COP-16: Thiếu đồng thuận - Trái đất còn nóng

(CTG) Hội nghị cấp cao lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-16) diễn ra tại Cancun, Mexico trong 10 ngày sắp kết thúc nhưng hầu như chưa có bước tiến đáng kể nào trong việc thống nhất một văn bản mang tính bắt buộc về việc cắt giảm khí thải.


Một trong những thành công bước đầu được ghi nhận tại COP -16 là Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới trong các cuộc thảo luận hôm 8/12 đã lựa chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Thậm chí xuất hiện một số thông tin Trung Quốc đã chuẩn bị chấp nhận một mục tiêu cắt giảm phát thải có tính ràng buộc và sẵn sàng chịu sự giám sát, kiểm tra của cộng đồng quốc tế.Một trong những sự kiện nổi bật của COP -16 là việc Ủy ban về Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh tuyên bố năm 2030, nước này sẽ cắt giảm 60% mức phát thải của năm 1990. Cơ quan này cho biết, mục tiêu cắt giảm này hoàn toàn khả thi với một chi phí hợp lý bằng cách phát triển các ngành công nghiệp xanh dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thảo luận những ngày qua ở Cancun cho thấy các bên tham dự vẫn thiếu sự đồng thuận. Ngay cả trong một bước tiến được cho là đáng kể nhất vẫn có sự bất đồng: Các nhà đàm phán mặc dù đồng ý để Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) của Ngân hàng thế giới (WB) quản lý Quỹ Thích ứng (AFB) đến hết năm 2011, nhưng vẫn chưa thể thống nhất về cách thức giám sát quỹ. Trước thực trạng đáng lo ngại đó, hôm 7/12, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon trong cuộc họp với các Bộ trưởng Môi trường thế giới tại Cancun đã bày tỏ sự "lo ngại sâu sắc" về khả năng đổ vỡ của quá trình thương lượng một hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto. Ông cũng lưu ý rằng, những nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm ngăn chặn Trái đất tiếp tục nóng lên là "không đủ" và kêu gọi 194 quốc gia đang đàm phán tại COP16 đẩy mạnh tiến trình thảo luận, hướng tới tiến triển trên tất cả các mặt, trước hết là các chủ đề liên quan đến trồng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bàn giao công nghệ xanh và xây dựng một ngân quỹ mới có đủ khả năng tài trợ cho các dự án liên quan dài hạn.

Tại hội nghị COP16, Việt Nam tham gia thảo luận hai nội dung chính: Công ước khung về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác với các nước trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Trong các cuộc thảo luận này, đại diện Việt Nam đã nhấn mạnh: Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục được coi là nền tảng để ứng phó với biến đổi khí hậu và các nước phát triển nên thực hiện tích cực hơn nữa các cam kết giảm phát thải khí nhà kính định lượng sau 2012. Ngày 6/12, bên cạnh lễ khai mạc Triển lãm hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam tại COP16, đoàn đại biểu nước ta đã công bố chính thức Thông báo quốc gia lần thứ hai về biến đổi khí hậu và chỉ số phát thải các khí nhà kính ở Việt Nam. Dựa trên kết quả kiểm kê quốc gia, Việt Nam xác định tổng lượng phát thải khí nhà kính trong năm 2000 vào khoảng 151 triệu tấn CO2 tương đương, đây sẽ là cơ sở để nước ta đưa ra các dự báo về mức phát thải từ nay đến năm 2020. Ngày 8/12, bên lề COP16, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà đã có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp nước chủ nhà Fernando Tudela. Tại cuộc gặp, hai bên thống nhất đánh giá cao nhiều điểm tương đồng và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa Mexico và Việt Nam. Trên bình diện đa phương, hai Thứ trưởng chia sẻ quan điểm cho rằng, hợp tác giữa hai nước sẽ góp phần vào kết quả của các diễn đàn quốc tế nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. 



Theo Kinh tế & Đô thị