Cùng phân loại rác cho môi trường xanh, sạch

(CTG) Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao. Ban đầu, các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

 

Hình thành ý thức phân loại rác

Phân loại rác thải tại nguồn ở Hà Nội được khởi động từ nhiều năm qua. Đã có rất nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động phân loại rác thải tại nguồn được tổ chức. Huyện Đông Anh đã triển khai thí điểm chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại 3 xã gồm: Liên Hà, Việt Hùng và Dục Tú. Thực hiện mô hình, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa) ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tái chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của huyện đến đưa đi xử lý.

 

Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao. Ban đầu, các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Đánh giá về mô hình phân loại rác thải tại nguồn, bà Quang Thị Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng (một trong 3 xã trên địa bàn huyện Đông Anh thực hiện thí điểm mô hình) cho biết: “Đây là mô hình tốt góp phần giảm lượng rác thải, phân ủ rác dùng để bón cho cây rất hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai chúng tôi phát tờ rơi, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện, phát cho các hộ gói vi sinh để thực hiện phân loại rác thải. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã thành lập các nhóm nòng cốt thực hiện tuyên truyền đến các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các bước quy trình về ủ rác thành phân hữu cơ, phục vụ cho việc bón cây trồng cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn xã”.

Từ hiệu quả mô hình đem lại, đến nay việc phân loại rác đã được nhân rộng trên địa bàn các xã của huyện. Tính đến tháng 11/2021, huyện Đông Anh đã triển khai phân loại thu gom, xử lý rác trên 19 xã, thị trấn. Kết quả kiểm kê rác cho thấy nếu phân loại và xử lý rác, lượng rác thải phải mang đến bãi chôn lấp giảm trên 50%. Trong thời gian tới huyện Đông Anh sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trên toàn huyện, mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt 30 - 35% số hộ tham gia, đến hết năm 2025 đạt 50% số hộ tham gia.

Tương tự, dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng” tại quận Hoàn Kiếm được Ủy ban nhân dân quận và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp triển khai thí điểm tại quận. Dự án triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành trong việc phân loại, thu gom tái chế và tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Từ đó giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái sử dụng các sản phẩm nhựa để góp phần phát triển kinh tế bền vững, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Trải qua thời gian ngắn tổ chức thí điểm tại 6 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau một tháng triển khai đồng bộ trên cả 6 phường, đã có 5.400 hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn, gần 5.000 hộ được ghi nhận đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn, kết quả 4.200kg rác thải nhựa giá trị thấp cũng đã được phân loại.

Phân loại rác góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại còn nhiều trở ngại bởi các mô hình được thực hiện chưa đồng bộ và chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn…

 

 

“Trước đây ở khu vực tôi làm việc có thực hiện phân loại rác, nhưng hiện nay không còn duy trì. Hàng ngày, tất cả rác thải đều được người dân đem ra điểm tập kết. Việc phân loại rác đem lại ý nghĩa lớn giúp giảm áp lực cho công nhân thu gom, quá trình thu gom được thuận lợi hơn, giảm áp lực quá tải cho các bãi rác, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế”, chị Lê Thị Thu Hà, công nhân môi trường, Công ty CCổ phần Công nghiệp Môi trường 9 (Urenco 9) chia sẻ.

Đáng nói, từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Nhiều quy định mới liên quan tới việc thu gom rác thải sinh hoạt đã được truyền thông mạnh mẽ tới từng hộ gia đình, trong đó có hai điểm nổi bật là thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại và cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định.

Cùng với đó, từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024.

Hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cũng như người dân từng bước thay đổi thói quen cũ, cùng hướng tới mục tiêu chung, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Mặc dù Luật, các quy định, chế tài xử phạt đã có, tuy nhiên để việc phân loại rác mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, cần sự bền vững. Do đó, về cơ bản vẫn cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác, giúp họ biết cách phân loại, hình thành, duy trì thói quen phân loại rác tại nhà.

CTG