Cử nhân Luật trở thành nhà nông trẻ xuất sắc

(CTG) Trước khi được vinh danh là nông dân trẻ xuất sắc, cử nhân Luật Trầm Minh Thuần thành công với mô hình nuôi trùn quế, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm.

 

Khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã

Tốt nghiệp Cao học ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Trà Vinh, anh Trầm Minh Thuần (sinh năm 1993) về quê khởi nghiệp và tham gia thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) với mô hình nuôi trùn quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ.

Tại đây, anh Thuần làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã, phụ trách chung các vấn đề của Hợp tác xã và chuyên về lĩnh vực đối ngoại và vận hành chính sách về hỗ trợ Hợp tác xã của tỉnh.

Anh Trầm Minh Thuần nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020.

Anh Trầm Minh Thuần thuộc thế hệ 9x thành công trong việc khởi nghiệp từ mô hình Hợp tác xã. Trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, anh làm nhân viên cho Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Duyên Hải.

Những năm gần đây, nhận thấy người dân địa phương giảm sút trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp, anh Thuần quyết định nghỉ việc về quê thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, đồng hành cùng bà con nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Minh Thuần chia sẻ: "Lúc còn đi học, tôi đã có khát vọng muốn tự lập nghiệp, thích tự làm chủ bản thân. Với mong muốn phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, giúp đỡ bà con nông dân nâng cao chất lượng nông sản. Sau nhiều lần cân nhắc, mình đã quyết định chọn mô hình Hợp tác xã để khởi nghiệp, thực hiện ước mơ trên giảng đường từ bấy lâu nay."

Trầm Minh Thuần tốt nghiệp ngành Luật nhưng vì đam mê nông nghiệp và muốn xây dựng thương hiệu gạo sạch cho Trà Vinh nên về qua khởi nghiệp làm nông dân nuôi trùn quế, trồng lúa hữu cơ.

Anh Thuần cho biết thêm, hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp là mô hình Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, với hơn 60 thành viên tham gia cùng xây dựng, thành công với vùng nguyên liệu sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ trên diện tích hơn 30 ha để sản xuất gạo sạch mang thương hiệu "Hạt Ngọc Rồng".

Nổi bật trong 6 thành viên tham gia Ban điều hành là những con người trẻ tuổi và có trình độ chuyên môn cao bao gồm 4 trình độ Thạc sĩ và 2 trình độ Đại học.

Xây dựng gạo đặc sản Trà Vinh "Hạt Ngọc Rồng"

Với truyền thống sản xuất lúa nước từ bấy lâu nay, lúa gạo không chỉ là lương thực chính mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Bông lúa, hạt gạo hiện diện trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc bây giờ mới bắt tay xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương nói riêng, cho gạo Việt nói chung là nhiệm vụ quan trọng đối với Hợp tác xã.

Anh Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp chia sẻ: "Khi tham gia vào Hợp tác xã, ngoài việc được hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới phù hợp với điều kiện đất đai và giống có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì các thành viên được Hợp tác xã bao tiêu thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường.

Điều đặc biệt gạo của Hợp tác xã mang thương hiệu "Hạt Ngọc Rồng" đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để hướng đến xây dựng thành thương hiệu gạo đặc sản của tỉnh Trà Vinh."

Anh Trầm Minh Thuần hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp.

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu gạo sạch, anh Minh Thuần cho biết, Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại không có sản phẩm gạo nào tiêu biểu, với khát vọng mang hạt gạo Trà Vinh sánh tầm khu vực.

Anh và các bạn bắt đầu khảo sát vùng nguyên liệu, đưa gạo đi phân tích ở các trung tâm lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế mẫu mã sản phẩm, sau đó đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm gạo.

Hiện tại thương hiệu gạo sạch "Hạt Ngọc Rồng" của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 544 triệu đồng/năm.

Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ hoàn thiện sản phẩm gạo sạch để đăng ký chứng nhận hữu cơ Việt Nam và tiếp tục tham gia đàm phán cung ứng gạo mang thương hiệu "Hạt Ngọc Rồng" vào chuỗi hệ thống các cửa hàng đặc sản, siêu thị và các trang thương mại điện tử toàn quốc. Ngoài ra Hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Sao sản phẩm OCOP - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020.

Những năm qua, anh Trầm Minh Thuần cùng với các cộng sự của mình đã giúp HTX có thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm.

Mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp Long hiệp được biểu dương là mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020.

Riêng anh Trầm Minh Thuần, tháng 11/2020 anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của. Với giải thưởng này, anh Thuần còn vinh dự trở thành Đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2020 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ thế, anh Trầm Minh Thuần còn là Ủy viên BCH trẻ nhất được Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh bầu vào BCH Liên Minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Anh Trầm Minh Thuần, cựu sinh viên chuyên ngành Luật Trường Đại học Trà Vinh là một trong số 56 nhà nông trẻ xuất sắc vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020.

Đây là phần thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

 

Theo Dân Trí