Cung ứng nguồn lao động phải theo xu thế hội nhập

(CTG) Hiện nay rất nhiều trường đào tạo nghề đã phải thay đổi ngành nghề mới đòi hỏi phải cập nhật và thay đổi phương pháp đào tạo, đáp ứng như cầu nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Theo nghiên cứu của ĐH Oxford, những ứng dụng CNTT và robot sẽ loại bỏ 1 nửa lực lượng lao động trong hai thập kỷ tới. Những nước phát triển sẽ bị tác động nhiều nhất. Chính vì vậy, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi lực lượng lao động trong ba lĩnh vực chính: kỹ thuật số (dữ liệu lớn, vạn vật kết nối internet, trí tuệ nhân tạo), công nghệ sinh học (ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…) và vật lý (robot thế hệ mới, xe tự lái, công nghệ nano…).

Trong giờ giảng dạy sửa chữa tại trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội.

Điều này sẽ dẫn đến xu thế việc làm cũng sẽ có nhiều thay đổi. Những ngành nghề được coi là trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là kỹ sư phát triển phần mềm robot, kỹ sư phát triển công nghệ in 3D, chuyên gia phân tích thông tin y tế, dược phẩm sinh học…

Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề có thể biến mất hoàn toàn bởi xe tự lái có thể thay thế tài xế, robot có thể làm hàng loạt công việc trong nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp…

Theo ông Dương Đình Dũng - Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM cho biết nhiều quốc gia đã ráo riết chuẩn bị nhân lực cho những lĩnh vực và ngành nghề mới. Hiện nay đã hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc như trợ lý ảo, thư ký ảo… Trên không gian điện toán đám mây đã hình thành phòng học ảo, giáo viên ảo.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - ĐHQG TP.HCM cho rằng chương trình của các cơ sở đào tạo Việt Nam hiện nay vẫn chưa linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với xu thế thị trường lao động cách mạng công nghiệp 4.0."Trong cuộc cách mạng này, giáo dục nghề nghiệp phải cập nhật nhanh danh mục nghề đào tạo và chương trình sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục".

Về phía các cơ quan chuyên trách, TS Trương Anh Dũng , Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH khẳng định trong năm 2019 sẽ đẩy mạnh trọng tâm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong xu thế 4.0, một số nghề có thể bị thay thế và nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Bộ đang rà soát các ngành nghề mới phát sinh để đưa vào đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong xu thế thay đổi của thế giới.

Ngồn lao động chất lượng cao đi kèm với những máy móc thiết bị hiện đại.

Trong thời gia tới, ở Việt Nam việc đào tạo trong các trường ĐH, CĐ cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ cả về cơ cấu ngành nghề, chương trình và phương pháp đào tạo mới có thể đáp ứng được nhu cầu lao động trong xu thế 4.0. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam đã qua đào tạo còn thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Việc đổi mới đào tạo là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo hiện nay. Để tránh bị đào thải các cơ sở đào tạo cần phát triển đào tạo trực tuyến, phát triển ngành tự động hóa, nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, nhất là nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

Hơn thế tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho các ngành nghề sẽ chuyển đổi, phát triển, người lao động phải thích ứng được điều đó. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực; trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc kết nối doanh nghiệp, trường học cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong thời đại 4.0. Khi đó, trường và doanh nghiệp sẽ kết hợp để xây dựng các phòng thí nghiệm, mô phỏng hiện đại giúp nghiên cứu chuyên sâu và có thể triển khai các phòng học ảo, thầy giáo ảo dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh.

GS.TS Vương Thanh Sơn - ĐH British Columbia (Canada) cho biết trường ĐH là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp tích cực sẽ vừa là thị trường vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng ta nên nhận thấy rằng những cuộc cách mạng trước đây chỉ giúp 1 vài nước "hóa rồng". Tuy nhiên cuộc cách mạng 4.0 là sân chơi công bằng, là cơ hội cho các nước nhỏ bắt kịp dòng chảy công nghệ thông qua giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, các trường phải thích ứng và thay đổi hoạt động đào tạo. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hóa bài giảng, sử dụng công nghệ thực tế ảo, ứng dụng không gian mở giúp sinh viên học tập mọi nơi, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho người học… là những giải pháp quan trọng.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - cho biết hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính.

Hoàng Long