗi.
Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu đi sâu vào xem xét tỷ lệ tìm ra lỗi của những người tham gia, họ nhận thấy những người làm việc với Panda phát hiện ít lỗi hơn sau khi họ thấy robot trước đó đã đánh dấu thành công nhiều lỗi. Họ cho biết đây có thể là hiệu ứng làm việc cẩu thả, chỉ cốt cho xong. Mọi người sẽ có xu hướng ít chăm chút cho công việc chung hơn nếu họ cảm thấy đồng nghiệp là những người đáng tin cậy.
Những người tham gia sau đó được yêu cầu đánh giá hiệu suất làm việc của chính mình. Họ nghĩ rằng mình vẫn giữ được sự chú ý và tận tâm ở mức cân bằng như bình thường, nhưng thực chất các nhà khoa học cho biết trong tiềm thức họ tự giả định rằng robot Panda đã phát hiện tốt các lỗi có thể xảy đến, nên họ không cần quá tập trung vào công việc.
“Không khó để theo dõi điểm nhìn của một người”, TS. Linda Onnasch, tác giả cấp cao của nghiên cứu cho biết, “nhưng rất khó để biết liệu người nhìn có thực sự đang tập trung xử lý thông tin hình ảnh đó hay không”.
Anh Lưu tổng hợp - Tia sáng